Thay đổi hình ảnh người thầy thuốc
(VOV) -Hình ảnh người thầy thuốc sẽ được xây dựng qua kế hoạch xây dựng văn hóa ứng xử cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên.
Đây là lần đầu tiên, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên được quán triệt sâu sắc những nội dung của Bộ quy tắc ứng xử của nhân viên ngành y tế; trong đó có 30 hành vi cán bộ, nhân viên ngành y tế phải điều chỉnh nhằm làm thay đổi hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người bệnh và dư luận xã hội.
Quyết tâm của Bộ Y tế thu hút sự quan tâm của dư luận. Không chỉ các bệnh nhân và người nhà của họ, mà toàn xã hội đã hy vọng sự thay đổi lớn lao từ nhận thức đến hành động của đội ngũ nhân viên ngành y tế. Khoảng 45% số bệnh nhân và người nhà bệnh nhân từng không hài lòng với đội ngũ nhân viên, cũng như các dịch vụ của ngành y tế khi đến bệnh viện trước đây và 10% bị quát tháo, hoặc phải hứng chịu thái độ cửa quyền, hách dịch… mong chờ sẽ được nhận lời “xin lỗi”, hay “cảm ơn” từ người thầy thuốc. Người bệnh sẽ không còn phải khúm núm, hay tìm cách lo lót phong bì cho nhân viên y tế mỗi khi đến bệnh viện. Ngược lại, cán bộ, nhân viên ngành y phải cảm ơn bệnh nhân đã đến bệnh viện. Thậm chí, bác sỹ phải xin phép trước khi bắt tay vào khám bệnh cho bệnh nhân.
Bệnh nhân chính là khách hàng, “thượng đế” của bệnh viện, cũng như ngành y tế. Chính họ là những người mang lại “công ăn, việc làm”, nguồn thu nhập cho đội ngũ nhân viên ngành y tế; làm tăng thêm nguồn tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh. Thực tế hiện nay, nguồn ngân sách Bộ Y tế cấp cho các bệnh viện chỉ đáp ứng được khoảng 50% chi phí, còn lại lấy từ nguồn tiền trả viện phí của bệnh nhân. Bởi vậy, khong có lý do gì để biện minh cho thái độ thiếu tôn trọng bẹnh nhân của bất cứ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nào.
Ngược lại, cán bộ nhân viên ngành y phải coi bệnh nhân vừa là khách hàng, vừa là ân nhân. Phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm và đặc biệt phải thay đổi cách ứng xử đối với người bệnh. Dù việc thay đổi cách giao tiếp, ứng xử này không quyết định nhiều đến kết quả khám chữa bệnh, nhưng đây là một việc được Bộ Y tế xác định phái làm ngay để thay đổi hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người bệnh và dư luận xã hội; tạo hiệu ứng tốt cho ngành trong bối cảnh có quá nhiều lời kêu ca, phàn nàn về cơ sở dịch vụ, nhất là thái độ thiếu tôn trọng, thậm chí là hách dịch đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngành y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân.
Chủ trương của Bộ Y tế là hướng đến mục tiêu tốt đẹp: làm thay đổi mối quan hệ giao tiếp giữa người thầy thuốc với bệnh nhân, tiến tới nâng cao vị thế của người bệnh. Vậy nhưng, thay đổi một thói quen tồn tại nhiều năm nay không phải dễ, càng không thể là việc có thể làm xong trong một sớm, một chiều. Bộ Y tế sẽ có cơ chế giám sát và xử lý như thế nào đối với những trường hợp vi phạm y đức, vẫn cần những biện pháp xử lý mạnh tay hơn.
Không ai có thể tránh khỏi quy luật “sinh – lão – bệnh – tử”. Bệnh nhân và người nhà của họ chắc chắn sẽ dễ chịu và ấm lòng hơn với những hành vi thân thiện của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên. Những hành vi đó không khó để thực hiện bởi nó không phải là cơ sở vật chất, không phải là những điều kiện cao siêu, mà có sẵn trong mỗi người như ánh mắt, nụ cười thân thiện, hay nói đúng hơn đó chính là đạo đức, tính nhân văn, là thái độ tôn trọng, sẻ chia của nhân viên ngành y tế đối với bệnh nhân và người nhà của họ./.