Tây Bắc quyết liệt xoá nghèo để vươn mình phát triển

VOV.VN - Bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, các tỉnh Tây Bắc đang quyết liệt xoá nghèo để vươn mình phát triển, vững tin bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.

 

Quyết liệt xoá nghèo để vươn mình phát triển, các địa phương Tây Bắc bao gồm 5 tinh, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái và Lào Cai đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng, tạo động lực để người dân thoát nghèo, vững tin bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.         

Đồng bào Mông cư trú chủ yếu trên các triền núi cao, thu nhập của người dân trước đây thường chỉ trông chờ vào việc canh tác trên nương, rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Chính vì vậy, đời sống kinh tế khá khó khăn, nhiều vùng, đói nghèo mãi đeo bám.

Thế nhưng, những năm gần đây, không hiếm cảnh nhiều hộ người Mông đi lại bằng ô tô, xây được nhà ở kiên cố với những vật dụng đắt tiền…

Gia đình anh Chang A Hảng, ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) là một ví dụ. Từng là hộ nghèo của bản, trước đây, cuộc sống của 6 nhân khẩu trong gia đình mỗi năm thường thiếu trước, hụt sau. Nhờ được cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, định hướng cách thức phát triển kinh tế và được người thân động viên, năm 2021, anh đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ ngân hàng, cộng với ít tiền tích góp được, anh đã đào 2 ao với diện tích gần 200m2 để nuôi 3.000 con cá tầm. Hơn 3 năm kể từ khi xuất bán lứa cá đầu tiên, gia đình anh không chỉ thoát được nghèo mà còn trở thành hộ khá giả ở bản.

"Trước đây cuộc sống của gia đình tôi cũng rất khó khăn, sau khi thấy có anh em ở Sa Pa đến thuê đất để nuôi cá nước lạnh nên anh cũng tìm hiểm, học hỏi. Thấy họ nuôi phát triển tốt gia đình cũng đầu tư, chọn cá tầm để nuôi và đến nay đã nuôi được 3 năm. Bây giờ kinh tế của gia đình đã có thu nhập cao hơn mấy năm trước", anh Chang A Hảng chia sẻ.

Anh Sùng A Sử, người dân ở bản Căng Há, xã biên giới Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ, khi người dân không còn bằng lòng với cuộc sống khó khăn, mà thay đổi tư duy, nhận thức để vươn lên thoát nghèo, thì sinh kế mà Nhà nước hỗ trợ chính là “cần câu”, là “điểm tựa” để họ vượt lên.

"Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng mua trâu sinh sản. Tôi đã dùng tiền đi mua trâu về nuôi và sau thời gian chăm sóc thì hiện nay gia đình tôi đã có 2 con, nâng tổng số đàn trâu của gia đình lên 3 con. Tôi rất cám ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ để gia đình vươn lên", anh Sùng A Sử nói.

Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó, Lai Châu đã quan tâm thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; hỗ trợ cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là chú trọng tuyên truyền, “gieo” vào lòng dân tinh thần tự lực, tự cường, biến khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu thành hiện thực.

Ông Trần Bảo Chung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, từ những cách làm đó, huyện Phong Thổ đã giảm hơn 5% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2024.

"Huyện chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch rất cụ thể để triển khai thực hiện, trong đó phân định rõ các đối tượng hộ nghèo, như hộ nghèo thiếu nguồn lực thì chúng tôi hỗ trợ nguồn lực về sản xuất, hoặc hỗ trợ các chỉ tiêu giảm nghèo thoát nghèo", Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Chung nhấn mạnh.

Đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương; gắn với trách nhiệm người đảng viên phải làm trước, nêu gương để bà con học tập, làm theo. Bằng cách làm này, công tác giảm nghèo của tỉnh miền núi, biên giới Điện Biên cũng đạt nhiều kết quả khả quan.

Điển hình như xã Chà Nưa thuộc huyện biên giới Nậm Pồ trước đây là huyện nghèo nhất tỉnh Điện Biên và cũng thuộc top các huyện nghèo nhất cả nước, nhưng nay đã trở thành điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng biên. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư đảng ủy xã cho biết, xã Chà Nưa hiện chỉ còn 4,3% tỷ lệ hộ nghèo, năm 2015 thì còn 56% hộ nghèo, đến bây giờ chỉ còn hơn 4% hộ nghèo. Đây là kết quả rất phấn khởi.

Về cách thức triển khai để có kết quả này, ông Khoàng Văn Van chia sẻ: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", ông cha ta từ xưa đã nói như vậy. Muốn phát triển kinh tế ở xã vùng sâu vùng xa như Chà Nưa thì cán bộ, đảng viên phải làm trước, làm mẫu để bà con dân bản làm theo, đây là các tuyên truyền nhanh nhất, hiệu quả nhứ, nói mà không làm là bà con không muốn nghe đâu, mình cứ làm trước, thấy hiệu quả là bà con khắc làm theo".

Đến thời điểm này, tỉnh miền núi Yên Bái còn hơn 12.500 hộ nghèo, tương ứng 5,68%. So với số hộ nghèo tính đến cuối năm 2023 là đã giảm hơn 7.600 hộ, tương ứng giảm 3,48%. Huyện vùng cao Mù Cang Chải giảm được nhiều nhất – hơn 10% số hộ nghèo; tiếp đến là huyện Trạm Tấu giảm 6,76%, Văn Chấn giảm 4,96%, Lục Yên giảm 4,83%….

Một trong những giải pháp mà Yên Bái đã triển khai để đạt kết quả này là  hỗ trợ lao động nông thôn tham gia thị trường xuất khẩu lao động ở nước ngoài; đồng thời giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp trong nước.

Ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho từ 20.000 đến 22.000 lao động, trong đó số người đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước chiếm gần 40%.

"Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đối với người lao động xác định được học nghề gì, làm việc gì, mục tiêu học để có việc làm và học để có thu nhập cho gia đình, bản thân và xóa đói giảm nghèo", ông Lương nói.

Thời điểm cuối năm 2021, tại Sơn La, tỷ lệ nghèo toàn tỉnh còn 21,66%. Với quyết tâm giảm nhanh, bền vững số hộ nghèo hiện còn, tỉnh uỷ Sơn La đã ban hành Nghị quyết riêng về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Bằng nhiều việc làm thiết thực, nhất là hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong các lĩnh vực, hỗ trợ kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động thuộc các huyện nghèo... nên công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm xuống nay còn 11,11%. Dự kiến đến hết năm 2025, có 4 huyện là Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ và Thuận Châu thoát nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra (có ít nhất 1 huyện thoát nghèo).

Tuy nhiên, theo ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La, địa phương hiện vẫn còn hơn 42.000 hộ nghèo (xếp thứ 4 toàn quốc), vì vậy, Sơn La xác định phải tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác xoá nghèo và phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

"Các Đảng Đoàn, Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đảm bảo hợp lý, không để mất đi cơ chế đặc thù là có sự tham gia của cộng đồng. Thứ 2 là nhấn mạnh vai trò của cấp xã trong thực hiện các chương trình giảm nghèo; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình MTQG; thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm, giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sơn La Lò Minh Hùng nhấn mạnh.          

Tây Bắc – vùng đất phên dậu của Tổ quốc đã, đang ngày càng “thay da đổi thịt”. Cùng với những nỗ lực của người dân, các chính sách mà Đảng, Chính phủ triển khai không chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, mà chuyển sang giảm nghèo đa chiều trên nhiều tiêu chí khác nhau, như việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, nước sạch… càng tạo động lực, là “điểm tựa” vững chắc để Tây Bắc hiện thực hoá khát vọng thoát nghèo, vươn mình phát triển.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hồi sinh miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc
Hồi sinh miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc

VOV.VN - Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La được biết đến là miền cổ tích được dựng xây từ nguồn sức mạnh nội sinh và những công trình “0 đồng” đặc biệt... Cơn bão số 3 đã cuốn trôi, vùi lấp không ít thành quả, nhưng chính sức mạnh đặc biệt ấy đã và đang chữa lành những “vết thương" do thiên tai.

Hồi sinh miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc

Hồi sinh miền cổ tích của núi rừng Tây Bắc

VOV.VN - Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La được biết đến là miền cổ tích được dựng xây từ nguồn sức mạnh nội sinh và những công trình “0 đồng” đặc biệt... Cơn bão số 3 đã cuốn trôi, vùi lấp không ít thành quả, nhưng chính sức mạnh đặc biệt ấy đã và đang chữa lành những “vết thương" do thiên tai.

Sa Pa thay đổi ra sao sau 5 năm công bố thị xã?
Sa Pa thay đổi ra sao sau 5 năm công bố thị xã?

VOV.VN - Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau 5 năm công bố thị xã, Sa Pa đã và đang dần khẳng định thương hiệu là khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.

Sa Pa thay đổi ra sao sau 5 năm công bố thị xã?

Sa Pa thay đổi ra sao sau 5 năm công bố thị xã?

VOV.VN - Ngày 1/1/2020, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau 5 năm công bố thị xã, Sa Pa đã và đang dần khẳng định thương hiệu là khu du lịch trọng điểm quốc gia mang tầm quốc tế.

Khi văn hóa là điểm tựa để du lịch Lai Châu vươn mình
Khi văn hóa là điểm tựa để du lịch Lai Châu vươn mình

VOV.VN - Lai Châu đang ngày càng khẳng định vị thế của mình bằng việc khai thác tiềm năng du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.

Khi văn hóa là điểm tựa để du lịch Lai Châu vươn mình

Khi văn hóa là điểm tựa để du lịch Lai Châu vươn mình

VOV.VN - Lai Châu đang ngày càng khẳng định vị thế của mình bằng việc khai thác tiềm năng du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.