Tăng lương tối thiểu: Kẻ vui người buồn
VOV.VN -Hầu hết công nhân được hỏi đều vui mừng trước thông tin tăng lương tối thiểu vào năm tới, trong khi đó các công ty lại lo sốt vó.
Phương án cuối cùng về mức tăng lương tối thiểu được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào ngày 3/9. Theo đó, mức tăng là 12,4% để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều này có nghĩa lương tối thiểu vùng I sẽ tăng từ 3,1 triệu đồng/tháng năm 2015 lên 3,5 triệu đồng/tháng trong năm 2016. Trước thông tin này, nhiều người lao động đã tỏ ra hết sức phấn khởi.
Ngay khi biết được thông tin lương tối thiểu sẽ tăng vào năm 2016, chị Lâm Thi Chiến, Công nhân công ty Dệt May Phong Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh không giấu được niềm vui: “Tôi là công nhân lao động và cảm thấy mừng vì Nhà nước tăng lương phần nào cũng giúp cho chị em công nhân. Những công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp cảm thấy vui hơn. Lương tăng được đồng nào thì giúp chúng tôi đỡ khó khăn phần đó”.
Hầu hết công nhân bày tỏ vui mừng trước thông tin tăng lương tối thiểu |
Còn Trần Thị Thuần, công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức cho rằng nếu tăng lương sẽ hỗ trợ phần nào tiền lương hàng tháng, góp phần giúp đỡ cho gia đình.
Chị Thuần nói: “Nghe tin sắp tăng lương, tôi cũng mừng. Tôi mong được tăng lương vì còn tích trữ để gửi về quê cho em đi học. Lương hiện tại của tôi giờ được hơn 4 triệu, rất khó để chi tiêu”.
Là công nhân tại một xưởng thủ công mỹ nghệ, tiền lương của chị Hà Thị Loan là 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó, tiền thuê nhà đã mất 1 triệu đồng. Việc tăng thêm khoảng 400.000 đồng/tháng tiền lương sẽ giúp chị gánh được gần nửa số tiền thuê nhà.
Bên cạnh niềm vui đó thì nhiều công nhân cũng tỏ ra lo lắng vì sợ giá cả tăng theo, tăng trước cả lương. Anh Nguyễn Văn Minh - công nhân khu chế xuất Tân Thuận nói: “Tuy rất vui nhưng giá cả thị trường lại tăng theo. Hy vọng là nhà nước kiểm soát về giá để cho công nhân tụi em đỡ khổ”.
Chị Trần Thanh Nga - công nhân nói: “Rất lo vì sẽ có những mặt hàng khác tăng theo, sợ còn tăng hơn mức lương được”.
Doanh nghiệp cũng lo sốt vó
Đề cập tới câu chuyện tăng lương cho công nhân, chủ một doanh nghiệp có tiếng ở TP Vinh (Nghệ An) cho biết, với mức lương trả cho công nhân 4,5 - 7 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền thưởng), xoay xở đã khó khăn rồi.
“Nếu tới đây phải tăng lương tối thiểu thêm hơn 16% như đề xuất của TLĐLĐVN, doanh nghiệp tôi sẽ thua lỗ vì phải đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động” - vị này nói và chia sẻ, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng có nguy cơ này vì làm ăn đang khó khăn, thu không đủ bù chi. Trong khi đó, tay nghề công nhân vẫn thế.
Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Đức Long - Kế toán trưởng Công ty TNHH Prex Vinh (Cụm công nghiệp Lạc Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết: Bình quân thu nhập của công nhân ở đây thuộc vùng 4 là 3,2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập như vậy tuy chưa nhiều nhưng khá cao so với những nơi khác trong cả nước.
Ông Long băn khoăn, nếu tăng lương 16% đối với công nhân lao động vùng 4 như ở Công ty Prex Vinh, chi trả cho mỗi người sẽ tăng thêm 344.000 đồng/tháng; tiền bảo hiểm tăng 75.680 đồng/người/tháng; chi phí tăng ca khoảng 50.000 đồng/người/tháng.
Tổng cộng chi phí thêm cho mỗi công nhân là 469.680/tháng. Hiện, công ty có 4.500 công nhân, tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4%, mỗi tháng DN phải chi phí thêm gần 2 tỷ đồng.
Theo ông Long, chất lượng đầu vào của lao động vùng ở đây còn thấp, hầu hết phải cho công nhân đi đào tạo lại tay nghề, chi phí do công ty bỏ ra. Năm tới lương tăng, bảo hiểm cũng tăng, tất cả đè lên doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mức tăng lương mới (tăng 12,4%) sẽ tạo áp lực lớn lên ngành dệt may việt Nam. VITAS tính toán, năm 2016, ngoài tiền lương, các doanh nghiệp ngành dệt may đóng phí công đoàn mất khoảng 450 tỷ đồng, thêm chi phí cho bảo hiểm trên 6.000 tỷ đồng.
“Những chi phí đó là áp lực rất lớn với chúng tôi”, ông Giang nói. Tuy vậy, Chủ tịch VITAS cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ… để giải quyết căn bản vấn đề áp lực tăng chi phí từ năm 2016 trở đi./.