Gia Lai:

Thanh niên không thể lập nghiệp được ở... làng thanh niên

Tuổi trẻ dấn thân để lập thân, lập nghiệp, thế nhưng đến nay, sau 7 năm dự án được triển khai, nhưng đời sống của người dân vẫn khó khăn trăm bề.

Năm 2004, Dự án làng thanh niên lập nghiệp ở xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai) được Trung ương đoàn phê duyệt. Đồng thuận với chủ trương này, UBND tỉnh Gia Lai đã giao Tỉnh đoàn triển khai, đồng thời cho phép chuyển đổi 440 ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp và phi nông nghiệp để triển khai thực hiện dự án. Đến tháng 3/2005, Tỉnh đoàn Gia Lai chính thức triển khai dự án này với tổng mức đầu tư hơn 27,464 tỷ đồng.

Tuổi trẻ dám dấn thân để lập thân, lập nghiệp, gần 100 thanh niên đã háo hức đón nhận. Thế nhưng đến nay, sau 7 năm dự án được triển khai, nhưng đời sống của người dân vẫn khó khăn trăm bề.

“Điện – đường – trường – trạm” gần như số không

Theo tiếng gọi “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tháng 7/2008, anh Nguyễn Văn Trưởng, quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên tình nguyện đến xây dựng quê hương mới ở làng thanh niên lập nghiệp (nay là làng Ring), nằm sát đường vành đai biên giới với nước bạn Campuchia, giữa rừng phòng hộ xã Ia Mơ, huyện Chư Prông.

Làng thanh niên đìu hiu...

Cũng như những thanh niên khác, anh Trưởng được Ban Quản lý Dự án hỗ trợ 15 triệu đồng tiền làm nhà, 9 triệu để xây bể nước, hỗ trợ chăn nuôi và lương thực 6 tháng. Ngoài ra anh còn được cấp 1 sào đất ở, 4 sào lúa nước và 1,8 ha đất rẫy. Niềm vui làng mới, trong ngôi nhà mới như được nhân lên khi tình yêu giữa anh và chị Nguyễn Thị Loan đã được vun đắp bằng một đám cưới ấm cúng.

Thế nhưng “niềm vui chẳng tày gang”, thì hàng loạt khó khăn nảy sinh. Vì làng nằm giữa rừng phòng hộ, lại cách trung tâm xã tới gần 20km đường đất, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô bị bụi bay mù mịt, lương thực sản xuất ra vốn đã khó khăn vì đất đai cằn cỗi thì việc bán nông sản lại bị các thương lái ép giá. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp vào khai hoang trồng cao su lại không tuyển dụng lao động trong làng.

Đã qua 7 năm, làng có thêm 50 thành viên nhí, những thế hệ tương lai của làng, kết tinh của tình yêu nảy nở trên vùng đất khó. Hiện tại đa phần các cháu đều trong độ tuổi đến trường, vậy mà làng vẫn chưa có điểm trường. Muốn học tại trung tâm xã Ia Mơr, học sinh phải đi qua gần 20km đường rừng, mùa nắng thì bụi, mùa mưa lầy lội. Thậm chí vào những tháng cao điểm của mùa mưa, đường sá bị cày nát, làng bị cô lập như một “ốc đảo”.

Trong khi đó, chỉ cần qua 7km đường là đến trung tâm xã Ea Rook, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, đường sá đi lại thuận tiện hơn. Do đó, các hộ dân trong làng đều lựa chọn phương án đưa con qua học tại các trường học đứng chân trên địa bàn xã Ea Rook, huyện Ea Súp.

Không chỉ không có trường, mà bệnh xá thôn được xây dựng từ ngày mới thành lập làng giờ cũng chưa có y, bác sỹ. Chị Nguyễn Thị Hương, thanh niên lập nghiệp tại Ia Mơ, cho biết chỉ riêng việc lo học hành, ốm đau của con cái, đã là một cuộc vật lộn đến mệt nhoài.

“Trường học thì chúng em phải đưa sang Ea Súp - Đắk Lắk để cho các cháu học. Mùa mưa đi lại rất vất vả. Đèo con đi là hết nửa ngày rồi, mà đi trường xa nhất là mười mấy cây số, trường gần nhất là khoảng 6km. Cấp cứu thì toàn phải chạy ra Gia Lai hoặc sang Ea Súp”, chị Hương kể.

Trạm y tế xây xong để cỏ mọc

Trẻ em chưa được hưởng chế độ ưu đãi

Vì con em học khác tỉnh nên tất cả các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước các em đều không được hưởng. Dù các bậc cha mẹ đều biết chính sách ưu đãi đối với con em vùng sâu, nhưng khi hỏi thì người dân lại được lý giải một cách mù mờ và đùn đẩy trách nhiệm.

Anh Phạm Văn Hiển, Trưởng làng Ring bức xúc: “Do các cháu do chưa có trường lớp nên phải qua xã Ea Rook, huyện Ea Súp học nhờ. Sang bên đó hỏi chế độ của các cháu thì bên Ea Súp trả lời là hộ khẩu ở đâu thì nhận ở đấy. Hộ khẩu ở Gia Lai thì về bên huyện Chư Prông hỏi. Lên Phòng Giáo dục thì Phòng trả lời phải sang Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Phòng Lao động thì trả lời là học bên nào thì nhận bên đó. Cho nên là hai bên, hai huyện cứ đùn đẩy nhau. Tới giờ này, chế độ được hưởng 2 năm rồi mà các cháu chưa được hưởng một đồng nào. Mong các cấp trên xem chỉ đạo rõ xem bên nào để giải quyết chế độ cho các cháu, cho các cháu đỡ thiệt thòi vì ở vùng sâu, vùng xa”.

Điều đáng nói là tháng 6 năm ngoái, UBND tỉnh Gia Lai đã bàn giao làng thanh niên lập nghiệp cho UBND huyện Chư Prông, huyện lại giao cho UBND xã Ia Mơ quản lý và đổi tên thành làng Ring. Dù biết người dân làng Ring hầu hết khó khăn, nhưng Ia Mơ là xã biên giới đặc biệt khó khăn, nên dù muốn tạo điều kiện cho người dân cũng đành bất lực.

Ông Rơ Chăm Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ kiến nghị: “Làng Ring là làng biên giới, so với xã Ia Mơ thì là làng cuối cùng ở sát biên giới. Nên mong rằng Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để có trường học, trạm y tế để biên chế công nhân viên chức vào trong đó. Xa xôi như thế này, cho nên nếu gặp trường hợp cấp cứu thì sẽ không kịp”.

Để thanh niên gắn bó với làng

Đất đai cằn cỗi, tài nguyên rừng đã bị tàn phá cạn kiệt; trường học, trạm y tế không có, điện và nước sạch thiếu thường xuyên; không việc làm, vốn không có… nên hầu hết các hộ thanh niên chỉ đầu tư sản xuất ở mức cầm chừng, chưa thể tạo ra bước đột phá trong làm ăn phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó việc đi lại khó khăn, chế độ ưu đãi của Nhà nước không được hưởng nên 100 hộ dân ban đầu giờ còn lại 62 hộ. Số còn lại thì đóng cửa thường xuyên để đi làm thuê, làm mướn hoặc đã bỏ đi nơi khác làm ăn. Cũng bởi vậy, đến thời điểm này, làng chưa có hộ gia đình nào thoát nghèo.

Thiết nghĩ, tỉnh Gia Lai cần chỉ đạo Tỉnh đoàn, UBND huyện Chư Prông cùng tìm phương án hỗ trợ người dân làng Ring. Nếu không thì chắc chắn thanh niên không thể lập nghiệp trên vùng đất này theo đúng tiêu chí ban đầu mà dự án đề ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên