Tàu điện Nhổn - Cầu Giấy có gì khác tàu Cát Linh - Hà Đông?
VOV.VN - Sau khi có thông tin tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sắp đi vào vận hành vào giữa năm nay, nhiều hành khách đang rất tò mò về cách thức vận hành của tuyến đường sắt đô thị mới này có điểm gì khác so với tuyến metro số 2A Cát Linh- Hà Đông.
Nhóm PV VOV Giao thông đã có chuyến đi trải nghiệm trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trưa 8/4.
Vào thời điểm 11h trưa 8/4, nhóm PV có mặt tại nhà ga S8, ga Cầu Giấy của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đây là nhà ga đầu tiên của đoạn trên cao Cầu Giấy - Nhổn.
Theo quan sát của phóng viên, hành khách có thể di chuyển lên nhà ga bằng cầu thang bộ và thang máy dành cho người khuyết tật. Phía dưới sàn nhà đã bố trí làn đường dành cho người khiếm thị. Về cơ bản, các trang thiết bị phục vụ hành khách tại ga này đã cơ bản sẵn sàng.
Các biển báo hướng dẫn có nền vàng, các kí hiệu khá rõ ràng, dễ hiểu. 2 quầy bán vé trực tiếp và 4 quầy bán vé tự động màu cam được bố trí ở 2 phía của nhà ga. Máy bán vé tự động sử dụng đồng thời ngôn ngữ Tiếng Anh và Tiếng Việt.
Các nhân viên hướng dẫn, bán vé trang bị đầy đủ quần áo đồng phục và thực hiện công việc giống như phục vụ tàu hoạt động thương mại, trong khi công nhân kỹ thuật sẵn sàng trực chiến trong các trường hợp khẩn cấp.
Để tìm hiểu rõ hơn, nhóm PV đã có cuộc trao đổi với anh Phúc, nhân viên của gói thầu CP7 về phần phòng cháy chữa cháy, điều hòa thông gió, thang cuốn:
PV: Hiện nay công tác PCCC và chuẩn bị kỹ thuật ở khu vực này như thế nào thưa anh?
Nhân viên của gói thầu CP7: Vấn đề PCCC là vấn đề hàng đầu của dự án này nên mọi thứ đều làm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của châu Âu
PV: Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan PCCC đã tiến hành kiểm tra các hạng mục về PCCC hay chưa?
Nhân viên của gói thầu CP7: Tất cả các hạng mục PCCC đã được nghiệm thu về PCCC và hiện đang tiến hành chạy thử hoàn toàn bình thường.
PV: Tại ga S8, bộ phận kỹ thuật đang có bao nhiêu người hàng ngày đang thực hiện công việc này?
Nhân viên của gói thầu CP7: Trong quá trình chạy thử, các ga sẽ có người trực sự cố. Vẫn có những ga sẽ vẫn làm việc như bình thường, bảo trì bảo dưỡng.
Giống như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, việc di chuyển từ quầy bán vé để lên tàu có thể di chuyển bằng thang bộ, thang cuốn và thang máy. Ngay lối lên của thang cuốn là biển chỉ dẫn ga tiếp theo hành trình là ga Chùa Hà.
Theo quan sát của PV, tại khu vực chờ tàu được bố trí nhiều biển chỉ dẫn về lối lên xuống cầu thang, màn hình điện tử hiển thị thời gian tàu đến và đi, những khuyến cáo đối với hành khách.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội với tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông là toàn bộ đoạn trên cao đều có 2 đường ray dành cho 2 tàu chạy đồng thời, thay vì chỉ có ở một số nhà ga.
Khi đoàn tàu màu trắng pha xanh lá cây và màu đỏ đang tiến vào ga S8. Theo cảm nhận của riêng tôi, tàu có màu sắc bắt mắt, trang thiết bị trên tàu hiện đại, có màn hình điện tử thông tin về lộ trình, thời gian, tôi có cảm giác như mình đang được trải nghiệm đi tàu ở Singapore hay Hongkong.
Nhưng hành trình tiếp theo của chúng ta sẽ đi đâu? PV đã có cuộc trao đổi nhanh với lái tàu trước khi tàu lăn bánh rời bến:
PV: Xin anh cho biết, đoàn tàu đang di chuyển đến ga nào a?
Lái tàu: Hiện tại tàu đang di chuyển từ ga Cầu Giấy đến ga Lê Đức Thọ. Bên SITCHA đang test sự cố nên chỉ chạy tuyến nhỏ. Nếu chạy thông toàn tuyến sẽ chạy từ ga cầu Giấy đến ga Nhổn.
PV: Với quãng đường di chuyển từ ga Cầu Giấy đến ga Lê Đức Thọ, quãng đường di chuyển sẽ mất bao nhiêu lâu?
Lái tàu: Mất khoảng 7 phút
Sở dĩ, PV chỉ có thể trải nghiệm một hành trình ngắn từ ga Cầu Giấy đến ga Lê Đức Thọ là do đơn vị vận hành đang tiến hành thực hiện 3 kịch bản an toàn, trong 57 kịch bản của Đơn vị tư vấn hỗ trợ vận hành, đồng thời là tư vấn kĩ sư của dự án (SYSTRA) triển khai.
Ông Hedy Silvetres - Trưởng nhóm vận hành cho biết mục đích của việc thực hiện các kịch bản trong giai đoạn chạy thử: "Hôm nay chúng tôi triển khai 3 kịch bản kịch bản về đèn tín hiệu bị lỗi, kịch bản về chế độ lái tàu LMD (không phải lái tự động mà lái tàu phải sử dụng một số thao tác và đây được coi là chế độ lái an toàn) và kịch bản sơ tán hành khách trên tàu giữa 2 ga. Cả 3 kịch bản hôm nay đều được thực hiện thành công.
Mục tiêu của các kịch bản để kiểm tra về việc phối hợp giữa các bên liên quan về việc liên lạc giữa các bộ phận trong nội bộ HMC và quan trọng nhất là để kiểm tra về tính an toàn của vận hành, kiểm tra xem nhân sự của HMC. Nếu mà để kiểm tra xem là nhân sự của mà xe có thể tuân thủ các quy trình bên SYSTRA đưa ra. Tất cả các kịch bản đưa ra đều là kịch bản hạn chế".
PV: Một trong những nội dung mà hành khách quan tâm nhất là kịch bản tàu gặp sự cố. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kịch bản này?
Ông Hedy Silvetres: Kịch bản sơ tán tàu giữa 2 ga. Vì tàu gặp sự cố nên lái tàu sẽ phải sử dụng chế độ lái CMD25. Bởi vì tàu gặp sự cố nên phải thực hiện sơ tán hành khách ra khỏi đoàn tàu. Tàu sẽ dừng giữa 2 nhà ga và 24 hành khách đã được sơ tán ra khỏi tàu một cách thành công.
Với kịch bản thứ 3 có rất là nhiều bên liên quan, lái tàu, nhân viên nhà ga, nhân viên bảo dưỡng. Kịch bản này đưa ra để kiểm tra sự phối hợp giứa các bên liên quan và việc liên lạc giữa các bên .
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo thông tin từ Cơ quan phát triển Pháp, tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao từ ga Cầu Giấy- ga Nhổn dài 8,5km đi qua 8 ga với tổng thời gian trên 13 phút, thời gian di chuyển giữa các ga từ 70-90 giây. Tàu có tốc độ kỹ thuật 80km/h. Vận tốc tàu chạy trong giai đoạn vận hành 35 km/h.
Quá trình chạy thử tàu đoạn trên cao của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ tiếp tục được thực hiện thêm 2 tuần nữa. Toàn bộ 57 kịch bản sẽ được triển khai thử trong giai đoạn này.