Tháo gỡ “di sản độc hại” tồn tại 40 năm của làng tái chế nhựa Minh Khai
VOV.VN - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết "di sản độc hại" tại làng tái chế nhựa Minh Khai là khoảng 150.000 tấn rác thải nhựa không thể tái chế.
"Di sản nhựa"
150.000 tấn rác thải nhựa không thể tái chế, không thể chôn lấp mới chỉ là con số của một bãi. "Nếu tính cả trong khu dân cư thì số lượng phải 150.000 tấn nữa", chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm cũ – ông Vũ Văn Sữa cho biết.

Rác sau công đoạn tái chế, tạo sản phẩm được đưa ra bãi. Khi bãi quá tải thì rác để tràn xuống sông, ao, hồ. "Vừa rồi huyện triển khai đường ĐH 15 chỉ một đoạn đã đào mấy trăm tấn, phát sinh gần 50 tỉ tiền xử lý rác" - ông Sữa thông tin. Ông cũng như các hộ dân đều mong muốn các nhà khoa học khảo sát kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp phù hợp.
Làng tái chế nhựa Minh Khai có địa chỉ tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên cũ, từ ngày 1/7/2025 là xã Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên mới.
Làng hình thành từ những năm 1980, hiện nay có khoảng 585/1.126 hộ tham gia, xử lý 700–1.000 tấn nhựa/ngày.
Quy trình sản xuất, tái chế như sau: thu gom & phân loại - rửa & làm sạch - nấu chảy & tạo hạt - sản xuất sản phẩm. Toàn bộ quy trình này tạo khí thải, nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường. "Di sản độc hại" đó là kết quả của quá trình tái chế thủ công tự phát, không kiểm soát, khi mọi thứ không dùng được nữa đều bị đổ ra môi trường.
Ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam, chỉ rõ đây chính là nguồn cơn của ô nhiễm nhựa. "Vi nhựa có kích thước rất nhỏ, dễ phát tán ra nước, đất...nếu không kiểm soát được sẽ tác động trực tiếp đến con người".
Không chỉ là vi nhựa, kết quả khảo sát do UNDP và công ty tư vấn kỹ thuật và môi trường của Hà Lan phối hợp thực hiện cũng cho thấy nồng độ vi nhựa trong đất và nước tại Minh Khai dao động từ 9.000 đến 26.000 hạt/kg, mức rất cao nếu so với các làng nghề khác. Mặc dù các chỉ số kim loại nặng và dioxin/furan hiện chưa vượt ngưỡng quy chuẩn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối. Hậu quả về lâu dài là nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng cây trồng, thực phẩm và sức khỏe thế hệ kế tiếp.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia đã phân tích nhiều phương án xử lý, từ chôn lấp, thiêu đốt, đến đồng xử lý... Nhưng mọi giải pháp đều có giới hạn cả về công nghệ, tài chính lẫn cơ chế. Không có cách xử lý nào là tối ưu, đặc biệt với khối lượng rác đa thành phần và khó phân loại như ở Minh Khai.
Theo phân tích từ công ty tư vấn kỹ thuật và môi trường của Hà Lan, phương án được cho là tối ưu đó là giải pháp tổng hợp: phân loại – đồng xử lý – tái sử dụng – chôn lấp an toàn.
"Chúng tôi sử dụng mô hình phân tích quyết định đa tiêu chí để so sánh các phương án, xem xét yếu tố như thời gian, hiệu quả môi trường, chi phí... để lựa chọn giải pháp hiệu quả nhất và khả thi nhất" - Chuyên gia quốc tế Rutger Smeenk nhấn mạnh vai trò của phương pháp đánh giá đa tiêu chí (MCDA).
Nhưng dù lựa chọn là gì, rào cản lớn nhất vẫn là kinh phí. Theo ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ Chương trình UNDP, trong ngắn hạn 5 năm tới khi chưa đầu tư được vài trăm tỉ, chưa tìm nguồn lực thì việc ngăn chặn rò rỉ, quản lý, đóng khu vực tập kết rác, lấy mẫu thường xuyên, quan trắc nước ngầm là điều cần làm trước mắt.
"Khi mà xoay được nguồn vốn sẽ kích hoạt các phương pháp xử lý sau này. Ví dụ như đồng xử lý hoặc phương án tổng hợp" - ông Vĩnh nói.
Đó là cách làm có tính thực tiễn, tránh rơi vào tư duy “có tiền mới làm được”. Việc khoanh vùng cách ly, kiểm soát phát tán là bước đi cần thiết để mua thời gian, giảm tác động lan truyền, trong khi chờ giải pháp dài hạn.
Minh Khai không phải là làng nghề duy nhất gánh hậu quả từ chính sự phát triển thiếu kiểm soát. Nhưng nếu giải quyết được bài toán rác nhựa ở đây, không chỉ giúp hồi sinh một cộng đồng, mà còn tạo nên một mô hình mẫu cho cả quốc gia trong xử lý ô nhiễm nhựa làng nghề.
Ngăn chặn nguy cơ tái diễn ô nhiễm
Bài toán đặt ra với làng tái chế nhựa Minh Khai là làm sao vừa xử lý triệt để khối lượng rác tồn đọng lên tới 150.000 tấn, vừa ngăn chặn được nguy cơ tái diễn tình trạng ô nhiễm do tái chế nhựa thủ công.

Ông Trần Đăng Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề.
"Theo quy hoạch sử dụng đất và phân vùng môi trường theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh thì khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt và quy hoạch là khu dân cư. Vì vậy hướng của chúng tôi là toàn bộ hoạt động tái chế nhựa sẽ di chuyển khỏi khu dân cư và tập trung vào những nơi được quy hoạch, phù hợp với phân vùng môi trường, phù hợp với sức chịu tải môi trường của địa phương" - ông Đăng Anh trả lời VOV2.
Hưng Yên đã triển khai nhiều giải pháp để không làm tăng ô nhiễm tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai. Đó là thành lập các chốt kiểm tra phương tiện lưu thông, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu khi đưa vào làng.
Ông Đăng Anh nhận định phương án này sẽ tiếp tục duy trì để việc tái chế nhựa trong làng chỉ thực hiện ở giai đoạn 1 và 2.
Về phương án tổng hợp mà các chuyên gia đề xuất, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết cần tính toán cụ thể hơn để xem lượng chôn lấp, đồng xử lý hay đốt là bao nhiêu?
"Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ của các cơ quan, các tổ chức liên quan, hỗ trợ chúng tôi về việc xử lý rác thải tồn đọng", ông Đăng Anh nói.
Rác không chỉ là vấn đề môi trường, mà là chi phí kinh tế khổng lồ nếu không xử lý kịp thời. Mỗi một mét khối rác để lại hôm nay có thể trở thành hóa đơn triệu đồng trong tương lai.