Tháng 7 ở đất thiêng Quảng Trị
VOV.VN - Chiến tranh đã đi qua, những đau thương rồi cũng lắng xuống; Quảng Trị đã trở thành đất thiêng.
Hiệp định Giơneve năm 1954 đã lấy sông Bến Hải ở vỹ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị chia đôi đất nước. Sự chia cắt ấy tưởng chỉ kéo dài 2 năm, mà kéo dài thành 21 năm.
21 năm ấy mảnh đất Quảng Trị trở thành chiến trường khốc liệt với bao mất mát đau thương, nhưng Quảng Trị cũng là mảnh đất đất kiên cường, chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến tranh đã đi qua, những đau thương rồi cũng lắng xuống; Quảng Trị đã trở thành đất thiêng. Ở đó, mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, mỗi gốc cây ngọn cỏ đã in dấu bao người con ngã xuống vì độc lập thống nhất cho Tổ Quốc.
Viếng nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9. |
Đất Quảng Trị mang trong lòng bao máu xương của những anh hùng liệt sỹ. Không ở nơi đâu trên đất Việt Nam có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sỹ như nơi đây: 72 nghĩa trang với hơn 7 vạn mộ liệt sỹ; trong đó có hai nghĩa trang quốc gia lớn nhất là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 - với mỗi nghĩa trang hơn 1 vạn mộ phần…
Ngày 27/7, ngày Thương binh liệt sỹ, là ngày mà cả nước thể hiện lòng biết ơn với những người con đã cống hiến tuổi thanh xuân và hy sinh vì Đất nước. Khắp mọi nơi diễn ra những hoạt động nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ở Quảng Trị thì cả tháng 7 trở thành mùa tri ân, mùa hành hương về cội nguồn, về ký ức. Những ngày này thật sự là những ngày lễ thiêng liêng, là ngày đại giỗ.
Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9. |
Đất thiêng Quảng Trị trở thành quê hương của bao liệt sỹ nằm lại nơi đây, cả những người có tên, những người chưa biết tên và còn bao nhiêu người vẫn nằm sâu trong lòng đất. Tháng 7, những dòng người ở khắp mọi miền đất nước nối nhau về đây để thành kính thắp hương cho những người con đã ngã xuống vì Tổ Quốc. Có những ngày có tới hàng vạn lượt khách thăm viếng; họ là những thân nhân, những đồng đội liệt sỹ; là những cựu chiến binh, là những đoàn thể, tổ chức…; cả những du khách; cùng nhân dân địa phương; tất cả về đây để tri ân các anh, để nhớ mãi về một thời hoa lửa.
Những địa danh, những cái tên ở Quảng Trị đã trở thành huyền thoại. Quảng Trị là một bảo tàng chiến tranh. Đây cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã từng chia cẳt – đau thương. Đây Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 mênh mang đại ngàn ru giấc nghìn thu cho hàng vạn liệt sỹ.
Đây Thành cổ với ký ức mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm năm 1972; mà ở đó là đỉnh cao của khốc liệt chiến tranh, của đau thương mất mát, của sự anh dũng phi thường. Trong 81 ngày đêm, mảnh đất chưa đầy 2km2 thành cổ hứng 330.000 tấn bom đạn. Bom đạn đã xóa sạch tất cả, giờ đây trong thành cổ chỉ còn màu xanh của cỏ, xanh đến nao lòng. Thành cổ Quảng Trị trở thành một nghĩa trang, một nấm mồ chung của bao liệt sỹ; thành cổ được gọi là “đất tâm linh”. Và đây nữa, dòng sông Thạch Hãn “dòng sông tâm linh” - đã ôm vào lòng bao chiến sỹ quên mình trong trận chiến thành cổ năm xưa… Thành cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn mãi là khúc tráng ca bất tử.
Thả hoa tưởng niệm Sông Thạch Hãn tri ân những liệt sỹ trong trận chiến thành cổ 81 ngày đêm năm 1972. |
Trời tháng 7 Quảng Trị xanh ngắt cùng nắng và gió; những dòng người cứ nối nhau. Mùi trầm hương ngan ngát mọi nơi. Thành cổ trầm mặc, dòng Thạch Hãn như hiền hòa hơn, và cũng nghẹn ngào hơn. Giờ đây, bến sông bên quảng trường thành cổ đã có một công trình kiến trúc - bến thả hoa để làm nghi lễ tưởng niệm cho những liệt sỹ thành cổ hy sinh trên dòng Thạch Hãn. Và ở đó, có tấm bia đá khắc 4 câu thơ da diết, nghẹn lòng của nhà thơ Lê Bá Dương, cựu binh thành cổ:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...”
Tháng 7, về Quảng Trị, mùa tri ân, sẽ thấu hiểu vì sao Quảng Trị là đất thiêng, sẽ thấu hiểu những giá trị mà những anh hùng liệt sỹ ngày hôm qua đã tạo nên. Trong những dòng khói nhang bay lên từ đốm lửa, trong ánh nến hoa đăng thả trên sông, kìa những linh hồn người lính như đang nói rằng hãy sống vì Tổ quốc, bởi Tổ quốc thiêng liêng và bất diệt!./.