Mô hình “Nghiệp đoàn nghề cá”:

Thành công từ mô hình chưa có trong "tiền lệ" của Công đoàn

VOV.VN - Đây là một mô hình rất mới, chưa có trong tiền lệ của hoạt động công đoàn nhưng đã thành công vì tính hiệu quả của nó...

Những năm gần đây, tình trạng ngư dân Quảng Ngãi bị đe dọa, bắt giữ, phá hủy tàu thuyền, tịch thu ngư lưới cụ và hải sản diễn ra, khiến người đi biển hoang mang, lo lắng, có những ngư dân bị mất trắng tài sản, phương tiện làm ăn nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Tìm giải pháp giúp đỡ bà con khắc phục những khó khăn trước mắt và ổn định cuộc sống lâu dài bằng nghề biển luôn là trăn trở của lãnh đạo Tổng Liên đoàn và Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ngãi. Và nghiệp đoàn nghề cá được ra đời từ trăn trở đó. Đây là một mô hình rất mới, chưa có trong tiền lệ của hoạt động công đoàn, do vậy để duy trì và phát triển là vấn đề rất khó khăn.

Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá thời gian qua đã góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi

 Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn nghề cá gồm 20 thành viên, trong đó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh làm trưởng ban. 

Ban chỉ đạo đã tiến hành khảo sát tàu thuyền, ngư dân và tình hình khai thác của họ, đồng thời gặp gỡ các chủ tàu, ngư dân để tuyên truyền về tổ chức công đoàn Việt Nam, về sự cần thiết phải thành lập nghiệp đoàn nghề cá và tính thiết thực của việc gia nhập nghiệp đoàn. Tùy từng đối tượng mà bố trí thời gian, có nội dung gặp gỡ và tiếp xúc cụ thể để có sự ủng hộ của chủ tàu và ngư dân. 

Với những ngư dân đang khai thác trên biển, Ban chỉ đạo gửi các tờ gấp, tài liệu bỏ túi để họ nghiên cứu. Cùng với đó, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhờ đó bà con ngư dân tiếp cận và nắm được nhiều thông tin, tự nguyện làm đơn xin gia nhập nghiệp đoàn.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn 1 năm kể từ khi thành lập, nghiệp đoàn nghề cá An Hải (Lý Sơn) đã phát huy hiệu quả, có nhiều hoạt động thiết thực thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là ngư dân. Đến cuối năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập được 6 nghiệp đoàn với tổng số trên 2.000 đoàn viên tham gia.

Thấy được hiệu quả từ mô hình nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đầu tiên ở Lý Sơn, đến nay đã có 12 tỉnh triển khai xây dựng nghiệp đoàn nghề cá. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến tháng 6/2013, cả nước đã thành lập 36 Nghiệp đoàn nghề cá tại 12 tỉnh, thành với gần 6.000 đoàn viên. Những ngư dân này đang làm việc trên gần 2.000 tàu cá hoạt động chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Hoạt động công đoàn không còn “khô cứng”

Phát biểu tại buổi sơ kết thí điểm việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá và phát động “Chương trình tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa năm 2013” mới đây, ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: “Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá thời gian qua đã góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi. Đây là mô hình rất tốt để tập hợp, quan tâm chăm lo cho người lao động, đặc biệt là ngư dân trên biển. Chính vì tính hiệu quả này, nhiều ngư dân viết đơn xin gia nhập nghiệp đoàn. Từ kết quả này đề nghị Tổng Liên đoàn nghiên cứu đề xuất những chính sách phù hợp, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân”.

Ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, bà con khi tham gia vào nghiệp đoàn rất phấn khởi bởi họ thấy rõ tác dụng thiết thực. Họ được cung cấp thông tin, được tuyên truyền về pháp luật, về đường lối chính sách, được thông báo ngư trường nào có nhiều cá… Cùng với đó, họ còn được hỗ trợ cả về thiết bị thông tin liên lạc ICOM, thông báo các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trên biển… “Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá là rất cần thiết, và cần phải phát triển mạnh mẽ, vững chắc mô hình nghiệp đoàn này. Mô hình nghiệp đoàn không chỉ được tổ chức công đoàn Trung ương đánh giá cao, mà ngay cả chính quyền địa phương Quảng Ngãi, cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều rất quan tâm và đánh giá cao”- ông Thanh nói. 

Để hoạt động của nghiệp đoàn ngày càng chuyên nghiệp và thu hút nhiều hơn nữa bà con ngư dân tham gia, tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI sắp diễn ra, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá ở huyện đảo Lý Sơn dự kiến sẽ tham gia Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc nghiệp đoàn nghề cá "có ghế" trong Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giúp ngư dân có tiếng nói đại diện trong tổ chức công đoàn; từng bước xây dựng tổ chức công đoàn của nghiệp đoàn từng bước vững mạnh, trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi; đồng thời đóng góp tiếng nói vào nghiệp đoàn nghề cá quốc tế.

Từ khi nghiệp đoàn nghề cá ra đời, chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” vì ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa cũng được Tổng Liên đoàn phát động. Đây là một hoạt động thiết thực, hỗ trợ trực tiếp, kịp thời bà con ngư dân yên tâm ra khơi bám biển. Ngay từ khi phát động, mọi người nhận thức được đây là việc làm đầy tính nhân văn và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với bà con ngư dân, là chỗ dựa vững chắc, là nơi để và con chia sẻ khó khăn để yên tâm ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế chương trình không chỉ thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp mà còn thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân cả nước. 

Đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, chương trình trình “Tấm lưới nghĩa tình” đã huy động được gần 40 tỷ đồng ủng hộ ngư dân, trước hết là những ngư dân đánh bắt tại ngư trường Trường Sa- Hoàng Sa có tàu bị hư hỏng.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sắp tới đây, Tổng Liên đoàn sẽ có giải pháp căn cơ và lâu dài hơn, đó là huy động nguồn lực để có thể bảo hiểm con tàu cho ngư dân, và bảo hiểm cho ngư dân. Như vậy, ngư dân sẽ đảm bảo được quyền lợi một cách cơ bản hơn.

Từ việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá và phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” có thể thấy, hoạt động công đoàn sẽ phát huy được hiệu quả và huy động được sự tự nguyện tham gia của đông đảo đoàn viên, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp nếu đáp ứng đúng nhu cầu, quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của người lao động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên