Thành phố bên sông

VOV.VN - Thay vì giới hạn ở hữu ngạn sông Mã, thành phố Thanh Hóa tiếp tục phát triển thêm tả ngạn bên sông với nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng.

Dễ chừng hơn mười năm, tôi mới có dịp trở lại thành phố Thanh Hoá và điều làm cho tôi hết sức bất ngờ là sự đổi thay đến kỳ diệu của một thành phố trẻ. Không gian thành phố được mở rộng gấp ba lần với 37 phường xã, hơn 400.000 dân và đóng góp ngân sách cho tỉnh trên dưới 40%.

Thay vì giới hạn địa giới hành chính ở hữu ngạn sông Mã, thành phố tiếp tục phát triển thêm tả ngạn bên sông với nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng. Những công trình kiến trúc tầm vóc được kết hợp giữa không gian truyền thống và hiện đại đã nhanh chóng mọc lên như Công viên Hội An, Công viên Hồ Thành, Hồ Đồng Triệt, Quảng trường Lam Sơn, Nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Văn hoá Tỉnh, Thiền viện Trúc Lâm, Trung tâm thương mại thành phố, Siêu thị Big C, Khách sạn Sao Mai và công trình kiến trúc Hồng Hạc hướng thanh thiên tại cửa ngõ ra vào thành phố; nhiều dự án quy hoạch được thực hiện, các trục đường chính như: Đại lộ đông tây, Quốc lộ 47; Voi Sầm Sơn; đại lộ Nam Sông Mã, đường Nguyễn Hoàng… cùng với cầu Nguyệt Viên, tương lai xây dựng tiếp cầu Đò Đại, cầu Thiệu Khánh… đặc biệt là các tuyến phố trong nội thành được cải tạo, xây mới tạo đà cho việc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị và khu du lịch của thành phố.

Tuy phát triển mạnh mẽ và hiện đại trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội; nhưng thành phố vẫn trân trọng, gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông. Và một trong những điểm nhấn văn hoá ấy là gốm Tam Thọ, thuộc xã Đông Vinh có giá trị lớn về mặt lịch sử.

Cầu Hàm Rồng. (Ảnh: Baodulich)

Những ngày này, thời tiết quá khủng khiếp. Sáng ra đã oi nồng. Mới gần trưa, nhiệt độ ngoài trời đã xấp xỉ 40 độ C. Mọi thứ đều như được rang khô, chiên giòn! Ấy thế mà Đền gốm Tam Thọ lại như được ủ mát dưới những tán cây cổ thụ.

Nằm trong khuôn viên của Đền gốm Tam Thọ là một vườn táo với những cây lớn được cắt ngọn, cành non đã vươn dài và che phủ phía trên là một lớp lưới giảm nhiệt. Quanh các gốc táo và bên những lối đi trong vườn lổn nhổn những mảnh gốm vụn cỡ nửa bàn tay.

Ông Mai Đức Bảo - 76 tuổi, nguyên là trưởng thôn, người nhiều năm được chính quyền xã Đông Vinh giao trông coi ngôi đền này. Ông là dân bản địa, nên khá am tường gốm Tam Thọ. Không chỉ các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam mỗi khi xuống đây tìm hiểu, khai quật đều nhờ ông chỉ dẫn mà những đoàn khách tham quan cũng nài nỉ ông thuyết trình về gốm Tam Thọ. Ông cho hay, ngôi đền này tồn tại từ xa xưa, thờ ông Tổ nghề gốm của làng Tam Thọ. Đền cũ một gian, kèo cột và xà đều bằng đá; còn ngôi đền ba gian này mới được phục dựng lại mấy năm nay.

Ông Bảo tâm sự:

- Khu vực này có căn nguyên của nó. Hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Xuân Phi khi đó là Giám đốc Công ty xây dựng Sông Mã đã về đây đền bù đất của 21 hộ dân, vào khoảng 6-7 ha, với giá 6 triệu đồng/sào và chỗ Cồn Găng là 7 triệu đồng/sào để làm gạch. Khi tiến hành khai thác đất phát hiện rất nhiều mảnh gốm cổ, nên ông đã cho dừng lại (đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chịu thua thiệt gần 1 tỷ đồng đã đền bù cho dân) và báo cáo với tỉnh, đề nghị khoanh vùng lập khu di tích. Năm 2012, xã Đông Vinh của huyện Đông Sơn sát nhập về thành phố, với cương vị là Bí thư cấp uỷ thành phố Thanh Hoá, ông ấy đã quyết định cho khôi phục lại di tích, khuyến khích thành lập bảo tàng gốm Tam Thọ và kêu gọi các nhà đầu tư khôi phục lại làng nghề truyền thống.

- Đúng là duyên lành! - Tôi gật đầu - Thế Bảo tàng gốm đã hoạt động chưa?

- Hoạt động lâu rồi! Chỉ cách đây không xa! Tôi sẽ đưa anh tới!...

Dứt lời, ông vội kéo tôi đến thăm Bảo tàng gốm Tam Thọ ngay gần đó. Tôi thực sự ngỡ ngàng về một khu nhà sàn gỗ truyền thống hai tầng đẹp mắt, đang bảo quản hơn 2.000 hiện vật. Tầng 1 của bảo tàng trưng bày các hiện vật từ nền văn hoá Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng 2000-2500 năm như trống đồng, mũi giáo, bát đồng, lĩnh đồng. Tầng 2 là nơi trưng bày các hiện vật gốm Tam Thọ có niên đại 2000 năm. Nổi bật trong bộ sưu tập gốm Tam Thọ là những hiện vật như chum, vại, chậu, lọ hoa, ché rượu... do các nhà sưu tập nhượng lại hoặc hiến tặng, trong đó phải kể đến một số đồ gốm do bà con làng Văn Vật và Tam Thọ tìm thấy trong quá trình canh tác ở khu vực di tích lò gốm cổ Tam Thọ, xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn (nay là thành phố Thanh Hoá)…

Từ thế kỷ trước, khu lò gốm cổ Tam Thọ được nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển Olov Janse phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1937. Trong các năm từ 1937 - 1939, Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung cổ tại đây. Những phát hiện và công bố của ông về khu lò gốm Tam Thọ đã làm cho khu lò gốm này trở nên nổi tiếng trên thế giới. Và cũng từ di tích gốm Tam Thọ, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học đã xác định Thanh Hoá là nơi phát tích các loại gốm Việt Nam; như ở Hội An (Quảng Nam), cụ Tổ của nghề gốm là người Thanh Hoá, xuất hiện từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá; rồi tại Bát Tràng có đền thờ “Lục vị Thành Hoàng” trong đó còn lưu giữ đôi câu đối của các bậc tiền nhân để lại: "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/ Lan nghiệp tâm hương bái thánh thần" - có nghĩa là người làng Bồ Bát trấn Thanh Hoa đã mang nghề ra Bát Tràng với tấm lòng thơm như hoa lan dâng lên Thánh Thần. Bồ Bát trấn Thanh Hoa xưa chính là Thanh Hóa ngày nay…

Dẫn tôi tham quan những cổ vật gốm Tam Thọ có từ thế kỷ thứ 1 sau công nguyên được trưng bày trang trọng trên các giá gỗ, ông Mai Đức Bảo vô cùng hồ hởi. Tôi cảm giác ông đang rất tự hào về vùng đất truyền thống quê ông vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá cổ xưa.

- Ngoài khôi phục gốm Tam Thọ, - Tôi gợi chuyện - Thành phố Thanh Hoá có chủ trương gì thêm về văn hoá không?

- Tôi chỉ làng nhàng là anh cán bộ thôn, nhưng được cái chuyên tâm về văn hoá cổ nên hiểu chút ít. Tôi biết quan điểm của Lãnh đạo Thành phố là cố gắng làm nổi bật những giá trị văn hoá trên địa bàn, ví dụ như Núi Đọ là một trong những nền văn minh của loài người, là thời kỳ đồ đá cũ cách đây khoảng 150 nghìn năm. Vừa qua, thành phố cũng chủ trương khảo cổ lại nền văn hoá Đông Sơn vì dưới các tầng đáy còn rất nhiều những di chỉ trước và sau 2.000 năm…

                                                ***

Rời Bảo tàng gốm Tam Thọ, tôi tới trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố và cùng anh Hà Huy Tâm - Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin tới quảng trường Lam Sơn phía cuối phố Phan Chu Trinh - bốn mặt giáp với Ga Thanh Hoá, khách sạn Sao Mai, Nhà hát Lam Sơn, Công viên Hồ Thành, Công viên Cây Xanh. Quảng trường Lam Sơn khá bề thế, thoáng đãng, hiện đại; là nơi thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc, các hội chợ triển lãm, các sự kiện lớn của tỉnh và thành phố. Quảng trường cũng là không gian văn hoá lý tưởng để sáng sáng chiều chiều, người dân thành phố hội tụ về đây với các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Tôi nghĩ, khi mà người dân có được một tâm trạng thoải mái thì họ sẽ sống tốt hơn, thân thiện hơn và đương nhiên tầm nhìn được mở rộng, khoáng đạt, suy nghĩ của họ sẽ thoát khỏi những tính toán nhỏ nhoi, hơn thiệt...

Anh Hà Huy Tâm giãi bày:

- Để có được một quảng trường Lam Sơn hoành tráng thế này là cả vấn đề nan giải! Lúc đó, Thành phố rất quyết liệt. Giải toả tới 7 lần! Ban đầu sự ủng hộ không nhiều. Các anh lãnh đạo lập luận rằng, quảng trường là hội trường của nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị có hội trường; nếu thành phố không có một nơi để sinh hoạt chung thì ý thức cộng đồng sẽ không có. So với thời giá hiện nay phải tiêu tốn từ 2000-3000 tỉ đồng mới làm nổi một quảng trường như vậy, nhưng khi ấy sự đầu tư từ Nhà nước không đáng kể. - Anh Tâm hướng sang bên phải - Anh xem, Nhà hát Lam Sơn cũng là một phát kiến của thành phố!

 

Tôi quay sang phía Nhà hát Lam Sơn quy mô 650 chỗ ngồi, có dáng dấp của một nhà hát vừa hiện đại vừa cồ kính. Nếu xét tổng thể thì đây là một sự sắp đặt hài hoà về kiến trúc đô thị. Bốn mặt của Quảng trường Lam Sơn đều là những điểm nhấn về kiến trúc: Nhà hát Lam Sơn tráng lệ, Khách sạn Phù Đổng, Sao Mai uy nghi, phố Phan Chu Trinh rộng dài hiện đại và nhấp nhô các công trình cao cấp đa dạng về phong cách.

-Khi đang thực hiện dự án Quảng trường Lam Sơn, Lãnh đạo thành phố đã có ngay ý tưởng xây dựng một nhà hát riêng. - Hà Huy Tâm giới thiệu tiếp – Các anh ấy đề nghị kiến trúc sư chụp một số ảnh của Nhà lớn Hà Nội, Nhà hát lớn T.P Hồ Chí Minh và nhà hát gốc tại Paris, tạo ra một nhà hát với phong cách tân cổ điển, trình lãnh đạo tỉnh duyệt luôn. Nhanh tới mức không ai ngờ được!

Tôi nhắc lại:

- Anh vừa nói Quảng trường Lam Sơn phải giải toả tới 7 lần?

- Đúng vậy! Anh nhìn xem, ngay trước mặt là phố Phan Chu Trinh, vốn xập xệ nhếch nhác, nhưng nay là một tuyến phố đẹp của thành phố. Tại đây có một gia đình kiện cáo dai dẳng hơn ba thập kỷ. Một lần đoàn cưỡng chế đến, hai bên đã xảy ra xô xát.

- Hơn ba thập kỷ ư? Anh có thể dẫn chứng?

Hà Huy Tâm không ngần ngại đưa tôi đến gặp ông Đỗ Cao Thắng, hơn 60 tuổi, nhà ở số 6 phố Phan Chu Trinh. Thời trẻ, ông từng tham gia quân ngũ, làm việc tại Học viện Hải quân, rồi sang Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và sau đó về công tác tại Trường Đại học Văn hoá. Bố ông là thương binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và gia đình ông cư ngụ tại phố này từ năm 1930. Hơn 30 năm, thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng do kê khai đền bù bất hợp lý, gia đình ông đã liên tục khiếu kiện tới các cấp. Trong một lần các cơ quan chức năng với hơn 100 người đến cưỡng chế, lúc ấy chỉ có bố ông hơn 80 tuổi, cô em dâu và bản thân ông ra sức cản ngăn. Kết quả sau một tháng, cơ quan chức năng mời ông cùng cô em dâu lên trụ sở, lập biên bản phạm pháp quả tang và bắt giam luôn. Rồi toà án xử ông 18 tháng tù giam, cô em dâu 2 năm tù giam và bố ông đang điều trị cột sống tại Quân y Viện 108 bị xử vắng mặt 1 năm tù cho hưởng án treo.

Nhắc lại chuyện cũ, ông Đỗ Cao Thắng vẫn còn bức xúc. Mặt ông rân đỏ. Tôi hỏi:

- Sau cùng thì việc đền bù giải toả thế nào?

- Khi lên chủ tịch thành phố, tôi thấy ông Phi làm được nhiều việc, từ cải tạo môi trường, quy hoạch chỉnh trang đô thị, rồi quan tâm đến những người có thu nhập thấp và gia đình chính sách nên người dân rất phấn khởi. Ngay như với gia đình tôi, ông ấy giải quyết khách quan, không hề thiên vị và đúng với tinh thần của pháp luật, nên chúng tôi nhất trí, chấp nhận đền bù ngay. Việc nhà tôi giải quyết triệt để, thấu tình đạt lý thì đương nhiên những hộ khác được coi là “bong ke” ở phố Phan Chu Trinh đều ổn thoả hết!...

Kể xong chuyện này, ông Thắng bật cười sảng khoái. Gương mặt ông không còn căng thẳng, bức bối như lúc trước. Tôi vui với ông nên cũng bật cười theo. Đúng là trong công tác giải toả cưỡng chế hay bất kể một việc nào đó, nếu chỉ có mạnh tay, cứng nhắc mà thiếu đi sự cảm thông chia sẻ, sự mềm dẻo khôn khéo thì nhiều khi không chỉ hỏng việc mà còn vô tình tạo thành những điểm nóng, những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội.

** *

Có thể thấy, mọi sự phát triển nếu xuất phát từ nền tảng văn hoá thì sự phát triển đó luôn mang tính ổn định và bền vững lâu dài. Bởi thế mà giá trị văn hoá hiện nay không thể thoát ly những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ suy nghĩ đó, Nguyễn Xuân Phi đã trăn trở rất nhiều với mong muốn làm sao tạo nên một diện mạo mới cho thành phố Thanh Hoá trở thành “đô thị thông minh, công dân thân thiện”.

Là người được đào tạo bài bản về chuyên ngành kinh tế xây dựng tại Bungari và ở lại đó làm kinh tế, sau 14 năm anh trở về làm việc cho Công ty xây dựng Sông Mã trực thuộc thành phố Thanh Hoá. 17 năm, từ một cán bộ kỹ thuật, anh trưởng thành và đảm nhiệm cương vị giám đốc. Năm 2007, anh được tỉnh điều động sang làm chủ tịch thành phố 3 năm và từ năm 2010 đến nay là Bí thư thành uỷ Thành phố Thanh Hoá.

Dẫu lần đầu tiếp xúc, nhưng tôi khá ấn tượng về phong cách giản dị, nói năng nhỏ nhẹ, điềm đạm và kiệm lời của anh. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ điềm tĩnh ấy lại là một con người quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Mới đây, anh vừa hoàn thành đề án cấp nhà nước “Xây dựng thành phố Thanh Hoá hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh”.

Nguyễn Xuân Phi chia sẻ:

- Muốn xây dựng đô thị thông minh, công dân thân thiện thì phải song hành vừa xây dựng thành phố hiện đại vừa phải xây dựng con người đô thị văn minh, thân thiện. Thành phố có hiện đại đến đâu, nhưng an ninh trật tự đô thị và tình người không có thì chưa phải là thành phố đáng sống. Trước đây, tại những quãng đường vắng vào buổi tối thường rất nguy hiểm. Giờ thì khác hẳn, người dân đi lại thoải mái giữa đêm khuya, xe ô tô để ngoài đường không hề mắt cắp phụ tùng.

Có được thực tế này thật đáng ghi nhận. Quả thật hơn 10 năm qua, diện mạo của thành phố Thanh Hoá đã đổi thay khá nhiều từ kiến trúc đô thị đến ý thức của người dân. Trước kia mỗi khi về Thanh Hoá chắc hẳn ai cũng phải ngao ngán thở dài vì những chiêu trò chụp giật, gây gổ của người dân bản địa với mục đích là “móc túi” của khách hàng càng nhiều càng tốt. Hình ảnh về một Thanh Hoá thật nhom nhem, xấu xí, bất an và luôn bức xúc dư luận. Còn nhớ mười mấy năm trước, có lần tôi uống một chai bia ở vỉa hè, khi thanh toán, chủ quán tính cả tiền bia, tiền cốc, tiền đá, tiền ghế ngồi và tiền trông xe, tất thày hơn 100 ngàn đồng. Thế nhưng hiện tượng này lâu nay đã không còn. Tất cả những chiêu trò chặt chém đều bị xử lý mạnh tay thông qua đường dây nóng. Đồng thời với việc đó, các ổ nhóm lưu manh, cờ bạc, trộm cắp, tiêm chích ma tuý... đồng loạt bị triệt hạ.

Từ những đổi thay này, nhất là về kiến trúc đô thị đã tạo nên hình ảnh đẹp không chỉ cho du khách thập phương mà ngay cả những người con Thanh Hoá xa quê lâu ngày trở lại. Và đương nhiên khi mà đời sống văn hoá hoà nhập vào cuộc sống thường nhật thì ý thức của người dân sẽ đổi khác. Tư duy sẽ trở nên thân thiện, văn minh hơn.

- Muốn tạo được sự thân thiện với người dân, trước hết phải giải quyết được tất cả những bức xúc, đồng thời đảm bảo phúc lợi cho họ. - Bí thư Nguyễn Xuân Phi dẫn chứng - Toàn thành phố có 420 phố thôn thì có 420 nhà văn hoá. Tôi khẳng định là không một đô thị nào trong cả nước làm được điều ấy. Để mỗi phố thôn có được một nhà văn hoá, chúng tôi phải áp dụng rất nhiều biện pháp. Giả như có hộ nào đó định bán nhà thì vận động họ bằng cách này hay cách khác bán lại cho thành phố theo giá thoả thuận và ngôi nhà đó sẽ trở thành nhà văn hoá cộng đồng.

Quả là cách làm hay! Và ngay như việc truy bắt nạn đua xe trái phép, thành phố đã có giải pháp khá thông minh, an toàn là dùng những búi lưới bỏ đi, rải xuống đường, xe chạy qua là bị cuốn vào bánh. Sáng kiến này đã gây bão dư luận và bị nâng lên thành quan điểm là không nhân văn. Sau khi Lãnh đạo thành phố trực tiếp giải thích trên các phương tiện truyền thông để bảo vệ chính kiến thì dư luận mới thấu hiều và đồng tình ủng hộ.

Tôi hỏi tiếp:

- Cùng với giao thông và trật tự đô thị, thành phố giải quyết vấn đề con nghiện thế nào?

- Sau giao thông, chúng tôi nghĩ ngay là phải có riêng một chỉ thị về quản lý con nghiện. - Bí thư Nguyễn Xuân Phi dẫn giải - Trên giấy tờ quản lý, cả thành phố chỉ có 300-400 con nghiện, nhưng thực tế tại các khu đô thị và những chỗ vắng vẻ có rất nhiều bơm kim tiêm khiến dân chúng vô cùng bất an. Qua đó cho thấy con nghiện còn rất nhiều! Biện pháp trước đây là đưa con nghiện vào trại cai nghiện tập trung, song đa phần đều tái nghiện. Khi Chính phủ có chủ trương sử dụng Methadone miễn phí, chúng tôi nhanh chóng triển khai lập ra 5 Trung tâm. Khi được tuyên truyền thì người nghiện đến rất đông vì do được sử dụng cai nghiện miễm phí và đã dùng thuốc này thì ngày nào cũng phải đến Trung tâm. Số con nghiện tăng lên gấp 5 lần và nếu tính theo tỉ lệ thấy rất cao, trên 0,5 và gần 1% dân số. Thành phố Thanh Hoá 400 nghìn dân với hơn 2.000 con nghiện không làm ra của cải, chỉ tiêu tốn riêng vào ma tuý thì số tiền hoang phí thật kinh hoàng. Khi chủ trương này được triển khai đã tác động rất lớn đến an ninh trật tự và kinh tế xã hội…

Tôi thật sự ấn tượng trước những cách làm sáng tạo, những suy nghĩ táo bạo và tư duy mang tính dự báo của Lãnh đạo thành phố Thành phố Thanh Hoá. Qua đề án mở rộng thành phố lần thứ hai của Nguyễn Xuân Phi, tôi biết anh đang còn ấp ủ nhiều ý tưởng lớn với mong muốn đưa Thanh Hoá trở thành một đô thị quy mô hai bên bờ sông Mã; đường bộ, đường sắt gắn với cao tốc Hà Nội - Vinh và tương lai sẽ nối trục quốc lộ 6 với các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu để các tỉnh này vào Nam hay ra biển đều thuận lợi - sẽ giảm tải đáng kể cho Hà Nội, Hải Phòng. Đây là lợi thế không chỉ dành riêng cho Thanh Hoá mà còn tác động không nhỏ tới sự phát triển chung của các tỉnh Tây Bắc.

Và hơn thế nữa, Thành phố Thanh Hoá lại có con sông Mã chảy qua Sơn La và sang Lào - mà con sông linh thiêng này lại được hình thành từ vết nứt của vỏ trái đất nên chứa đựng rất nhiều khoáng sản dọc hai bên bờ sông. Nếu đề tài của anh được triển khai, tôi tin rằng, thời gian không xa, Thanh Hoá sẽ trở thành một thành phố tiềm năng mang tầm khu vực - một thành phố hiện đại, văn minh - một vùng đất địa linh nhân kiệt - dọc hai bên bờ sông Mã huyền thoại mà anh hùng!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghề báo chẳng khác nào nghề đánh cá
Nghề báo chẳng khác nào nghề đánh cá

VOV.VN - Nghề báo rất ấn tượng và cao quý. Sức mạnh và sức hấp dẫn của nó nằm ở chỗ bám rễ trong thực tiễn cuộc sống chứ không phải là sự tưởng tượng chủ quan.

Nghề báo chẳng khác nào nghề đánh cá

Nghề báo chẳng khác nào nghề đánh cá

VOV.VN - Nghề báo rất ấn tượng và cao quý. Sức mạnh và sức hấp dẫn của nó nằm ở chỗ bám rễ trong thực tiễn cuộc sống chứ không phải là sự tưởng tượng chủ quan.

Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận?
Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận?

Ông Huỳnh Thái Dương, Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận, phải thốt lên rằng đó là "vụ việc kinh hoàng, không ai tưởng tượng được".

Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận?

Ai sẽ trả lời cho chúng ta những câu hỏi ở Bình Thuận?

Ông Huỳnh Thái Dương, Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận, phải thốt lên rằng đó là "vụ việc kinh hoàng, không ai tưởng tượng được".

Trường Sa trong trái tim của những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo
Trường Sa trong trái tim của những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo

VOV.VN -Háo hức, chờ đợi là cảm xúc của những người lần đầu tiên đến Trường Sa. Họ đều mong muốn các chiến sĩ hãy chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Trường Sa trong trái tim của những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo

Trường Sa trong trái tim của những người lần đầu tiên đặt chân lên đảo

VOV.VN -Háo hức, chờ đợi là cảm xúc của những người lần đầu tiên đến Trường Sa. Họ đều mong muốn các chiến sĩ hãy chắc tay súng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Những đứa trẻ bị mạng xã hội bạo hành
Những đứa trẻ bị mạng xã hội bạo hành

VOV.VN -Khi đập vỡ kết cấu gia đình để giải cứu nạn nhân, tôi cho rằng chính cư dân mạng mới là những kẻ bạo hành hung hãn nhất!

Những đứa trẻ bị mạng xã hội bạo hành

Những đứa trẻ bị mạng xã hội bạo hành

VOV.VN -Khi đập vỡ kết cấu gia đình để giải cứu nạn nhân, tôi cho rằng chính cư dân mạng mới là những kẻ bạo hành hung hãn nhất!