Thầy thuốc về đâu?
VOV.VN - Trong 2 năm có dịch Covid-19, hệ thống cơ sở y tế công lập tỉnh Gia Lai đã thể hiện tốt vai trò tốt trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dù thế, thu nhập của cán bộ y tế Gia Lai vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống, nhiều người phải chấp nhận tìm việc làm thêm hoặc rất chất vật để mưu sinh.
Tan ca làm buổi chiều ở Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi Chức năng tỉnh Gia Lai, hộ lý Phùng Thị Lan (SN 1981) vội vã trở về khu nhà trọ ở Tổ 5, phường Thắng Lợi, Thành phố Pleiku để lo việc nhà, rồi lại vội vã đến xưởng sản xuất nước đá để làm thêm ca đêm. Tại đây, sau khi mỗi mẻ đá được máy sản xuất xong, việc của chị Lan và các nhân công là đóng đá viên vào bao và kéo những tảng đá lớn chất lên các xe tải. Ca làm bắt đầu từ 7 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau.
Mỗi ngày, chị Lan chia giấc ngủ thành 3 lần, mỗi lần 2 tiếng xen giữa các giờ làm để đảm bảo sức khỏe. Vất vả, khó khăn như thế, nhưng với chị, đây lại là công việc cho thu nhập ổn định hơn so với việc rửa bát chén ở quán ăn, hay làm dịch vụ dọn dẹp nhà cửa mà chị từng làm qua. Cũng nhờ thế, hàng tháng, chị có thêm 6 triệu đồng ngoài khoản lương cố định 5.020.000 đồng từ bệnh viện để lo cho 1 đứa con học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc sống 3 mẹ con ở Thành phố Pleiku.
“Bệnh viện bây giờ chi lương cho anh em đã khó rồi, có đợt 3 tháng mới có lương 1 lần. Trong 3 tháng đó, tôi phải tự xoay sở. Đi làm thêm là nhu cầu cá nhân của tôi, phải làm thì mới sống được. Lương thấp quá không thể ổn định được, nhiều người cũng phải đi làm thêm như tôi”, chị Lan chia sẻ.
Không chỉ các hộ lý, mà ngay cả các bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai cũng đang chật vật với đồng lương ít ỏi. Năm nay, dù đã có 13 năm làm việc tại đây, nhưng tổng thu nhập hàng tháng của vợ chồng bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn và Huỳnh Thị Như Tài, chỉ gần 11 triệu đồng. Bác sĩ Tuấn cho biết, số tiền này quá eo hẹp cho chi tiêu của gia đình. Ước mơ có tiền để mua một mảnh đất, xây một căn nhà nhỏ đối với vợ chồng anh là quá xa xôi.
“Hai vợ chồng, hai đứa con là 4 người. Dùng đồng tiền rất hạn chế, phải cân đo đong đếm để đủ sinh hoạt mà thôi. Nó ảnh hưởng về nuôi dạy trẻ như ăn uống, học tập, sinh hoạt của con cái. Chẳng hạn như, sữa con mình uống cũng phải chọn sữa phù hợp giá tiền. Cho dù, con thích học đàn, học vẽ, mình không thể tạo điều kiện. Đó là nỗi băn khoăn”, bác sĩ Tuấn nói.
Lương đã thấp, áp lực công việc của thầy thuốc ngày càng nặng nề. Trung bình, mỗi ngày, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiếp nhận từ 70 - 80 bệnh nhân, đa số cần được hỗ trợ, chẩn đoán sớm. Tuy thế, cả khoa chỉ có 50 cán bộ y tế. Số lượng ít, nên khoa chỉ có 3 kíp trực. Lịch trực dày đặc, nhưng thu nhập hàng tháng của bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng (53 tuổi) chỉ 7,8 triệu đồng, khó lo được cho các con ăn học. Đây cũng là lý do mà gần chục đồng nghiệp trong khoa của bác sĩ Trọng nghỉ việc chỉ trong 3 năm gần đây.
“Dịch bệnh phức tạp, dễ lây nhiễm bệnh nặng. Người nhà bệnh nhân nhiều lúc gây gổ, đánh cả nhân viên y tế. Lực lượng cấp cứu phòng, chống dịch của chúng tôi gần 50 người, nhưng chỉ có 6 người được hưởng, rất thiệt thòi. Nhiều anh em trẻ bỏ đi hết, đi bệnh viện tư nhân, đi thành phố lớn có thu nhập cao gấp mấy lần lương cơ bản ở đây. Một số người lớn tuổi, di chuyển không tiện, thì chấp nhận trụ lại với mức lương thấp”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng cho hay.
Hiện nay, tại Gia Lai hiện có gần 4.900 cán bộ y tế làm việc trong 27 cơ sở thuộc hệ thống y tế công lập. Từ 2021 tới nay, có 133 cán bộ y tế nghỉ việc để chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân. Trong số đó, nhiều người chấp nhận các hình thức kỷ luật, đền bù hàng tiền đào tạo chuyên môn. Trong khi dòng cán bộ rời bỏ hệ thống y tế công lập vẫn chưa có dấu hiệu ngừng, thì việc tuyển dụng của ngành cũng rất khó khăn. Năm 2022, ngành y tế Gia Lai thiếu 574 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển mới được 246 người.
Nguyên nhân chính được Sở Y tế Gia Lai nhìn nhận là vì cán bộ y tế trong cơ sở công lập có thu nhập thấp, chưa được đãi ngộ thoả đáng. Đặc biệt, sau 2 năm có dịch Covid-19 (năm 2020 và 2021), tình hình tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh càng thêm khó khăn, thu hụt chi hàng chục tỷ đồng, thu nhập của người lao động chủ yếu từ lương cơ bản.
Ông Phạm Bá Mỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, nơi có số lượng cán bộ y tế nghỉ việc đông trong các năm gần đây cho rằng: “Đời sống kém thì người ta tìm việc khác, người ta bỏ việc. Cái đó biết, nhưng lực bất tòng tâm. Mong chờ nhà nước nhanh chóng điều chỉnh lại, ví dụ phụ cấp cho y tế, tăng số lượng người làm việc. Đời sống cán bộ lên, thì không có bài toán nghỉ việc, không có bài toán làm việc khác; tái tạo lại sức khỏe, tái tạo năng lượng phục vụ bệnh nhân chu đáo hơn, đầu tư cho người bệnh nhiều hơn”.
Đảm bảo đãi ngộ, thu nhập cho cán bộ y tế, đồng thời cũng là giải pháp giúp đảm bảo sự ổn định, bền vững của hệ thống y tế công, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân của người thầy thuốc./.