Tây Nguyên mất rừng, vỡ quy hoạch, quản lý yếu kém, hạn chồng hạn

VOV.VN - Hạn chồng hạn, hạn từ năm này kéo sang năm khác, hạn từ mùa khô kéo sang mùa mưa là những gì đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên trong mấy năm qua.

>> Bài 1: Tây Nguyên khô hạn, gian nan tìm nước cho 2 triệu ha cây trồng

>> Bài 2: Khát khô bên những công trình chứa nước khổng lồ

LTS: Hạn chồng hạn, hạn từ năm này kéo dài sang năm khác, hạn khốc liệt trong mùa khô, hạn nặng giữa mùa mưa là những gì đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên trong mấy năm qua. Sa mạc hóa là điều được cảnh báo có thể xảy ra ở Tây Nguyên trong tương lai không xa nếu không có những giải pháp khắc phục. 

Giai đoạn 1992-2015, Tây Nguyên mất 1 triệu ha rừng.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã liên tục cảnh báo về tình trạng mất rừng gắn với biến đổi khí hậu, gia tăng mức độ thiệt hại bởi hạn hán ở Tây Nguyên. Theo thống kê của Viện điều tra và Quy hoạch rừng, giai đoạn 1992-2015 vùng Tây Nguyên mất 1 triệu ha rừng. Riêng giai đoạn 2010-2015, bình quân mỗi năm Tây Nguyên mất đến 92.000 ha rừng. Tiến sĩ Nguyễn Huy Dũng, Phó viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng cho biết, mất rừng chính là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu cục bộ, hạn hán khốc liệt như thời gian qua ở vùng Tây Nguyên.

“Đối với vùng Tây Nguyên, trong thời gian vừa qua do diện tích rừng suy giảm, kể cả chất lượng, trữ lượng, số lượng. Chúng ta có thể loại trừ biến đổi khí hậu toàn cầu, là biến đổi theo quy luật rất lớn, chúng ta không thể chống lại mà chỉ tìm cách thích ứng và hạn chế. Nhưng mà biến đổi khí hậu cục bộ của vùng Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân chính vẫn là mất rừng”, TS Dũng cho hay.

Rừng bị phá tràn lan ở Tây Nguyên.

Thực tế cho thấy, việc rừng đầu nguồn ở Tây Nguyên đã và đang bị cạo trọc khiến cho những “túi nước tự nhiên” dần mất đi, những “túi nước nhân tạo” là các công trình hồ thủy lợi, thủy điện cũng khô kiệt. Hồ thủy điện An Khê- Ka Nak, hồ chứa lớn nhất trên sông Ba thời điểm này xuống đến mực nước chết.

Hồ thủy điện Buôn Tua Srah, hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông Sêrêpôk cũng đã có thời điểm xuống đến mực nước chết. Hàng loạt thủy lợi vừa và nhỏ ở trong khu vực không còn khả năng cung cấp nước tưới trong cao điểm mùa khô. Mất rừng một cách tràn lan đang khiến cho nhiều nơi ở Tây Nguyên mất nguồn sinh thủy, có nguy cơ bị sa mạc hóa.

Sau 35 năm sinh sống ở Tây Nguyên, ông Nguyễn Đại Ngọc, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai dễ dàng nhận thấy, khi những cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn mất đi, hạn hán ngày càng nghiêm trọng: “Rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn của chúng ta giờ không còn nữa nên không giữ được nước, mưa đến đâu thì trôi tuột hết đi, không giữ nước được. Mạch nước ngầm nước, nước sinh thủy rất kém. Hiện nay các hồ chứa đều tình trạng trơ đáy như thế này. Và 3 năm liên tục đây thì hạn hán liên tục xảy ra”.

Hơn 1 triệu ha rừng mất đi, hàng trăm nghìn ha cây công nghiệp lại mọc lên, nhiều loại cây trồng đã vỡ quy hoạch.

Khi diện tích rừng giảm đi nhanh chóng, thì diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên tăng lên chóng mặt và hầu hết các loại cây trồng ở khu vực đã vỡ quy hoạch. Trong đó, cây cà phê quy hoạch đến năm 2020 là khoảng 450.000ha nhưng đến cuối năm 2019 đã lên khoảng 600.000ha, vượt 150.000ha. Cây hồ tiêu, quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, toàn vùng là 17.500ha nhưng đến nay diện tích cây tiêu đã lên tới gần 100.000ha, vượt quy hoạch trên 82.000ha.

Ông Phan Việt Hà, Phó viện trưởng trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, tăng trưởng nóng về diện tích khiến người dân thậm chí còn trồng những loại cây cần nhiều nước như cà phê, hồ tiêu ở những vùng không chủ động được nước tưới. Do đó, việc thiếu nước tưới là hệ quả tất yếu.

Thực tế rất đáng lo về quản lý thủy lợi yếu kém ở những công trình giao cho cấp huyện, xã.

“Việc phát triển nông nghiệp với diện tích rất lớn, trong đó có nhiều cây trồng bắt buộc cần tưới nước rất nhiều trong mùa khô, chẳng hạn như cây cà phê là một ví dụ. Nếu trồng theo đúng quy hoạch thì tình trạng hạn hán sẽ đỡ hơn. Nhưng ở đây hầu hết tất cả các diện tích đều phát triển quá mức dẫn đến việc thiếu nước tưới trong mùa khô là hiển nhiên”, ông Hà cho hay.

Tây Nguyên có hơn 2 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng theo thống kê của Bộ NN&PTNT thì năng lực tưới của gần 2.400 hồ thủy lợi mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% diện tích, tức chỉ gần 300.000ha được đánh giá là có thể chủ động nguồn nước. Khoảng 1,7 triệu ha còn lại, tương ứng với hàng triệu hộ dân sản xuất nông nghiệp luôn bấp bênh về nguồn nước trong mùa khô. Nhưng ngay cả những diện tích có thủy lợi, nguy cơ hạn cũng rất lớn, khi hầu hết các công trình đều đã được quy hoạch, xây dựng cách đây mấy chục năm, hiện đã xuống cấp trầm trọng, năng lực tưới rất thấp.

Trong cao điểm mùa khô, hầu hết các công trình thủy lợi đều khô cạn. Thêm vào đó, việc quản lý, vận hành yếu kém, nhất là những công trình quy mô vừa và nhỏ giao cho cấp huyện, xã quản lý thì việc đảm bảo nước tưới cho cây trồng càng thêm khó khăn.

Rừng đầu nguồn đã và đang bị cạo trọc đã khiến cho những “túi nước tự nhiên” dần mất đi, những “túi nước nhân tạo” là các công trình hồ thủy lợi, thủy điện cũng khô kiệt.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nêu thực tế rất đáng lo về quản lý hồ chứa ở Tây Nguyên: "Chúng tôi rất lo lắng những loại công trình đập, hồ chứa nước giao cho các địa phương trực tiếp là cấp huyện, cấp xã cũng như các hồ đập giao cho Tổng Công ty Cà phê và các doanh nghiệp mà không có chuyên môn về Thủy Lợi. Các hồ chứa này đều là hồ chứa vừa và nhỏ, với đập là đập đất và được xây dựng từ lâu với các điều kiện kinh phí cũng như công nghệ, kỹ thuật không đảm bảo yêu cầu, cho nên chất lượng đập đất không đảm bảo. Cộng với việc nhiều năm thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đập. Và hiện nay, các đơn vị quản lý chúng tôi đánh giá là đều không đảm bảo yêu cầu theo quy định”.

Hơn 1 triệu ha rừng mất đi, hàng trăm nghìn ha cây công nghiệp lại mọc lên, gánh nặng nguồn nước phục vụ sản xuất mùa khô ở Tây Nguyên là rất lớn. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi ở khu vực được đánh giá là còn thiếu và yếu. Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên sẽ còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại do hạn hán gây ra nếu không có những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khô hạn ngày càng khốc liệt, việc cấp thiết lúc này của các tỉnh Tây Nguyên là tìm các giải pháp ứng phó, thích ứng. Tây Nguyên cần làm gì để giải bài toán khô hạn. Đây cũng sẽ là nội dung được chúng tôi đề cập ở bài 4 Giải bài toán ứng phó khô hạn cho 2 triệu ha cây trồng ở Tây Nguyên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên