Thăm ngôi nhà - nơi đàm phán hòa bình 40 năm trước tại Pháp

(VOV) - Đó là ngôi nhà số 106 Avenue du Général Leclerc của thị trấn Gif-sur-Yvette, cách Paris – Pháp hơn 30 km về phía Tây Nam.

Ngày 22/11 của 40 năm về trước, thị trấn Gif-sur-Yvette yên bình nằm cách Paris – Pháp hơn 30 km về phía Tây Nam bỗng trở nên nhộn nhịp. Báo chí Pháp và nước ngoài khi đó đổ dồn về đây, vây quanh ngôi nhà diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Các cuộc gặp đã đưa ra một dự thảo 9 điểm, sau này được xem là mấu chốt dẫn đến sự thành công của Hiệp định Paris 1973.

Đi qua số 106 Avenue du Général Leclerc của thị trấn Gif-sur-Yvette, bắt gặp một căn nhà bình thường như biết bao ngôi nhà khác ở vùng ngoại ô Paris, ít ai biết rằng nơi đây 40 năm trước đã diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do ông Lê Đức Thọ làm trưởng đoàn, với phía Mỹ- do ông Henry Kissinger dẫn đầu.

Tấm biển bên ngoài ngôi nhà

Các tài liệu lịch sử ghi lại những cuộc trao đổi giữa hai ông tháng 10 và tháng 11/1972 tại ngôi nhà này đi vào giai đoạn quyết định, chốt lại ở một dự thảo hiệp định mà hai bên có thể chấp nhận được.

40 năm sau, ngôi nhà không có gì nổi bật, nhìn từ bên ngoài có phần cũ kỹ và bao phủ bởi cây cối um tùm. Một tấm biển khiêm tốn treo trên tường bên ngoài căn nhà với dòng chữ “Tại ngôi nhà này ngày 22/11/1972, đã mở ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger”.

Tiếp chúng tôi – những nhà báo Việt Nam tò mò, chủ nhân hiện nay của ngôi nhà, vợ chồng nhiếp ảnh gia Bernard Mimier hồ hởi kể lại “cái duyên” của họ với nơi này.

Chủ nhân ngôi nhà trò chuyện với PV Đài TNVN

“Lúc đó tôi còn trẻ lắm, 17 tuổi, tôi có đi qua nơi này, thấy rất nhiều nhà báo vây quanh ngôi nhà và nghe nói có các cuộc đàm phán hòa bình bí mật diễn ra trong đó. Khi đó ngôi nhà thuộc về một họa sỹ tên Fernand Leger- một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là nơi đón nhiều khách của đảng sang Pháp làm việc. Bản thân tôi từ lúc trẻ luôn đứng về phía người dân Việt Nam, cho rằng sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam là không thể chấp nhận được. Sau này năm 1989, tôi cần tìm một ngôi nhà rộng để mở phòng chụp và làm ảnh; và duyên số đã dẫn tôi đến đây, mua lại căn nhà của con gái nhà Leger và ở đây cho đến nay” - nhiếp ảnh gia Bernard Mimier nói.

Ông Bernard dẫn chúng tôi đi thăm quan ngôi nhà, phòng đàm phán chính 40 năm trước giờ đây trở thành phòng chụp ảnh của ông với nhiều máy móc, đèn chiếu. Phòng khách hiện tại của ngôi nhà được trang trí theo phong cách cổ kính, trước đó từng là phòng chiêu đãi hai đoàn đàm phán, mà như chủ nhân Bernard Mimier nói đùa, là ở đây hai đoàn chắc từng ăn món “nem Việt nam”.

Ông Bernard cho biết: “Có rất nhiều người khách Việt nam đến đây thăm ngôi nhà của chúng tôi, có các nhà báo, có đại diện của phái đoàn Việt Nam tại UNESCO. Và có một lần một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã đến đây, xin chụp ảnh những phòng ngày xưa từng diễn ra đàm phán bí mật và tôi nghĩ rằng trong lòng anh ấy chắc chắn có nhiều cảm xúc. Chính gia đình chúng tôi cũng nói chuyện nhiều về ngôi nhà mà chúng tôi đang tự hào được sống ở đây, một ngôi nhà lịch sử đóng góp cho hòa bình. Vợ tôi cũng từng tham gia các hoạt động phản chiến và con gái tôi cũng có những cảm xúc đặc biệt khi nói về ý nghĩa của ngôi nhà”.

Các cuộc đàm phán diễn ra hết sức bí mật, đến các nhà hàng xóm cũng không hay biết gì, cho đến ngày 22/11/1972, khi báo chí Pháp và nước ngoài tìm đến xin giúp đỡ để chụp ảnh từ bên ngoài vào ngôi nhà.

 

                                                      GS Trần Thanh Vân và tư liệu viết về ngôi nhà

Và thật trùng hợp khi sát ngôi nhà lịch sử khi ấy đến giờ là nơi ở của một cặp vợ chồng nhà khoa học người Việt - ông bà Trần Thanh Vân, những người nhiều năm qua có nhiều hoạt động hướng về Việt nam.

Dù tuổi đã cao, nói chuyện khá khó khăn, Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn rất nhiệt tình kể lại: “Một buổi sáng, chúng tôi thấy nhà có nhiều lính cảnh sát xung quanh và lấy làm lạ, không biết vì sao. Một tuần trước tôi nhớ có hội  nghị 4 bên, và chúng tôi biết đàm phán có nhiều khó khăn nên đoán ra đây có thể là đàm phán giữa miền Bắc Việt Nam với phía Mỹ. Vì biết nhà bên cạnh là thuộc Đảng Cộng sản Pháp, thường có khách đến trong thứ 7, chủ nhật, nên đoán Việt Nam đã mượn nhà của Đảng Cộng sản Pháp để đàm phán. Rất đông nhà báo đến, nhờ chúng tôi cho vào nhà để chụp hình về ngôi nhà bên cạnh”.

Giáo sư Trần Thanh Vân dẫn chúng tôi ra vườn sau nhà, chỉ vào rặng cây thông giờ cao ngút, cho biết 40 năm trước, rặng cây còn thấp và phóng viên đứng từ vườn nhà ông hoặc trèo lên mái nhà ông có thể chụp ảnh vào ngôi nhà đàm phán bí mật.

Toàn cảnh ngôi nhà

Ông cũng chia sẻ câu chuyện trùng hợp được báo chí Pháp và nước ngoài phát hiện và nói nhiều đến lúc bấy giờ, là trong khi cuộc đàm phán chính trị bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đang diễn ra, thì tại ngôi nhà bên cạnh, giáo sư Trần Thanh Vân cùng các thành viên tổ chức giúp đỡ các trẻ em Việt Nam đang tích cực với các hoạt động bán thiệp Giáng sinh, để quyên tiền xây dựng một làng trẻ SOS tại Đà Lạt (sau này làng được khánh thành năm 1974).

Hai hoạt động cùng lúc, một bên là chính trị và bên kia là nhân đạo, vô tình lại cùng hướng về Việt Nam.

40 năm sau, ngôi nhà đàm phán bí mật năm xưa đã hoàn thành nhiệm vụ; còn ở bên cạnh, giáo sư Trần Thanh Vân và Tổ chức giúp đỡ trẻ em Việt Nam, Hội Gặp gỡ Việt Nam do ông sáng lập vẫn không ngừng tiếp tục công việc giúp đỡ trẻ em, hỗ trợ phát triển đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên