Tập trung xoá nhà tạm trước Tết Nguyên Đán

Theo báo cáo của Bộ lao động thương binh và xã hội, 62 huyện nghèo ở 20 tỉnh có 839 xã, thị trấn với gần 569.000 hộ, tỷ lệ hộ nghèo gần 50%.

Xoá đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Thành tựu xoá đói giảm nghèo trong những năm qua được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giầu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo,cuối năm 2008, Chính phủ có Nghị quyết về việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo gần 50%. Đến nay qua gần một năm thực hiện Nghị quyết này bước đầu mang lại hiệu quả và mục tiêu trước mắt chúng ta phấn đấu xoá nhà tạm trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 ở 62 huyện nghèo nhất cả nước.

Theo báo cáo của Bộ lao động thương binh và xã hội, 62 huyện nghèo ở 20 tỉnh có 839 xã, thị trấn với gần 569 nghìn hộ, tỷ lệ hộ nghèo gần 50%. Các huyện này nằm ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xẩy ra lũ quét, lũ ống; Tổng số dân cư gần 3 triệu người, trong đó gần 74% là người dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp...         

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất trong cả nước, các địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo và có đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở và nhiều hình thức giúp đỡ khác cho các hộ nghèo. Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã tạm ứng 1.550 tỷ đồng trong đó mỗi huyện 25 tỷ đồng để triển khai thực hiện ngay các công trình, dự án, 500 tỷ đồng đầu tư cho 121 cụm xã, 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở…

Để thực hiện Nghị quyết 30a, Mặt trận tổ quốc và Ban vận động các địa phương đã vận động ủng hộ các hộ nghèo, cùng với Quỹ vì người nghèo Trung ương chuyển về, cộng với nguồn hỗ trợ của Chính phủ đã khởi công xây dựng hơn 40.000 căn nhà Đại đoàn kết; đến nay đã hoàn thành gần 15.000 căn.

Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp đã thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo với các huyện này. Một số doanh nghiệp tình nguyện nhận giúp đỡ nhiều huyện nghèo; tiêu biểu như Tập đoàn dầu khí Việt Nam nhận giúp 5 huyện, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam giúp 5 huyện, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam giúp 4 huyện. Tổng số tiền các doanh nghiệp đã hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a hơn 1.600 tỷ đồng tập trung vào xây dựng nhà ở, trường học, cơ sở y tế, trong đó  phần lớn tập trung hỗ trợ xoá nhà dột nát ngay trong năm 2009.

Để thực hiện chủ trương phấn đấu xoá nhà tạm trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 ở 62 huyện nghèo nhất cả nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước và các tầng lớp nhân dân chăm lo giúp đỡ các hộ nghèo, đặc biệt là ở 62 huyện nghèo. Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Ban vận động Ngày vì người nghèo các cấp tiếp tục triển khai các cuộc vận động; tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và Quyết định 167 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Tập trung thực hiện có hiệu quả Tháng vận động cao điểm vì người nghèo hướng tới thực hiện chương trình Nối vòng tay lớn năm 2009. Các cấp uỷ đảng, chính quyền các tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các huyện nghèo khẩn trương hoàn thiện và triển khai đề án giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Các hoạt động giúp đỡ người nghèo không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế xã hội, mà còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, lòng nhân ái của cộng đồng và của toàn xã hội. Trước hết tập trung giúp các huyện nghèo hoàn thành được chủ trương xoá nhà tạm cho các hộ nghèo ở 62 huyện nghèo  trước Tết Nguyên đán Canh Dần.

Có thể nói, xoá đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân. Phải huy động nguồn lực của Nhà nước, của xã hội và của chính người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội bền vững. Mặt khác, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, thì sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS