Thắp niềm tin từ lớp xóa mù chữ cho đồng bào Mông ở Sơn La
VOV.VN - Tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có một lớp học đặc biệt được mở vào buổi tối, với hơn 40 học viên 100% là đồng bào dân tộc Mông ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Đã thành thông lệ, sau bữa tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, chị Sồng Thị Vàng, 41 tuổi, ở tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) lại tranh thủ sắp xếp việc gia đình để cùng chị em phụ nữ đến tham gia lớp học xóa mù chữ do Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 19/5 tổ chức. Dù ở xa trường, nhưng hôm nào chị Vàng cũng là người có mặt sớm nhất.
Nỗ lực uốn từng nét chữ, chị Vàng chia sẻ: “Do gia đình khó khăn, nên trước đây tôi không được đi học. Khi biết có lớp dạy xóa mù và phổ biến kiến thức, tôi đã xin đi học. Hàng ngày, dù việc nương rẫy rất bận rộn, nhưng tôi vẫn thu xếp để đến lớp đúng giờ, cố gắng nhớ từng con chữ. Từ khi biết đọc, biết viết, tôi học được thêm nhiều kiến thức cho cuộc sống hàng ngày”.
Đã có chồng và con nhỏ, cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng chị Giảng Thị Ly, cùng ở Tiểu khu Pa Khen vẫn hăng hái đến lớp học với khát khao được biết cái chữ. Cũng giống chị em khác trong lớp, do gia đình nghèo, lại đông anh em, nên trước đây, chị Ly phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy và không được đi học. Bây giờ được tham gia lớp học xóa mù chữ, chị đã biết viết, biết đọc và làm những phép tính đơn giản, giúp ích cho chị rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
“Khi được đi học tôi đã biết tính toán, khi mình bán cái gì mà người ta đưa tiền cho mình, mình biết lấy bao nhiêu và trả lại bao nhiêu, rất thuận lợi; người ta nhờ viết gì tôi cũng viết được, nếu phải ký tên thì tự mình viết được, không cần nhờ người khác như trước. Có lớp học xóa mù chữ này tôi rất vui vì mình không còn mù chữ nữa”.
Lớp học đặc biệt ở Tiểu khu Pa Khen được mở từ tháng 4/2021 tại điểm trường Pa Khen 1 và Pa Khen 2. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến tháng 5 lớp phải tạm nghỉ để phòng, chống dịch. Đầu tháng 9 vừa qua, lớp được mở lại để đón chị em tiếp tục đi học.
Tham gia lớp học, các học viên được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về: Nghe, nói, đọc, viết chữ Quốc ngữ và một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy xóa mù chữ, lớp học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, lối sống văn hóa hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu… Kết thúc khóa học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu sẽ chỉ đạo nhà trường tổ chức cho các học viên làm bài cuối khóa và cấp giấy chứng nhận cho các học viên đủ tiêu chuẩn.
Điểm chung của các học viên lớp xóa mù chữ là mọi người đều là những lao động chính trong gia đình, ban ngày họ phải tham gia lao động sản xuất, tối về họ cùng nhau tranh thủ đến lớp để học chữ. Nhìn những bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót từng nét chữ, ai nấy đều khâm phục ý chí, quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.
Cô giáo Trần Thị Huy, giáo viên đứng lớp cho biết, anh chị em học viên ai cũng rất tích cực đi học bất kể trời mưa rét hay nắng ấm, vì vậy, các thầy, cô giáo ai cũng cố gắng xây dựng và lựa chọn phương pháp dạy để học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu, để học viên thêm hứng khởi mỗi khi đến lớp. Trong thời gian tạm nghỉ để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, các thầy, cô trong trường vẫn thường xuyên động viên, thăm hỏi, trao đổi thông qua điện thoại và hướng dẫn các học viên tự ôn luyện bài tại nhà.
Với cô Huy, đây là lần thứ 2 cô nhận đứng lớp xóa mù chữ, do đó, cô rất hiểu và luôn gần gũi, cũng như thường xuyên đến gặp gỡ gia đình để chia sẻ giúp cho các học viên có điều kiện thuận lợi nhất đến lớp học. Cô cũng nhờ những người biết nhiều hơn giúp đỡ các học viên chưa biết, biết ít. “Các bài giảng dạy cũng cần có phương pháp ngắn gọn, xúc tích nhất để các học viên dễ tiếp thu”, cô giáo Trần Thị Huy cho biết thêm.
Thầy giáo Phạm Minh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 19/5 thông tin, để tiếp tục nâng cao chất lượng các lớp xóa mù chữ, hiện nhà trường đang tiếp tục điều tra, rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ, tái mù chữ ở các trình độ khác nhau ở độ tuổi từ 15 đến 60 trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các tiểu khu, trưởng dòng họ và với người dân đã học hết lớp 9, lớp 10 để tuyên truyền tới từng gia đình động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả. Đồng thời khuyến khích giáo viên đăng kí tình nguyện tham gia dạy lớp xóa mù chữ.
Trong quá trình dạy học, kết hợp trang bị thêm cho học viên những kiến thức kỹ năng sống cơ bản để họ tự phục vụ bản thân và gia đình, như: phòng chống dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, phòng tránh dịch bệnh theo mùa, kĩ năng phòng - chống cháy nổ, đuối nước… Từ đó góp phần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tại địa phương một cách sâu rộng và thiết thực.
Theo ông Vương Văn Học, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu, hiện nay tỉ lệ mù chữ trên địa bàn huyện đã giảm đi rất nhiều, tỷ lệ mù chữ mức độ 1 còn khoảng hơn 1%, mức độ 2 trên 2% và mức độ 3 trên 7%.
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đang tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ, phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng số người độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi chuẩn biết chữ đạt trên 97%, đặc biệt các xã khó khăn sẽ phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi từ 15 đến 35 là trên 95%. .
Việc mở các lớp học xóa mù chữ thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, thắp niềm tin về cuộc sống tốt đẹp đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại các địa phương trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng, của tỉnh Sơn La nói chung./.