Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật
VOV.VN - Mất việc làm và hiện nhiều người khuyết tật khó trở lại thị trường lao động, khó tìm cho mình một công việc phù hợp để tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng và góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì 2 năm qua - dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm nhiều trở ngại. Mất việc làm và hiện nhiều người khuyết tật khó trở lại thị trường lao động, khó tìm cho mình một công việc phù hợp để tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng và góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm và hiện rất khó quay trở lại thị trường lao động để tìm cho mình một công việc phù hợp.
"Tôi đã đi xin việc khắp nơi, kể các các công ty, xí nghiệp. Lúc đấy mặc dù biết đi vào đến cổng gặp bảo vệ cũng đã khó khăn rồi, chứ chưa nói đến gặp được lãnh đạo công ty để mà xin việc, nhưng tôi vẫn cứ đi. Tôi vẫn mong muốn là tìm được cơ hội, tìm được việc làm cho mình để tôi được đi làm giống như bao người khác. Ao ước, khát khao lắm thế nhưng mà không được. Kết quả là mấy năm trời đi xin việc đều thất bại. Đợt dịch này thì cơ hội việc làm cho người khuyết tật như tôi càng khó khăn hơn so với người bình thường", một người lao động khuyết tật chia sẻ.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến tỷ lệ người khuyết tật thất nghiệp gia tăng, bà Đào Thu Hương - cán bộ về quyền của người khuyết tật, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động đã là một thách thức, thì với lao động là người khuyết tật càng khó khăn hơn. Nhất là hiện nay, đa phần lao động người khuyết tật là lao động thủ công, không có trình độ thì việc bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động là điều dễ nhận thấy.
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy, người khuyết tật nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh; 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% người trả lời cho biết đang thất nghiệp vì đại dịch, trong số những người vẫn đang có việc làm, 59% cho biết thu nhập bị giảm.
Bà Đào Thu Hương cũng cho rằng, cùng với chính sách việc làm đối với người khuyết tật có những điểm không còn phù hợp, người lao động khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm… thì nguyên nhân còn do nhận thức của chính người khuyết tật còn hạn chế.
"Rào cản đối với người khuyết tật là thiếu thông tin. Người khuyết tật hiện nay còn thiếu nhận thức về những chính sách ưu đãi mà họ được hưởng từ phía Nhà nước. Việt Nam có rất nhiều Luật, chính sách văn bản dưới Luật quy định về những ưu tiên mà người khuyết tật được hưởng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc làm. Tuy nhiên, từng cá nhân người khuyết tật lại chưa nhận thức rõ về những chính sách ưu đãi đó. Chúng ta vẫn chưa có một kênh thông tin có hệ thống và đáng tin cậy để người khuyết tật tìm đến để có thể thấy cơ hội đào tạo nghề và cơ hội việc làm dành cho mình", bà Đào Thu Hương chia sẻ.
Nhằm tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp họ tìm được công việc phù hợp với khả năng của bản thân để tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng và giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ quan, tổ chức đã và đang triển khai những hoạt động thiết thực.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết: "Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã tổ chức được gần 30 phiên giao dịch việc làm dành riêng cho nhóm lao động yêu thế, đặc biệt là lao động khuyết tật. Và số lượng người lao động khuyết tật được phỏng vấn, được tư vấn, giới thiệu việc làm khoảng trên 3 nghìn người. Trong năm nay, chúng tôi có kế hoạch tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm dành riêng cho người khuyết tật. Ngoài ra, chúng tôi có các hoạt động như thường xuyên phối hợp với Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội và hội khuyết tật của 30 quận, huyện sẽ xuống trực tiếp để làm công tác tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động tại chỗ. Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội có vai trò kết nối, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho người khuyết tật. Ví dụ, chúng tôi đã kết nối mạng lưới các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh tuyển dụng lao động là người khuyết tật để họ chia sẻ kinh nghiệm tuyển lao động là người khuyết tật. Còn đối với người khuyết tật thì chúng tôi có mạng lưới Hội người khuyết tật các quận huyện và các Câu lạc bộ để họ đến với nhau, cùng nhau chia sẻ những công việc có ích đối với người khuyết tật".
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng hành, tạo sinh kế cho người khuyết tật, giúp họ bước qua rào cản, phát huy khả năng của bản thân để tự lập trong cuộc sống.
Bà Chử Thị Thanh Hương, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam và ông Lê Hồng Chương, quản lý của Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội SafeViet cho biết: "Một trong những mục tiêu của Doanh nghiệp xã hội Vì người khiếm thính Việt Nam là tạo cơ hội việc làm và mong đợi giúp đỡ cho 2,5 triệu người khiếm thính Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng mở cho những dạng khuyết tật khác- đối tượng đó số lượng rất nhiều nhưng hiện nay cơ hội tiếp cận việc làm đối với họ vẫn còn nhiều rào cản và khó khăn. Vì vậy, tôi mong đợi sẽ kết nối và tạo cơ hội việc làm, tuyển dụng được người như mình mong đợi, tạo việc làm cho những người yếu thế đang tìm kiếm việc làm. Người khuyết tật là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, họ hay tự ti, nên mình muốn thông qua việc làm để họ tự tin, tạo thu nhập cho bản thân, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Dạng khuyết tật thì công ty chủ yếu ưu tiên tuyển các bạn khuyết tật vận động để làm may đồ may bảo hộ lao động trên các quy trình sản xuất và có người hướng dẫn thực hành".
Để nâng cao tỷ lệ người khuyết tật có việc làm, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc sửa đổi, bổ sung chính sách việc làm cho phù hợp đối với người khuyết tật trong tình hình mới từ phía Nhà nước, các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của người khuyết tật. Các địa phương cần có chính sách tạo điều kiện để người khuyết tật tìm được việc làm tại chỗ; hỗ trợ sinh kế; tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm do người khuyết tật tạo ra. Qua đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật có môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn. Song quan trọng hơn là bản thân mỗi người khuyết tật cần có ý thức vươn lên, chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ, hiểu biết nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm trước bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra./.