Tăng quyền năng cho phụ nữ đi xuất khẩu lao động

Phụ nữ là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do những công việc mang tính chất đặc thù về giới, như: hộ lý, giúp việc gia đình…

Ngày 11/3 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị Tập huấn Truyền thông về Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do hai cơ quan này thực hiện.

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó 25-30% là phụ nữ.

Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Bà Suzette Mitchell, Trưởng Đại diện Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc (IFEM), cho biết:  Phụ nữ là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do những công việc mang tính chất đặc thù về giới, như: hộ lý, chăm sóc, giúp việc gia đình… Do đó, các cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng khi đưa ra công luận các vụ việc, hành động sai trái mà lao động phụ nữ gặp phải.

Đây là Dự án đầu tiên trong lĩnh vực di cư lao động do một cơ quan của Liên Hợp Quốc phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện. Đây cũng là tiền đề quan trọng đối với những hoạt động nhằm thúc đẩy quyền của người phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam. Một trong những mục tiêu của Dự án là bảo đảm rằng, các cơ quan chủ chốt tham gia Dự án như các cơ quan thông tin đại chúng, được thông tin đầy đủ về thực tiễn của chương trình di cư lao động. Các cơ quan thông tin đại chúng đóng vai trò then chốt trong việc chuyển tải những thông tin tới công chúng nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực của cá nhân.

Bà Suzette Mitchell nhấn mạnh: “Điều quan trọng là các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần được thông tin đầy đủ về các vấn đề khó khăn mà lao động gặp phải cũng như những vụ việc đối xử tồi tệ với người lao động”.

Ông Vũ Ngọc Bình, IFEM
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOVNews, ông Vũ Ngọc Bình, chuyên viên Văn phòng IFEM, cho biết: “Ở tất cả các nước có lao động di cư, lao động nữ đều chịu thiệt thòi kép, bởi vì họ là lao động di cư và là lao động nữ. Nhiều quốc gia chưa chú trọng vấn đề giới. Tôi cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra các chính sách đối với lao động nữ di cư, để bảo vệ quyền con người của họ. Hiện nay quốc tế đã có sẵn nhiều chuẩn mực về ứng xử đối với lao động nữ, lao động di cư. Các nước chỉ cần đối chiếu với những chuẩn mực đó để thực hiện.

Trong trường hợp lao động nữ cảm thấy bị yếm thế, chúng ta có những cơ chế tăng quyền năng cho họ. Ở Việt Nam có những cơ quan quốc gia bảo vệ quyền lợi của nữ lao động, như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là Hội Phụ nữ Việt Nam, một cơ quan có tiếng nói quan trọng. Lao động nữ di cư có thể dựa vào các cơ chế này để có tiếng nói của mình, yêu cầu được thực hiện quyền của mình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên