Thanh Hóa thừa nhận thủy điện làm mất đất sản xuất, sinh kế ảnh hưởng
Lãnh đạo Sở Công thương Thanh Hóa thừa nhận các dự án thủy điện tạo ra những hệ lụy mất đất sản xuất và gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và môi trường
Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận các dự án thủy điện ở Thanh Hóa đã làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến sinh kế người dân ở miền núi, vùng dự án - nơi có nguồn sinh kế chính từ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Thừa nhận của ông Lam được đưa ra trong phiên trả lời chất vấn về trách nhiệm của ngành công thương về ảnh hưởng của các dự án thủy điện, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh Hóa, diễn ra ngày 11/7.
Ông Lê Tiến Lam - giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, trả lời chất vấn về dự án thủy điện tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 11/7 - Ảnh: HÀ ĐỒNG (báo Tuổi trẻ) |
Theo đó, dự án thủy điện cũng đã làm mất diện tích rừng, suy giảm nguồn sinh thủy, thay đổi chế độ dòng chảy của sông, suối, bùn cát, ngăn cản luồng thủy sản di cư, thay đổi hệ sinh thái ngập nước.
Các dự án thủy điện tích nước, xả lũ không đúng quy trình, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng hạ du, ảnh hưởng môi trường, khói bụi...
Mặt bằng khu tái định cư Sa Lắng của dự án thủy điện Hồi Xuân đang xây dựng dang dở, khiến người dân bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) chưa thể vào sinh sống - Ảnh: HÀ ĐỒNG. |
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa tỏ ra không yên tâm khi quy hoạch mạng lưới thủy điện ở tỉnh với nhiều dự án thủy điện có khoảng cách quá gần, thu hồi đất lớn, vượt quá quy định...
"Một huyện mà có đến 4 dự án thủy điện (huyện Quan Hóa), khoảng cách ngắn, cắt khúc, thay đổi dòng chảy, phá vỡ môi trường. Có nhiều thủy điện vượt diện tích quy định rất lớn, vậy khâu kiểm tra, thẩm định của Sở Công thương như thế nào?", ông Cầm Bá Chái, Đại biểu HĐND huyện Lang Chánh, đặt câu hỏi.
"Để xảy ra những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm của ngành, địa phương, chủ đầu tư các dự án; trong đó trách nhiệm chính của ngành công thương với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành", ông Lam nói.
Ông Trịnh Văn Chiến, bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng nên dừng các dự án thủy điện có công suất nhỏ, cỡ 10 MW trở xuống. Các dự án lớn, theo ông Chiến, nếu không bảo đảm các tiêu chí, đặc biệt liên quan đến cắt lũ, thủy lợi "cũng nên loại ra".
"Dự án thủy điện vài MW không giải quyết được gì, nhưng chúng ta lo ngay ngáy, dân lo ngay ngáy là nguy hiểm", ông Chiến nói.
Dân ở bản Sa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa sống trong những ngôi nhà tạm bợ vì nằm trong quy hoạch chờ chuyển sang khu tái định cư Sa Lắng của dự án thủy điện Hồi Xuân - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Theo Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này hiện có 2 quy hoạch thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt, còn trên các sông có nhiều thủy điện là sông Mã 7 dự án, sông Chu 4 dự án, sông Lò 3 dự án…
Hiện nay đã có 13 dự án thủy điện được đầu tư, xây dựng, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, phát điện, 7 dự án đang thi công.
Ngoài ra, hiện còn có 8 dự án thủy điện đang lập hồ sơ dự toán trình cấp có thẩm quyền xem xét./.