Tăng lương hưu thêm 10% từ 1/7/2021 khó khả thi?
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, dù tăng trưởng dương, nhưng nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, doanh nghiệp phải dùng đến các gói cứu trợ giảm thuế, chậm đóng BHXH, do đó việc tăng lương hưu là khó khả thi trong năm nay.
Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến về đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với 8 nhóm đối tượng gồm cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Đề xuất này đưa ra 2 phương án tăng lương hưu, trợ cấp. Theo đó, phương án 1, điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2021, với mức tăng dự kiến là 10%. Mức tăng này nhằm bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu cũng như trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Ước tính, theo phương án này, sẽ có khoảng hơn 925.000 người được điều chỉnh từ ngân sách Nhà nước. Dự kiến, kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả tiền đóng bảo hiểm y tế.
Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu người, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.
Phương án 2 là điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 với mức 15%. Theo lý giải của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề xuất mức điều chỉnh là 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát. Mức này để chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Mức điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%), như vậy phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Thực hiện theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là 896.823 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả ước là 2.283.819 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là 168.045 tỷ đồng.
Việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 và có mức lương hưu đang hưởng thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng thì có khoảng 426.000 người được điều chỉnh. Dự kiến kinh phí tăng thêm nếu thực hiện điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 là 700 tỷ đồng.
Tăng lương hưu 15% thì lương người tại chức tăng bao nhiêu?
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ủng hộ việc tăng lương hưu do sẽ góp phần cải thiện lời sống của nhóm người hết độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương hưu cần tính đến 3 vấn đề chính gồm mức tăng, thời điểm tăng và chọn phương án tăng nào.
“Lương hưu nằm trong tổng thể chính sách cải cách bảo hiểm xã hội, thuộc đề án về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Việc tăng lương hưu cần được tính toán cân nhắc để phù hợp với từng nhóm đối tượng hưu trí. Nếu lương hưu có lộ trình tăng riêng, thì ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương cần có tham mưu cho Chính phủ, vì ngoài đối tượng hưởng lương hưu còn những người đang tại chức”, ông Phạm Minh Huân nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng, khi tăng lương hưu cần cân nhắc kỹ về nguồn tăng. Theo đó nguồn để tăng lương hưu hiện nay có 2 phần. Với nhóm lao động về hưu trước 1/1/1995, nguồn để tăng lương sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả. Với những người nghỉ hưu từ 1/1/1995 trở lại đây sẽ do quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Việc tăng lương hưu cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách Nhà nước.
Ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng, dựa vào tình hình kinh tế, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, nên việc tăng lương hưu thêm 10% trong năm nay là khó khả quan. Do đó cần tính để có phương án tăng thêm 15% vào năm 2022.
“Quốc hội đã có Nghị quyết để lùi việc tăng lương cơ sở do kinh tế khó khăn. Ưu tiên cho đối tượng đã nghỉ hưu trước là tốt, song cũng cần hài hòa lợi ích giữa những người đã về hưu và những lao động đang tại chức ra sao. Nếu năm 2022 tăng lương hưu thêm 15%, thì cũng cần tính đến bài toán tăng lương cho người lao động đang công tác, làm việc thêm bao nhiêu cho tương xứng?”, ông Huân nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng, chuyện cải thiện đời sống của người nghỉ hưu cần thực hiện từng bước, song bên cạnh đó cần có những chính sách đảm bảo mức lương thực tế, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức ổn định.
Tăng lương có thể tiềm ẩn nguy cơ lạm phát?
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và Xã hội, việc tăng lương tại những thời điểm Bộ LĐ-TB-XH đề xuất là chưa nên.
Bà Hương cho rằng, hiện nay dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, nhưng nhìn chung doanh nghiệp và người lao động vẫn rất khó khăn. Nhà nước phải thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho rằng, việc tăng lương hưu trong bối cảnh hiện nay cộng với lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế lớn tiềm ẩn những nguy cơ gây lạm phát. Điều này có thể ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế, khiến giá cả leo thang.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương nêu quan điểm, ở thời điểm hiện tại, nên tiếp tục các biện pháp hỗ trợ khác cùng chính sách “thắt lưng buộc bụng” để tránh gia tăng áp lực chi ngân sách. Đặc biệt, bà Hương cũng quan ngại rằng, nếu tăng lương hưu, sẽ phải lấy từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội. Dịch bệnh khiến mức chi tăng, trong khi đó các doanh nghiệp chậm đóng, giảm đóng dẫn đến nguồn thu bị ảnh hưởng, nên áp lực cho quỹ này là rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng cần cân nhắc, tính toán rất kỹ, cân bằng lợi ích giữa các nhóm đối tượng, sử dụng nguồn tiền hiệu quả, ưu tiên cứu trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh sẽ hợp lý hơn trong bối cảnh hiện tại. Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Lan Hương, chưa nên tăng lương hưu từ 1/7/2021 hay từ 1/1/2022 mà nên xem xét để lùi lại vào 1/7/2022./.