Tạo niềm tin để nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

VOV.VN - Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các cấp hội nông dân tỉnh Bắc Ninh tích cực tư vấn hội viên hiểu rõ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước cũng như quyền lợi thiết thực khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thông qua các cấp hội nông dân, đã có khoảng 163 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình và gần 1.600 người tham gia BHXH tự nguyện.

Sau khi nghỉ làm tại khu công nghiệp về mở cơ sở may tại gia đình, chị Ngô Thị Đức, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh cho biết, ngoài tiền bảo hiểm thất nghiệp đã nhận, chị vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng hơn 1 triệu đồng/tháng. Bởi theo chị Đức, mức đóng này phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và quan trọng nhất là sau này đến tuổi nghỉ hưu, chị có lương hưu và tấm thẻ BHYT miễn phí.

"Khi nghỉ làm ở khu công nghiệp nhận bảo hiểm thất nghiệp xong thì bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Lúc đầu thì chưa có sự miễn giảm nhưng sau đó thì được tỉnh hỗ trợ, rất phấn khởi. Bảo hiểm xã hội tự nguyện mang lợi ích cho mình, sau này tuổi cao sẽ có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cái" - chị Đức cho biết.

Dù không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội nhưng qua tìm hiểu và được tư vấn, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Kim ở huyện Quế Võ đã chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: "Trong quá trình tìm hiểu, qua tư vấn của hội nông dân về bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước cũng như tỉnh Bắc Ninh thấy hợp lý nên tham gia. Khi tham gia thấy rất thuận lợi, nếu không đủ năm cũng có thể tham gia đóng một lần hoặc đóng thành nhiều lần đến khi đủ năm, đủ tháng sẽ được hưởng bảo hiểm tự nguyện. Mong muốn Nhà nước cũng như tỉnh tiếp tục hỗ trợ để người dân tham gia lâu dài.

Nhằm giúp người dân trong đó có hội viên nông dân hiểu rõ về ý nghĩa, lợi ích và tính nhân văn, nhân đạo của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian qua các cấp Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh tích cực tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: phát tờ rơi, treo băng rôn, panô áp phích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống Đài truyền thanh từ huyện đến các xã, các thôn và trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội để vận  động hội viên nông dân tham gia...

Theo ông Bùi Hữu Trường, Chủ tịch hội nông dân phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, ngoài hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để thu hút người dân tham gia. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thông qua việc kết hợp các hình thức tuyên truyền trực quan, phối hợp với các đại lý, vận động đến từng hộ dân để tư vấn, đến nay trên địa bàn đã có hơn 90 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: "Từ năm 2020 đến 2025 Bắc Ninh hỗ trợ tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 30% mức đóng hàng tháng, qua đó khuyến khích nhiều hội viên tham gia. Công tác tuyên truyền, vận động nhằm vào các đối tượng là lao động phổ thông mà có thu nhập ổn định. Thứ hai là lĩnh vực nghề nghiệp như: xây dựng, may mặc và các đối tượng sau khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà dừng đóng do không tham gia cơ quan nhà nước hay công ty, doanh nghiệp nữa thì vận động là nên tham gia tiếp".

Theo Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh, so với mặt bằng chung toàn tỉnh, số lượng hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, nguyên nhân do hầu hết là lao động tự do nên nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn hạn chế. Một bộ phận người dân kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh nên không muốn tham gia... Ông Đào Duy Hữu, Phó chủ tịch hội nông dân tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở để vừa tuyên truyền, vận động và trực tiếp làm đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: "Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội nông dân với các ban, ngành có liên quan và sự quan tâm chỉ đạo vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để thu hút hội viên nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần vận động để người dân hiểu rõ bản chất chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không vì mục tiêu lợi nhuận để người dân thấy cần thiết, tự giác tham gia vì lợi ích của bản thân và của cả cộng đồng". 

Thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 65% dân số sống ở nông thôn, trong đó đa phần làm nghề nông. Tuy nhiên, số người lao động, thành viên hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội phù hợp với nhóm đối tượng này. Ngoài ra cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động làm việc trong các hợp tác xã, trong đó tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho người dân: “Chúng ta tính toán, nghiên cứu hệ thống bảo hiểm xã hội để thực hiện toàn dân tham gia bảo hiểm xã hội. Thứ hai là sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này, chúng ta phải xử lý mối quan hệ về cân đối mức đóng và mức hưởng, tăng các chế độ hưởng lợi từ các chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn. Thứ ba là phải link các chính sách và cái quan trọng là làm sao để tạo ra được độ hấp dẫn và cuối cùng là cơ chế quản lý, chức năng quản lý của các cơ quan trung ương, cơ quan địa phương, làm sao coi chính sách bảo hiểm xã hội này đi vào thực tiễn cuộc sống và đem lại lợi ích chính đáng cho người lao động”

Đa dạng các hình thức tuyên truyền trong vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như cách làm của các cấp hội nông dân tỉnh Bắc Ninh đã và đang tạo niềm tin để ngày càng có thêm các hội viên nông dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết 28 của Chính phủ đề ra.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

BHXH tự nguyện là điểm tựa an sinh của người lao động tự do ở Duy Xuyên
BHXH tự nguyện là điểm tựa an sinh của người lao động tự do ở Duy Xuyên

VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 18.600 người, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già. Chính sách này giúp người lao động tự lo cho chính mình.

BHXH tự nguyện là điểm tựa an sinh của người lao động tự do ở Duy Xuyên

BHXH tự nguyện là điểm tựa an sinh của người lao động tự do ở Duy Xuyên

VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 18.600 người, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già. Chính sách này giúp người lao động tự lo cho chính mình.