Tất bật mưu sinh kiếm Tết
VOV.VN - Ngày cuối năm, mọi người, nhà nhà tất bật lo mua sắm, chuẩn bị đón Tết. Trên từng con đường, góc phố, nhiều người vẫn còn tất bật, vất vả mưu sinh mong kiếm thêm thu nhập lo Tết cho gia đình.
28 tháng Chạp, đường phố Đà Nẵng, người xe tấp nập. Từ nhà ra ngõ nhỏ, đến phố lớn đều được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ chuẩn bị đón xuân.
Bà Lê Thị Nở, 54 tuổi ở tổ 14, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu dắt chiếc xe đạp cọc cạch cùng cái bao tải ra khỏi phòng trọ, rong ruổi từng con phố. Dừng lại bên các sọt rác ven đường, bà Nở bới tìm ve chai, những thứ đồ đã cũ mọi người dọn nhà bỏ đi. Công việc của bà Nở bắt đầu từ tờ mờ sớm, trở về phòng trọ tối mịt. Nguồn thu nhập từ nghề ve chai nuôi sống bà khoảng 4 năm nay. Những ngày cận Tết, nguồn thu khấm khá hơn, đủ để bà Nở mua thêm gói mứt, gạo mắm ăn mấy ngày Tết.
“Mấy ngày Tết, mọi người dọn nhà, dọn rác… Một ngày tôi kiếm bình quân 100.000, ăn uống còn lại 50.000 đồng vậy là được rồi. Tết có thêm chút ít, vài chục, trăm ngàn cũng mừng. Ngày Tết cũng như ngày thường. Hiện giờ tôi đang ở trọ, mong ước kiếm một chỗ tuổi già có chỗ để ở".
Đã 24 năm làm nghề sửa chữa xe đạp, xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, anh Nguyễn Hòa, 36 tuổi, dự định chiều 29 tháng Chạp mới về quê ở huyện Phú Lộc, thành phố Huế ăn Tết cùng gia đình. Anh Hòa rời quê vào Đà Nẵng để lại vợ con cùng mẹ già ở quê. Nguồn thu nhập chính của anh Hòa vài trăm ngàn mỗi ngày từ việc sửa xe cho công nhân, sinh viên, lao động nghèo. Năm nay, mọi người về quê nghỉ Tết sớm nên vắng khách hơn so với mọi năm. Anh Nguyễn Hòa nán lại vài hôm mong kiếm thêm ít tiền rồi về quê lo Tết cho mẹ già và vợ con.
“Thu nhập tùy theo lượng khách, chủ yếu dựa vào sinh viên, công nhân mà giờ họ về hết rồi nên vắng. Ngày Tết thu nhập 400.000-500.000, ngày thường thì không tới. Khoảng 25 tháng Chạp trở lên mới có khách vì họ tu sửa lại đi Tết. Năm nay kinh tế khó khăn nên tôi cố gắng kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy. Chiều 29 tôi mới về với bà nội, vợ con ở quê".
Ông Nguyễn Văn Hòa, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu làm phụ hồ, thời tiết cuối năm mưa gió nên nghỉ việc sớm. Ông Hòa cùng mấy anh em lao động trong xóm rủ nhau tìm việc làm thêm để kiếm tiền lo Tết cho gia đình. Từ việc vệ sinh, sơn sửa nhà cửa, sửa chữa đồ đạc gia đình,… việc gì ở đâu, ai thuê mướn, mọi người đều sốt sắng nhận làm. Tranh thủ mấy ngày này, ông Hòa đem xe máy cùng chiếc xe ba gác kéo ra chợ hoa Tết vận chuyển thuê hoa kiểng về nhà cho khách. Mỗi ngày vài trăm ngàn đồng là nguồn thu nhập đáng kể với những lao động nghèo như ông Hòa dịp cuối năm.
Ngày cuối năm, trên từng con phố, hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang miệt mài quét dọn, vệ sinh đường phố. Bà Trần Thị Hạnh, 55 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nhân viên đội môi trường số 2, Công ty môi trường đô thị Hà Nội Miền Trung đã 20 năm gắn bó với công việc công nhân vệ sinh môi trường. Năm nào cũng vậy, mấy ngày cận Tết, bà Hạnh cùng anh, chị, em đơn vị tăng ca. Mọi người ra khỏi nhà từ sớm và về nhà lúc đêm muộn. Riêng đêm Giao thừa, công việc của công nhân vệ sinh môi trường càng vất vả hơn với mong muốn đem lại cảnh quan xanh, sạch đẹp cho thành phố những ngày đầu năm mới.
“Người dân thường cuối năm dọn chăn, ga, gối, nệm, tủ, bàn vứt ra nên công việc của chị em vất vả hơn. Chị em vẫn vui vẻ làm mong hoàn thành nhiệm vụ, Mong bà con cố gắng để rác gọn gàng để chị em đỡ vất vả hơn, chúng tôi hoàn thành công việc cuối năm, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp để mọi nhà đón Tết vui vẻ, hạnh phúc".
Cuối năm, dù ai làm gì, ở đâu cũng mong về nhà sum họp cùng gia đình vui Tết đoàn viên. Dù vất vả mưu sinh nhưng với người Việt, Tết là phải vui vẻ, đầm ấm, cùng nhiều ước vọng năm mới tốt lành.