Tăng lương tối thiểu năm 2016: Đang bàn mức tăng
VOV.VN - Sáng nay (5/8), tại Hà Nội, Hội đồng tiền lương quốc gia họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016.
Trao đổi trước phiên họp này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cố gắng đàm phán ở mức tăng phù hợp để có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động. Mức lương này cần đảm bảo để DN tiếp tục sản xuất kinh doanh, vì hiện nay, DN đã thay mặt người lao động đóng rất nhiều khoản chi phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…"
Hội đồng lương quốc gia họp sáng 5/8 |
Trước đó, trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, Phòng Công nghiệp và Thương mại VN đưa ra mức khoảng 10%, gồm từ 4-5% cho chỉ số giá tiêu dùng, 3% năng suất lao động bình quân và 3% nhằm bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, trong trao đổi sáng nay, ông Phòng cho hay: "Theo quan điểm của VCCI, tăng lương tối thiểu vùng 2016 phù hợp là từ 6 – trên 7%. Mức tăng 10% chỉ là dự báo ban đầu, còn mức này là trên cơ sở hội đủ thông tin trên cơ sở phân tích của các bộ phận kỹ thuật và các phản hồi thực tế của doanh nghiệp. do vậy, sau khi tổng hợp, trao đổi, tính toán kỹ chúng tôi thấy mức trên là hợp lý".
Theo thống kê của VCCI, Việt Nam có mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, công đoàn phí do chủ sử dụng lao động đóng cao nhất so với các nước trong khu vực (doanh nghiệp Malaysia đóng khoảng 13%, Thái Lan 5% , Philippines 10%, Indonesia 8%).
VCCI thống kê tại nhiều doanh nghiệp, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn năm 2015 đều tăng 35% so với năm 2014. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động.
Khi tăng lương tối thiểu, các chi phí đặc biệt chi phí nguồn nhân lực cũng tăng theo từ đó ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi do đó ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động.
Trao đổi về đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN, thành viên Tổ Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết: Theo báo cáo của các cấp công đoàn, năm 2015, có 85-90% số DN (có cơ sở công đoàn) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện. Theo Nghị định 103/2014, tỉ lệ tăng lương tối thiểu bình quân các vùng năm 2015 là 14,3% so với năm 2014, nhưng tỉ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của người lao động trong các DN chỉ khoảng 12% và việc tăng lương tối thiểu không gây đột biến về chi phí cho DN. Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 60 DN cho thấy, các DN (nhất là các DN FDI có hạch toán từ Cty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu
năm 2016.
Với mức tăng như vậy, tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động (năm 2015 mới đáp ứng được 78-83%). Song người lao động, nhất là ở các DN khu vực tư nhân và FDI được hưởng lợi khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tiền lương cơ bản tăng giúp họ yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất lao động. Tiền lương theo hợp đồng tăng, đồng nghĩa với mức đóng BHXH tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Cũng về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng không nên quá 6%, trong đó 3% CPI, 1% năng suất và 2% tăng.
Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm các thành viên của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam./.