Thấy gì từ dòng chảy lao động an toàn ở Lào Cai?

VOV.VN - Bên cạnh những dòng người lao động mất việc do Covid-19 phải hồi hương bất đắc dĩ, tại Lào Cai đang hình thành một dòng chảy lao động khác an toàn cập bến nhiều cơ hội việc làm triển vọng.

Cơ hội bất ngờ

Giàng Seo Phừ, chàng thanh niên sinh năm 1993, người thôn Hoàng Phì Chày, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tranh thủ về thăm nhà sau hơn 2 tháng đi làm cho một công ty sản xuất máy văn phòng ở Hải Dương.

Phừ khoe, bắt đầu đi làm từ 23/7, tuần đầu được 2 triệu, sang tháng 8 được 8 triệu, tháng 9 được 9,7 triệu. Thấy công việc cũng không nặng nhọc, môi trường sạch sẽ, ăn uống đảm bảo, thu nhập lại ổn, vừa rồi, Phừ kéo cả vợ đi làm cùng mình, các con tạm gửi nhờ ông bà một thời gian.

“Ở nhà chỉ làm nông, thu hoạch cũng chẳng bao nhiêu, 2 – 3 tấn thóc một năm, trồng thêm ngô, sa nhân cũng chẳng có tiền. 2 vợ chồng nếu mà đi làm thì cũng được khá khá, không tăng ca cũng được 6,4 triệu/người”, Phừ chia sẻ.

Cơ hội đến với Phừ qua một phiên giới thiệu việc làm tổ chức ngay tại quê nhà cách đây vài tháng. Khi đấy mọi người ai cũng e dè, chỉ có Phừ và 5 người trẻ khác nghe lời lãnh đạo xã xung phong đi, dù biết sẽ phải xa nhà, phải hòa nhập môi trường mới không người thân thích, nhất là làm công việc mà trước kia bản thân chưa từng nghĩ đến.

“Ở nhà thì mình làm một ngày nghỉ một ngày, xuống đấy làm liên tục thấy mệt mỏi, 2 tuần đầu cảm giác còn chẳng muốn đi làm. Bây giờ dần quen rồi thì lại chỉ muốn đi làm, không muốn ở nhà, ở nhà ngủ nhiều cũng đau lưng, đi làm vừa có tiền nữa”, Phừ tâm sự.

Hướng đi thiết thực

Tả Ngải Chồ vốn là xã nghèo biên giới, 100% dân số là người Mông, kinh tế thuần nông, làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Trước kia, bà con muốn thêm thu nhập thì chỉ biết vượt biên qua Trung Quốc làm thuê, người mang được tiền về, người không. Từ đầu năm 2020 đến nay, Covid-19 bùng phát, không đi Trung Quốc được, nhiều người dân trong xã lại rục rịch xuôi về các tỉnh, thành trong nội địa tìm việc làm.

Theo ông Giàng Sín Phủ, Bí thư Đảng ủy xã, dịch dã cuộc sống quá khó khăn nên bà con đi cũng không ngăn được. Nhưng lo nhất là họ đi tự phát, số lượng khoảng 270 người, nếu như đi làm thuê nhỏ lẻ thường không có hợp đồng lao động, khi xảy ra tranh chấp luôn phải chịu thiệt thòi; cũng có trường hợp làm công ty nhưng chế độ thực tế so với thông tin tuyển dụng hoàn toàn sai lệch, còn chưa kể bao rủi ro khác…

Sau bao trăn trở, một hướng đi thiết thực giúp bà con đã nảy ra, đó là kéo phiên giới thiệu việc làm từ kênh chính thống về vùng cao để lãnh đạo xã có thể cùng tham gia vận động bằng tiếng đồng bào, và dần lan tỏa bằng chính nhân tố trong cộng đồng.

“Chúng tôi liên hệ với chính Trung tâm Dịch vụ việc làm, là kênh đầu mối, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Qua đợt đầu tiên chỉ có 6 lao động đi thôi. Khi họ đi làm, có thu nhập thực tế, hiệu quả ai cũng thấy rồi từ đó mới nhân rộng ra. Mới tháng 8, tháng 9 trở lại đây đã được 70 – 80 người đi rồi”, ông Phủ cho biết.

“Cú hích” cho giảm nghèo

Tả Ngải Chồ là 1 trong 5 xã khó khăn nhất toàn huyện, cũng như toàn tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo trên 28%. Tới đây, kể từ năm 2022 áp dụng chuẩn nghèo mới với tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn ở mức 1,5 triệu đồng/người/tháng thì dự kiến tỷ lệ nghèo, cận nghèo của nhóm xã này phải lên tới 80 – 90%.

Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ mới đặt ra, phấn đấu đến năm 2025, Mường Khương sẽ thoát ra khỏi diện nghèo. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ thì mục tiêu này e rằng khó khả thi.

Ông Nông Văn Minh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương phân tích, toàn huyện có 58% dân số trong độ tuổi lao động, đạt tỷ lệ vàng, hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Mường Khương đã hình thành được một số vùng hàng hóa về chè, chuối, dứa, quýt, gạo Séng Cù…, nhưng để duy trì bền vững và tạo động lực phát triển cho huyện vẫn cần thêm thời gian.

Bởi thế, việc chuyển dịch một bộ phận lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp cũng cần được khuyến khích. Đơn giản nhất nếu mỗi gia đình chỉ cần có một người đi làm cho các doanh nghiệp, ra thu nhập ổn định là câu chuyện đã khác.

“Làm tại các công ty sau khi trừ mọi khoản chi phí thì mỗi lao động cũng tiết kiệm gửi về gia đình được 5 – 6 triệu/tháng, nếu gia đình 4 người chia bình quân 1,5 triệu/người/tháng thì tương đương với chuẩn nghèo mới, mục tiêu giảm nghèo có tính khả thi cao hơn”, ông Minh nhẩm tính.

“Dòng chảy” lao động an toàn giữa Covid-19

Theo ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, đồng bào vùng cao có phần hạn chế về nhận thức, học vấn so với những khu vực phát triển, nhưng bù lại bản tính thật thà, chất phác, chăm chỉ, cần cù của bà con nơi đây lại là những giá trị vô cùng quý báu mà nhiều doanh nghiệp tuyển dụng đang khao khát tìm kiếm. Tuy nhiên, để cung với cầu chạm được với nhau thì không chỉ cần một kênh kết nối uy tín, mà còn phải vượt qua rào cản về ngôn ngữ, tập quán của người vùng cao, và đảm bảo an toàn phòng dịch, liên thông “vùng xanh” với “vùng xanh”.

“Bất kỳ tỉnh nào, doanh nghiệp nào khống chế được dịch, quản lý được dịch đều muốn duy trì sản xuất. Thứ hai là nhu cầu của người lao động vẫn có, nhưng họ cũng lăn tăn về phòng dịch thì chúng tôi là người ở giữa phải làm sao tìm ra giải pháp, kết nối giữa hai nhu cầu này. Nhưng cách làm cũng sẽ linh hoạt, lúc nào trên địa bàn toàn tỉnh khống chế được Covid-19 thì chúng tôi lại tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hạn chế tổ chức tại trung tâm mà đi đến các xã với quy mô nhỏ hơn”, ông Trường cho hay.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, tại Lào Cai đã có khoảng 700 vị trí việc làm được kết nối thành công thông qua gần 60 phiên giới thiệu; 65% trong số đó dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập tối thiểu hàng tháng của mỗi lao động vào khoảng 7 – 8 triệu đồng. Ngoài cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nội tỉnh, nhiều vị trí việc làm được bố trí tại các đơn vị lớn ngoại tỉnh khác như Tổng công ty khoáng sản Vinacomin, Công ty Brother Việt Nam, Công ty Tinh Lợi Hải Dương, Công ty Gerniza Hải Phòng…

Con số trên dù vẫn khiêm tốn, nhưng đã tạo thành một “dòng chảy” an toàn, triển vọng giữa mùa dịch. Nếu được duy trì và phát huy tốt, thậm chí nó còn giúp “nắn dòng” lao động tự phát về đúng quỹ đạo, bởi có lẽ không có cách quản lý lao động nào hiệu quả hơn là tạo ra cơ hội thiết thực cho chính họ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nông dân Lào Cai thắng lợi lớn nhờ “cánh đồng 1 giống”
Nông dân Lào Cai thắng lợi lớn nhờ “cánh đồng 1 giống”

VOV.VN - Các biện pháp canh tác lúa cải tiến tiếp tục được nông dân Lào Cai ứng dụng, mở rộng diện tích là những yếu tố để sản xuất vụ mùa thắng lợi.

Nông dân Lào Cai thắng lợi lớn nhờ “cánh đồng 1 giống”

Nông dân Lào Cai thắng lợi lớn nhờ “cánh đồng 1 giống”

VOV.VN - Các biện pháp canh tác lúa cải tiến tiếp tục được nông dân Lào Cai ứng dụng, mở rộng diện tích là những yếu tố để sản xuất vụ mùa thắng lợi.

Lào Cai hỗ trợ tiền ăn cho công dân từ các tỉnh phía Nam về phải cách ly
Lào Cai hỗ trợ tiền ăn cho công dân từ các tỉnh phía Nam về phải cách ly

VOV.VN - UBND tỉnh Lào Cai vừa quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả công dân về từ vùng dịch phía Nam phải cách ly tập trung trong tháng 10/2021.

Lào Cai hỗ trợ tiền ăn cho công dân từ các tỉnh phía Nam về phải cách ly

Lào Cai hỗ trợ tiền ăn cho công dân từ các tỉnh phía Nam về phải cách ly

VOV.VN - UBND tỉnh Lào Cai vừa quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả công dân về từ vùng dịch phía Nam phải cách ly tập trung trong tháng 10/2021.

Lào Cai có nguy cơ tái xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng
Lào Cai có nguy cơ tái xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng

VOV.VN - Lào Cai vừa ghi nhận thêm 7 ca mắc Covid-19, được Bộ Y tế công bố trong bản tin cuối ngày 14/10. Đồng thời, nguy cơ tái xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng tại địa phương này cũng tăng cao.

Lào Cai có nguy cơ tái xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng

Lào Cai có nguy cơ tái xuất hiện Covid-19 trong cộng đồng

VOV.VN - Lào Cai vừa ghi nhận thêm 7 ca mắc Covid-19, được Bộ Y tế công bố trong bản tin cuối ngày 14/10. Đồng thời, nguy cơ tái xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng tại địa phương này cũng tăng cao.