Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường được xác định thế nào?
VOV.VN - Cần lấy tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020 làm cơ sở chính để xác định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Có tới 14 nhóm hành vi mới để xử phạt trong lĩnh vực môi trường
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường diễn ra ngày 13/7, ông Lê Vũ Tuấn Anh – Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổng kết thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gửi các Bộ và địa phương để tổng kết báo cáo.
Đồng thời, thực hiện rà soát nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kết quả cho thấy, có tổng số 32 nhóm hành vi cần quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 14 nhóm hành vi được quy định mới hoàn toàn, 13 nhóm hành vi đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP nhưng cần sửa đổi, bổ sung và 5 nhóm hành vi được kế thừa hoàn toàn theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ban hành Quyết định số 413/QĐ-BTNMT về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Từ kết quả đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đề xuất việc xây dựng dự thảo Nghị định dựa trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, thống nhất nguyên tắc: Giữ cơ bản kết cấu, bố cục của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP; cơ bản sẽ giữ nguyên các quy định tại NĐ155 và các nội dung đã được sửa đổi tại NĐ/55 trong trường hợp không vướng mắc gì để đảm bảo tính ổn định.
Cập nhật quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự thảo Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Cập nhật các quy định về xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường hải đảo.
Cập nhật các nội dung xử lý vi phạm về xả thải vào nguồn nước của pháp luật về tài nguyên nước. Cập nhật nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020. Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và so sánh với các hành vi đã quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP để đề xuất mức phạt phù hợp.
Dự kiến, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ giữ nguyên cấu trúc Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, dự thảo Nghị định gồm có 04 chương, 71 điều.
Một số nội dung mới cần được thảo luận, cho ý kiến như: đề xuất các hành vi vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đề xuất các hành vi vi phạm quy định về Giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật BVMT 2020; vi phạm xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép môi trường về xả nước thải vào nguồn nước; đề xuất các hành vi vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án sau khi được cấp Giấy phép môi trường. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản, cơ bản giữ nguyên theo Nghị định số 155 và 55, trên cơ sở rà soát loại bỏ hoặc bổ sung trách nhiệm pháp lý quy định tại Luật BVMT 2020…
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường phải minh bạch, sát thực tiễn
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã góp y và cơ bản nhất trí với cấu trúc của dự thảo Nghị định. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Nghị định cần bổ sung thẩm quyền về thanh tra, xử phạt trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đề nghị, cần xác định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng, đặc biệt, xác định rõ chức năng của cảnh sát biển; xem xét bổ sung thẩm quyền xử phạt của cảnh sát biển theo chức danh cụ thể.
Đại biện Bộ Y tế lưu ý, cân nhắc việc áp dụng các hình thức xử phạt đối với các cơ sở y tế công lập, bởi các bệnh viện này vận hành theo tính chất đặc thù riêng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT - Võ Tuấn Nhân ghi nhận ứng ý kiến đóng góp và yêu cầu Thanh tra Bộ TN&MT phối hợp với các đơn vị rà soát lại, bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với quy định các ngành, các lĩnh vực.
“Cần lấy tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020 làm cơ sở chính, các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường phải đảm bảo sát thực tiễn, có tính khả thi, rõ ràng, minh bạch, để điều chỉnh hành vi, ý thức của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Ban soạn thảo, Tổ Biên tập khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ vào đầu tháng 11/2021, để đảm bảo Nghị định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022, cùng thời điểm với Luật Bảo vệ môi trường 2020”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh./.