Tăng viện phí và nỗi lo của người nghèo
Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm Xã hội, chỉ có 20% người cận nghèo có Bảo hiểm Y tế. Con số này cũng đồng nghĩa với việc 80% người cận nghèo sẽ “đau đầu vì tiền” khi phải đi khám, chữa bệnh.
>> Tăng viện phí để hợp thức hoá cho việc “xé rào” của bệnh viện?
Một lần nữa, câu chuyện viện phí lại khiến người dân thấy bất ổn. Người dân bất ổn bởi nhiều nhẽ.
Việc tăng viện phí được đưa ra giữa lúc nhiều người bệnh đang bức xúc với ngành Y tế: đó là việc chất lượng khám chữa bệnh chưa thể kiểm định được, đồng nghĩa với việc người dân phó mặc sinh mệnh của họ cho thầy thuốc mà không hề có một cam kết về chất lượng; tình trạng quá tải ở các bệnh viên là một câu hỏi chưa có lời đáp, và người dân vẫn phải xếp hàng, chen chúc đến khám chữa bệnh, bệnh nhân phải ghép giường, thậm chí nằm ngoài hành lang và vẫn phải sống chung với tệ nhũng nhiễu người bệnh từ các y, bác sĩ.
Còn lí do chính để ngành Y tế đưa đề xuất để tăng mức viện phí lên cao gấp 5-7 lần là kỹ thuật y tế ngày càng phát triển; các bệnh viện đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật mới, hiện đại khiến phí nhiều dịch vụ ngày càng tăng. Chi phí để bảo đảm hoạt động của bệnh viện và thực hiện các dịch vụ cũng tăng…
Vậy, có thể hiểu rằng, tăng viện phí sẽ không đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cụ thể hơn là giải quyết vấn đề quá tải. Việc tăng viện phí để mua sắm trang thiết bị thực ra chỉ đáp ứng một phần trong công tác khám chữa bệnh mà thôi.
Người dân bất an, và nhất là đối với người dân nghèo, câu chuyện tăng viện phí sẽ khiến cho gia đình người bệnh đã khó càng thêm khó, thậm chí có người sẽ phải phó mặc tính mạng của mình khi không thể đáp ứng được chi phí nằm viện. Một ví dụ cụ thể, theo mức viện phí hiện hành, người bệnh phải chi trả gần 6 triệu đồng khi mổ sỏi thận tại Bệnh viện Đại học Y, (mức này áp dụng cho bệnh nhân có bảo hiểm Y tế). Nhưng nếu theo cách tính viện phí mới, tiền điều trị sẽ lên tới hơn 30 triệu đồng. Đây là một số tiền quá lớn đối với người bệnh nghèo. Trong khi đó, các chính sách của Nhà nước ta đều ưu tiên và tạo mọi điều kiện cho người nghèo. Có lẽ trong đề án này, một lần nữa Bộ Y tế lại không tính đến đối tượng này.
Một điều đáng nói là theo Thông tư 14, tiền khám bệnh là 500 đồng – 3.000 đồng/lần khám thì nay điều chỉnh lên 30.000 đồng/lần khám. Thực tế thì hiện nay, các bệnh viện đã thu ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng, có nơi thu tiền khám bệnh ngoài giờ 100.000 đồng/lần khám. Như vậy, khi chưa có đề án tăng viện phí, các bệnh viện cũng đã tự điều chỉnh giá khám bệnh và sự xé rào này không hề được Bộ Y tế xử lí.
Tăng viện phí là cần thiết. Nhưng tăng như thế nào cho hợp lí là vấn đề cần bàn thảo chi tiết, trong đó quyền lợi của người bệnh cần được cân nhắc, đặc biệt là người nghèo. Cùng với việc bệnh viện đòi hỏi người bệnh trả phí cao, người bệnh cũng có quyền yêu cầu ngành y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ người bệnh theo hướng tôn trọng người bệnh. Nhưng với cách lí giải của ngành Y tế hiện nay thì người dân còn lo lắng, bất an mỗi khi phải tới bệnh viện./.