Thanh tra lao động: Thiếu và không chuyên

Tại Hà Nội, với khoảng 110.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, song số lượng thanh tra an toàn lao động có chuyên môn chỉ có 3 người.

Chỉ có 4,4% số doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động

Hơn 3.000 vụ tai nạn lao động, 279 người chết, gần 700 người bị thương nặng, thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đồng - đây là những con số đã được thống kê về các vụ tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2012 trên cả nước. So với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2011, số vụ tai nạn tăng 2,2%, số người chết do tai nạn lao động tăng 9,9%.

Theo ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số liệu về các vụ tai nạn lao động chỉ mang tính chất tương đối, việc tăng hay giảm các vụ tai nạn hàng năm phụ thuộc rất nhiều vào công tác thống kê. Năm 2011, cả nước chỉ có 4,4% số doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động. Tuy nhiên, số tai nạn chết người có thể bảo đảm độ tin cậy vì liên quan đến nhiều cơ quan chức năng; còn những vụ “lẻ tẻ” thì doanh nghiệp không báo cáo, trốn tránh, trong khi lực lượng thanh tra mỏng, không thể bao quát hết được.

Người dân bốc đá không bảo hộ lao động, lỗi thuộc về ai?

Ông Phan Văn Mậu, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội thành phố Hà Nội cũng cho biết: Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về các vụ tai nạn lao động và số người chết (trên 80% số vụ tai nạn lao động nặng, gây chết người rơi vào ngành xây lắp). Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 110.000 doanh nghiệp, trong khi số lượng báo cáo về tai nạn trong năm 2011 chỉ có… 19 đơn vị.

Cần có phiên hiệu thanh tra an toàn lao động

Những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, với lực lượng lao động ngày một tăng cao thì tỷ lệ thuận với đó là số vụ tai nạn lao động. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội. Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, những cái chết thương tâm, những tổn thất nặng nề về kinh tế đều để lại hệ lụy không nhỏ. Tuy nhiên, việc xây dựng một môi trường an toàn lao động là thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý, trong đó có công tác thanh tra.

PGS.TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng: Việc không có phiên hiệu thanh tra an toàn vệ sinh lao động là một nguyên nhân làm cho công tác thanh tra nhà nước về an toàn lao động thời gian qua bị sa sút, giảm về số lượng vá sút kém về chất lượng.  

Ông Phan Đăng Thọ (giữa) và ông Phan Văn Mậu trong phòng thu của VOV

Ông Phan Đăng Thọ cho biết, theo quy định, không có lực lượng thanh tra riêng về an toàn lao động mà chỉ có thanh tra chung – thực hiện chức năng thanh tra về an toàn lao động. Tuy nhiên, lực lượng này cũng không đáp ứng được yêu cầu thực tế, do vậy việc phát huy hiệu quả của các đợt thanh tra còn hạn chế.

Cả nước hiện có 455 thanh tra viên và cán bộ thanh tra trong ngành lao động, trong đó lực lượng chuyên trách về an toàn lao động có khoảng 50 người. Hà Nội chỉ có 17 thanh tra lao động và số có chuyên môn chuyên sâu về an toàn lao động chỉ có khoảng… 3 người.

“Bên cạnh thiếu hụt về số lượng, thì chất lượng của thanh tra viên cũng là điều chúng tôi phải suy nghĩ tới. Vì trong ngành lao động, chưa có chương trình chính thống đào tạo về lĩnh vực này, chủ yếu là tự đào tạo”, ông Thọ cho biết thêm.

Thống kê của Cục an toàn Lao động (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho thấy, trong năm qua cả nước xảy ra 5.896 vụ TNLĐ, khiến hơn 6.000 người gặp nạn. Ngành nghề xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng là khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy… Tổng phí tổn do TNLĐ xảy ra trong năm 2011 lên đến gần 300 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản hơn 5,8 tỷ đồng. Hơn 30% nguyên nhân xảy ra TNLĐ xuất phát từ sự lơ là của các chủ doanh nghiệp.

Thế nên, dư luận cho rằng, thanh tra lao động giống như “cưỡi ngựa xem hoa”, xử lý “xuê xoa” đã tồn tại rất nhiều năm nay. Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, với gần 300 người chết vì tai nạn lao động, song chưa có ai bị truy tố khi để xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Lý giải vấn đề này, ông Phan Đăng Thọ cho biết, thanh tra lao động chỉ có thẩm quyền chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra xem xét khởi tố, còn việc khởi tố không phải thẩm quyền của ngành lao động.

Theo ông Thọ, sự “quá tải” của lực lượng thanh tra lao động là vấn đề “muôn thuở” và Việt Nam phải mất nhiều năm nữa mới có thể đáp ứng được phần nào yêu cầu về lực lượng này. Bởi theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các nước đang phát triển như nước ta, trung bình từ 25.000 – 40.000 lao động thì cần có 1 thanh tra viên về lao động. Như vậy, với khoảng 43 triệu người trong độ tuổi lao động như ở nước ta phải cần tối thiểu 1.500 thanh tra lao động.

Ông Phan Văn Mậu nói: Khi không có lực lượng chuyên ngành như thanh tra an toàn lao động thì sẽ khiến những người hoạt động trong lĩnh vực này không yêu ngành, không đam mê và chắc sẽ không thành công trong công việc – thế nên, việc bảo đảm an toàn cho người lao động sẽ bị buông lỏng và tính mạng của người lao động ở môi trường nguy hiểm vẫn thực sự là bài toán nan giải của ngành lao động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên