Tập trung dọn vệ sinh sau lũ, sớm đưa học sinh trở lại trường
VOV.VN - Trận lũ lớn đi qua trước thềm ngày nhà Nhà giáo Việt Nam 20/11, đến nay, nhiều trường học còn lấm lem bùn và rác dồn ứ. Bộ Chỉ huy Quân sự các địa phương đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau lũ, để sớm đưa học sinh trở lại trường.
PV Thanh Thắng/VOV-Miền Trung đưa tin: Hôm nay (19/11), nước lũ ở vùng trũng thấp vùng đông huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã rút. Các trường học và chính quyền địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ để học sinh trở lại trường vào ngày mai (20/11).
Trường Mầm non Phước Thắng, huyện Tuy Phước có 1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ. Đợt mưa lớn từ ngày 14/11 đến ngày 17/11 vừa qua cùng nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm cho các điểm trường ngập hơn 0,5m, nước tràn vào một số phòng học. Tại điểm trường chính của ngôi trường này giáo viên đã chủ động đưa các vật dụng dạy học lên cao không bị ảnh hưởng mưa lũ nhưng một lượng lớn bùn đất đọng lại trong khuôn viên trường sau khi nước rút. Những ngày nước ngập sâu, 319 học sinh của Trường Mầm non Phước Thắng phải nghỉ học.
31 cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Phước Thắng đã dùng máy bơm xịt rửa sân trường và các vật dụng dính bùn non. Các cô giáo dùng vật dụng để đẩy lượng nước bẩn đọng lại trong sân trường ra dòng nước lũ bên bên ngoài sân trường.
Cô giáo Huỳnh Thị Hoa Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Thắng cho biết: “Sau mưa lũ, chúng tôi phải cập nhật thông tin kịp thời. Nước rút tới đâu thì các cô giáo dọn dẹp vệ sinh tới đó và có thể nhờ thêm lực lượng thanh niên, phụ huynh học sinh để hỗ trợ cho các cô dọn vệ sinh. Hiện nay, chúng tôi tập trung cho khắc phục hậu quả mưa lũ, đây là công tác ưu tiên hàng đầu, làm sao tạo môi trường sạch đẹp, thuận lợi nhất để các cháu đến trường sớm nhất có thể”.
Hiện nay, nước lũ ở một số xã vùng đông huyện Tuy Phước đã rút nhưng một số ngôi trường bùn đất đọng lại rất nhiều; một số tuyến đường bèo tây tấp vào gây cản trở giao thông. Trong sáng nay, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ đóng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã điều động người và phương tiện xuống hỗ trợ các trường bị ngập vừa qua thu gom, xử lý bùn non, cắt tỉa cây cối bị ngã đổ, thu gom bèo tây và khơi thông cống rãnh thoát nước. Trước mắt, lực lượng cảnh sát cơ động sẽ gom hết số bùn đất ở các sân trường đưa đi xử lý.
Trung tá Phạm Văn Sáu, Phó Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ cho biết: “Qua nắm và khảo sát, điều tra cơ bản một số địa bàn ngập úng. Hôm nay, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ tổ chức cho hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng với chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định làm nhiệm vụ nạo vét kênh mương, dọn dẹp vệ sinh, đường làng ngõ phố. Hôm nay là ngày chủ nhật, mặc dù là ngày nghỉ nhưng với tinh thành quyết tâm cao, chúng tôi đã tham gia cùng với Nhà trường để dọn dẹp vệ sinh trường học đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất đón các em vào học tập”.
Đợt mưa lũ vừa qua, tại tỉnh Bình Định có 1 người chết, 1 căn nhà bị sập 70%, hơn 100 căn nhà bị ngập, thiệt hại 15 ha hoa màu, 150 con gia cầm bị chết. Mưa lớn cũng gây sạt lở các đường tỉnh, đường huyện ở các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Tại đường đèo Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh xuất hiện 5 điểm sạt lở lớn gây ách tắc giao thông. Hiện nay, các địa phương có tuyến đường sạt lở đã khắc phục tạm thời, giao thông đã thông tuyến.
Theo PV Lê Hiếu/VOV-Miền Trung: Tại Thừa Thiên Huế, trận lũ lớn đi qua trước thềm ngày nhà Nhà giáo Việt Nam 20/11, đến nay, nhiều cơ sở trường học, trạm y tế ở vùng thấp trũng vẫn còn lấm lem bùn và rác dồn ứ. Đồng hành cùng nhân dân khắc phục thiên tai bão lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố Huế phối hợp về các vùng trọng điểm, hỗ trợ và cùng khắc phục thiệt hại, hậu quả sau lũ, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, tăng thêm tình quân dân.
Tại Trường Mầm Non Thuỷ Thanh 1, thị xã Hương Thuỷ là một trong những trường bị ngập sâu trong đợt mưa lũ vừa qua. Nước rút để lại một lượng bùn đất rất lớn trên sân trường, khu vui chơi cũng bị bùn đất phủ kín. Nhà trường gấp rút huy động thầy cô giáo dọn dẹp nhưng với lượng bùn đất, rác thải quá lớn với sự hỗ trợ của hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6, Ban chỉ huy quân sự thị xã Hương Thuỷ và lực lượng dân quân địa phương công việc vệ sinh thuận lợi hơn rất nhiều.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Tứ, Hiệu trưởng trường Mầm non Thuỷ Thanh 1, thị xã Hương Thuỷ cho biết: “Tình hình ngập nước rút rất chậm, các đồ dùng, đồ chơi đang bị ngập rất lâu và rất khó khăn trong công tác dọn lũ vì trường mầm non toàn đội ngũ là nữ. Được sự hỗ trợ của các anh Bộ đội, các anh đã đến dọn vệ sinh sân trường, chùi dọn các đồ dùng, đồ chơi, các trang thiết bị và các thảm cỏ, làm sạch khẩn trương để trưởng có thể đảm bảo an toàn cho trẻ và đón học sinh sớm nhất”.
Tại một số vùng thấp trũng như thị xã Hương Thuỷ,các huyện Phú Vang, Quảng Điền… nước vẫn chưa rút hết. Với phương châm nước rút đến đâu, các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp với các địa phương và người dân khắc phục hậu quả đến đó, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và học sinh sớm được trở lại trường học.
Binh nhất Võ Văn Tâm, Chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Với trách nhiệm của người chiến sĩ, chúng tôi cố gắng cùng đồng hành góp phần giúp nhà trường ổn định và giúp cho các học sinh được tới trường sớm nhất có thể”.
Hôm nay, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, hỗ trợ 2.000 thùng mì tôm và 340 máy lọc nước giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thuỷ, Hương Trà và thành phố Huế.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xuất cứu trợ 590 thùng mì tôm, 250 bao gạo và nhiều lương khô hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương tiếp huy động lực lượng, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do lũ gây ra, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “UBND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề môi trường, tiêu độc khủ trùng cho bà con nhân dân, đặc biệt chú ý đến các khu vực như chợ dân sinh, các khu dân cư, vùng thấp trũng, rồi các khu vực trọng điểm như trạm y tế, các điểm sinh hoạt cộng đồng dân cư. Thứ hai là đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các cơ sở đào tạo, đảm bảo các điều kiện an toàn nhanh chóng để học tập. Ngành y tế cũng đã chuyển bị đầy đủ các vật tư y tế, các sinh phẩm để có thể đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh”.