Tết của đại gia đình “đo gió, đếm mưa” ở Trường Sa
VOV.VN - Một gia đình có 6 người từ cha - con- chú- cháu đều đã và đang ăn Tết ở Trường Sa trong nhiều năm qua.
Người “đo gió, đếm mưa” là cách gọi gần gũi dành cho những ai làm trong ngành khí tượng thuỷ văn. Để đo được gió, đếm được mưa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quả là chuyện không dễ. Vậy mà, đã bao mùa xuân trôi qua, một gia đình họ Võ ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có đến 6 người từ cha - con- chú- cháu đều đã và đang ăn Tết ở Trường Sa cùng với công việc thầm lặng của người làm khí tượng thuỷ văn.
Qua điện thoại, ông Thống dặn dò con trai cố gắng hoàn thành nhiệm vụ không quên gửi lời chúc Tết tới những đồng nghiệp cũ của mình đang công tác nơi đảo xa. Tắt máy điện thoại, ông bảo với tôi rằng, con trai cả vừa quyết định ở lại Trường Sa công tác thêm 1 năm nữa. Vậy là Tết này, anh Võ Thanh Hải không kịp về sum vầy với gia gia đình. Người con trai thứ là Võ Thành Tín vừa từ Trạm khí tượng Trường Sa trở về đất liền ăn Tết cùng vợ chồng ông.
Ông Võ Thống chậm rãi kể, sau khi học xong sơ cấp khí tượng, từ năm 1977 đến nay, ông gắn bó với nghề “đo gió, đếm mưa”. Ông Thống tâm sự: nghề khí tượng công việc khô khan, ca trực 24 giờ chỉ làm việc với máy móc và mấy con số. Những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ông chính là thời gian được làm việc trên đảo Trường Sa.
Năm 2007, ông xin ra Trường Sa công tác. Ba năm sau, ông Võ Thống trở về đất liền, con trai trưởng Võ Thanh Hải lại nối gót cha ra bám đảo Trường Sa theo nghề khí tượng. Sau đó, đến lượt người em trai Võ Thành Tín cũng ra đảo Trường Sa Lớn làm nghề đếm đo mưa gió. Bây giờ, Võ Thành Tín trở thành đồng nghiệp với cha làm việc tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Võ Thành Tín nhớ lại: “Tôi vào ngành làm 1 năm và sau đó được ra ra đảo. Cha, chú và anh đã ra rồi nên tôi muốn ra đây để thử sức mình. Ở đảo, cuộc sống tuy khó khăn nhưng được đồng đội, chiến sĩ giúp đỡ nên cũng đỡ nhớ nhà hơn”.
Tết đến, mọi người được sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình. Với cha con ông Võ Thống, xuân nào cũng có người thân của mình ở lại Trường Sa canh gác “mưa gió”, không kịp về cúng lạy tổ tiên. Đêm trừ tịch, họ lại thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau qua các cuộc điện thoại kéo dài cùng nhau chào đón chào xuân sang.../.