Tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già

VOV.VN - Dù không phải cán bộ nhà nước, nhưng nếu tham gia BHXH tự nguyện, bạn sẽ vẫn có lương hưu; đồng thời, bạn cũng sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xác định không phải người dân nào cũng hiểu rõ lợi ích này, nên việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách về BHXH tự nguyện luôn được BHXH tỉnh Điện Biên quan tâm, để từ đó ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời...

Ông Trần Đại Nghĩa, cán bộ BHXH huyện Điện Biên cho biết, thời gian qua, BHXH huyện Điện Biên đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ các lợi ích này của BHXH tự nguyện, từ đó tích cực tham gia.

"Chúng tôi phối hợp với bưu điện đến nhà người dân giải thích về lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT. Ngoài ra, chúng tôi cũng nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách hai loại BH đó bằng việc tổ chức hoặc lồng ghép với các hội nghị ở xã, bản để tuyên truyền về chính sách BHYT, BHXH với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn" - ông Nghĩa cho biết thêm.

Ngoài lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị, việc tuyên truyền về các quyền lợi, chế độ của BHXH tự nguyện, BHYT cũng được BHXH huyện Điện Biên phổ biến đến người dân thông qua hoạt động của các đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn.

Bà Trần Thị Nguyệt – đại diện Đại lý thu BHXH, BHYT ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: "Tôi cũng tuyên truyền cho người dân về chế độ, quyền lợi của những loại hình bảo hiểm đó để người dân tham gia, vì khi ốm đau, có thẻ BHYT để khám chữa bệnh sẽ đỡ tốn kém rất nhiều. Riêng BHXH tự nguyện thì tuyên truyền cho người dân giờ còn trẻ thì bớt chút tiền để tham gia, để sau này về già có nguồn thu nhất định, hay nói cách khác là có lương hưu để đỡ khó khăn trong cuộc sống".

Qua tìm hiểu và được tuyên truyền, vận động, nhiều người dân ở Điện Biên đã hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, từ đó, sẵn sàng tham gia. Chị Nguyễn Thị Nhung - một lao động tự do ở thôn Mỹ Hưng, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên bày tỏ: Trước đây khi làm ở doanh nghiệp thì tôi cũng đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 2 năm. Nhưng sau khi không đi làm nữa; thêm một vài lí do cá nhân thì tôi dừng đóng và đã thanh toán một lần vào năm 2020. Khi được tuyên truyền, phân tích thêm về quyền lợi của BHXH tự nguyện thì tôi cũng đã tham gia lại được 6 tháng rồi.

Bà Tạ Thị Anh – cùng thôn Mỹ Hưng, xã Thanh Hưng cũng phấn khởi cho biết, hiểu rõ những lợi ích của BHXH tự nguyện thông qua đại lý thu tuyên truyền, bà đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình sau này được tốt hơn. "Hai vợ chồng cũng mua BH này để sau này hỗ trợ lúc tuổi già, không làm được gì vẫn có bảo hiểm trả lương hưu hàng tháng, con cái cũng đỡ phần nào việc lo lắng cho bố mẹ. Nhà nước có chế độ BHXH tự nguyện này rất là tốt, mình tham gia để cuộc sống sau này về già đỡ vất vả hơn".

Theo lãnh đạo BHXH huyện Điện Biên, do đời sống kinh tế còn khó khăn; một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của BHXH tự nguyện, nên tỷ lệ người dân trên địa bàn tham gia loại hình này chưa cao.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các tổ chức xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân nhận thức rõ hơn về các quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện; nhất là việc được giảm bớt các chi phí khi ốm đau phải nằm viện, hoặc gặp các rủi ro trong cuộc sống, từ đó tích cực tham gia BHXH tự nguyện cho mình và gia đình.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030
Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030

VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đến năm 2030, nhằm phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động và Nhân dân.

Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030

Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030

VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đến năm 2030, nhằm phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động và Nhân dân.