Thận trọng với dịch vụ chuyển tiền quốc tế

Mang tiền theo người sợ bị mất, tìm đến dịch vụ chuyển tiền quốc tế của Western Union nào ngờ tiền lại “không cánh mà bay”. Khiếu nại lên xuống, cuối cùng khách hàng mới nhận lại được tiền. 

Chị Trần Hải Yến ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội phản ánh, ngày 8/4/2010, chị sang Malaysia để du lịch. Ngày 9/4/2010, vào 8h30 phút sáng, người nhà chị Yến ra văn phòng giao dịch của Western Union tại 29 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội để chuyển 1.489USD sang Malaysia cho chị thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union đại diện tại Việt Nam.

Chuyến đi sang Malaysia vừa để du lịch nhưng cũng kết hợp công việc, vì vậy, trước khi đi, chị Yến đã hẹn gặp một số đối tác, đồng thời dự định đi thăm dò thị trường Malaysia để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Chị Yến kể: “Tôi đi một mình nên gia đình tôi không an tâm khi tôi mang tiền theo người. Gia đình tôi đã quyết định sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế của Western Union tại Việt Nam. Theo như quảng cáo, dịch vụ này có thể chuyển tiền cho người nhận dù người đó ở bất cứ đâu chỉ trong vòng 10 phút".

Sau khi được gia đình thông báo đã chuyển tiền sang, chị Yến lập tức truy cập vào website của Western Union để kiểm tra xem số tiền đó đã có thể rút hay chưa (trên website của công ty Western Union có công cụ kiểm tra tình trạng của món tiền được gửi đã tới nơi hay chưa và đã có thể rút hay chưa). Nhưng trên hệ thống báo là chưa có giao dịch nào như thế trong hệ thống. Chị báo lại gia đình và gia đình chị ngay sau đó đã liên hệ với Western Union tại Việt Nam thì nhận được câu trả lời là số tiền đã bị rút sau khi gia đình chị chuyển khoảng 38 phút tại Malaysia, bởi một người có hộ chiếu Trung Quốc, có tên giống chị Yến.

Chị Yến khẳng định: “Khi đó, tôi vẫn ở khách sạn và chưa hề ra ngoài, tôi có thể chứng minh điều này. Tôi thắc mắc, làm sao kẻ rút tiền có được toàn bộ thông tin về giao dịch chuyển tiền này? Hơn nữa, lại càng không thể có hộ chiếu của tôi để rút tiền được. Khi gửi tiền, gia đình tôi phải cung cấp cả bản sao hộ chiếu của tôi. Nhưng vì sao một người có hộ chiếu Trung Quốc lại có thể rút được tiền của tôi?”

Sau khi về nước, chị Yến và gia đình được mời tới Western Union Huỳnh Thúc Kháng để đối chiếu các tài liệu mà Western Union gọi là chứng cứ rút tiền, thì chỉ có một tờ phiếu nhận tiền. “Trên tờ phiếu đó có ghi đầy đủ các thông tin về giao dịch chuyển tiền, nhưng chữ viết và chữ kí không phải của tôi”, chị Yến cho biết.

Gia đình chị đã trao đổi với bà Mai Thảo, Trưởng đại diện Western Union tại Việt Nam về vụ việc và nhận được câu trả lời với nội dung: “Gia đình có thể làm việc với bên công an. Còn giao dịch của chúng tôi chỉ đơn giản là người gửi tiền xong thì báo cho người nhận mã số chuyển tiền, tên người gửi, số tiền chính xác, nước người gửi. Người nhận khi rút tiền thì cầm theo giấy tờ nhận dạng ra Western Union, cung cấp thông tin như trên để lấy tiền. Công ty đã thực hiện đúng qui trình chi trả đó và sẽ không chịu trách nhiệm về việc này nữa”.

Với cách trả lời này, chị Yến cho rằng, tổ chức chuyển tiền quốc tế Western Union tại Việt Nam đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình là chuyển tiền đến đúng người cần được nhận tiền. Hơn nữa, Western Union đã cố tình chối bỏ trách nhiệm của mình sau khi sự việc xảy ra. “Họ còn nói đây là một giao dịch lừa đảo và nếu muốn, tự tôi phải đưa vụ việc lên cơ quan công an điều tra. Còn về phía họ, họ không có bất cứ trách nhiệm gì khác”, chị Yến bức xúc. Ngày 20/7, trao đổi với chúng tôi, chị Yến cho biết, sau nhiều lần gặp gỡ với bao công văn giấy tờ, cuối cùng Western Union đã nghiêm túc điều tra vụ việc và đồng ý thanh toán tiền bị mất cho chị.

Theo TS. Vương Ngọc Tuấn, phụ trách văn phòng tư vấn khiếu nại, Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, NTD cần chú ý, trong các giao dịch qua mạng chuyển tiền cần cẩn trọng, tiếp nhận thông tin qua email, chat, điện thoại. Với những thông tin mật thì càng nên cảnh giác và chỉ cung cấp thông tin cho những người mà mình biết rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên