Tây Nguyên - vì đâu sông lở cát bay: Hồng Thủy giữa mùa khô
VOV.VN -Tại các tỉnh Tây Nguyên, việc khai thác cát vẫn tiếp tục làm sạt nhiều con sông, làm suy yếu nhiều cây cầu, nhiều nông dân đã mất đất sản xuất.
Khai thác cát trái phép gần đây trở thành vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm, nhất là từ khi Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố kiên quyết chống nạn khai thác cát trái phép, chấm dứt việc cấp phép nạo vét các dòng sông.
Thế nhưng, tại các tỉnh Tây Nguyên, việc khai thác cát vẫn tiếp tục làm sạt nhiều con sông, làm suy yếu nhiều cây cầu, nhiều nông dân đã và đang hàng ngày mất đất sản xuất. Trong khi đó, các tỉnh hầu như không áp dụng đúng các quy định của pháp luật, không có những biện pháp quản lý cần thiết trong lĩnh vực này.
Người dân đang mất dần sản xuất |
Những cây xoài cổ thụ, những bụi tre xanh mướt bị đổ ngổn ngang xuống lòng sông. Trái với quy luật bên bồi, bên lở, sông này đang lở cả hai bên, đoạn bị lở kéo dài gần cây số.
Ông Lý Văn Tâm, thôn Quảng Hòa, xã Nâm N’Đir cho biết, chỉ từ đầu năm đến nay, gia đình đã mất hơn 500 m2 đất vườn, và gây ra cảnh này chính là những chiếc tàu cát đang nổ máy vang rền ở dưới sông.
Ông Tâm nói: “Mỗi ngày bình quân khoảng 30 đến 40 chiếc. Nếu cứ để tình trạng này chắc chắn người dân không có đất để làm”.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên Môi trường hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, trên con sông ranh giới giữa hai tỉnh, có 10 doanh nghiệp khai thác cát được cấp phép hoạt động. Trong giấy phép nêu rõ, các doanh nghiệp không được khai thác chồng lấn, khai thác gần bờ và khai thác quá độ sâu qui định.
Ngành tài nguyên môi trường hai tỉnh cũng đã cắm biển cấm khai thác cát ở nhiều điểm nhằm tránh sạt lở lan rộng. Thế nhưng các quy định này hầu như không được tuân thủ.
Sông Krông Nô bị lở bờ |
Nếu như những năm trước, hầu hết các tàu cát tập trung ở đoạn sông tiếp giáp giữa xã Bình Hòa (Đắk Lắk) và xã Buôn Choah (Đắk Nông), khiến gần trăm ha đất ở khu vực này biến mất, thì nay đang đổ xô vào đoạn tiếp giáp giữa xã Nâm N’Đir và xã Ea Rbin, làm hai bên bờ sông sạt lở nặng nề.
Tình hình tương tự có thể thấy dọc các sông lớn nhỏ của Đắk Lắk như sông Krông Pách, sông Krông Ana. Nhìn qua bản đồ vệ tinh sẽ thấy, cứ nơi nào cấp phép khai thác cát là nơi ấy các dòng sông bị tàn phá không còn hình dạng.
Khi đi xuống cơ sở, bất kể nơi nào có doanh nghiệp khai thác cát hoạt động, đều thấy tình trạng người dân mất đất hoặc buộc phải bán đất, bán vườn cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Lương ở thôn 3, xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đắc Lăk) cho biết: “Họ đã hút cát từ nhiều năm và năm nay hút nhiều hơn. Họ hút nhiều đến nỗi khi mùa lụt, ruộng của chúng tôi bị sập nhiều. Nếu các cơ quan chức năng không ngăn chặn người dân chúng tôi sẽ mất ruộng đất”.
Trong khi người dân sinh sống, canh tác ven sông khẳng định rằng, các doanh nghiệp khai thác cát gây thiệt hại lớn cho đời sống, sản xuất của họ, các ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên lại viện dẫn nhiều lý do để cho rằng: Rất khó để quy kết trách nhiệm cho các tàu cát, vì mưa lũ cũng có thể là nguyên nhân gây lở đất ở các con sông, khiến các cây cầu bị sụt mố, sụt móng.
Với sự không chắc chắn của cơ quan quản lý, các con sông vẫn tiếp tục lở, người dân vẫn mất đất, môi trường vẫn bị tàn phá./.
Cát tặc lộng hành: Dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy