Thanh Hóa khẩn trương sửa chữa đê kè sông Mã trong tháng 11
VOV.VN - Dự án xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã có mức đầu tư 34 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công trong tháng 11.
Như tin đã đưa về tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại bờ hữu đê kè sông Mã (thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, có tổng mức đầu tư hơn 104 tỷ đồng) gần chân cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 25/10 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa khẩn trương sửa chữa đê kè sông Mã trong tháng 11.
Ông Khương Anh Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, hiện tại, hồ sơ thiết kế thi công dự án xử lý khẩn cấp hiện tượng sụt, lún kè đê hữu sông Mã, đoạn gần chân cầu Hàm Rồng, đang trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí để thực hiện dự án này với số tiền 34,197 tỷ đồng.
Trong hồ sơ thiết kế thi công dự án có giải pháp căn cơ để khắc phục hiện tượng sụt, lún đoạn đê kè nói trên làm sao tạo được tính ổn định. Dự kiến, dự án khắc phục sự cố sụt, lở cho tuyến kè đê hữu sông Mã, đoạn gần chân cầu Hàm Rồng được triển khai thi công trong tháng 11.
“Sau khi có nguồn hỗ trợ trung ương, tỉnh đã tiến hành khảo sát, thiết kế đánh giá toàn bộ nguyên nhân sạt lở và đưa ra giải pháp kè cũng như bảo vệ đoạn đê này một cách kiên cố. Sau khi tỉnh cho chủ trương xử lý, trường Đại học Thủy lợi đã tiến hành khảo sát toàn bộ địa hình, địa trắc và đánh giá căn cơ và trình tỉnh phê duyệt toàn bộ dự án này”, ông Khương Anh Tấn cho biết.
Trước đó, về nguyên nhân dẫn đến dự án đê kè sông Mã bị sụt lún, cơ quan chức năng đã xác định, trong hồ sơ dự án được phê duyệt, thì kết cấu chân kè đê hữu sông Mã, được gia cố bằng 2 hàng cọc bê tông cốt thép dài 6m. Tuy vậy, khi thiết kế bản vẽ thi công, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cùng đơn vị tư vấn đã bỏ hàng cọc này, nhưng lại không có giải pháp kỹ thuật khác thay thế. Căn cứ vào kết quả này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Trả lời PV VOV về việc thực hiện dự án sửa chữa lần này và chủ đầu tư có biện pháp gì đảm bảo an toàn bờ kè sông Mã? Ông Khương Anh Tấn khẳng định, với tổng mức dự án 34 tỷ đồng, lần này sẽ làm rất quy mô, với những tính toán đến các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp kỹ thuật, đồng thời đưa công nghệ mới vào thi công.
Sau khi VOV phản ánh tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo, cọc tiêu và lập hàng rào để cấm người và phương tiện không được qua lại trong khu vực sụt lún nói trên. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của bến thuyền du lịch tại đây, để đưa các phương tiện ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cách khu vực sạt lở đê kè sông Mã không xa, chóp tứ trụ chân cầu Hàm Rồng cũng bị sụt lún nghiêm trọng, đe dọa an toàn đường sắt. Điểm sạt tại chân cầu Hàm Rồng không nằm trong Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, mà do Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hóa quản lý và cũng đang trình phương án khắc phục lên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
PV VOV sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về nội dung này./.
Đê kè sông Mã có vốn đầu tư 104 tỷ đồng sạt lở nghiêm trọng