Thầy trò rối bời với đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia 2017
VOV.VN - Kỳ thi có thay đổi khá nhiều với cấu trúc bài thi mới, hình thức thi mới khiến cả thầy và trò khá lo lắng.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh họa, không chỉ học sinh mà các trường cũng rối bời, lo lắng bởi sức ép về thời gian làm đề thi trắc nghiệm và tính khoa học của hai bài thi tổ hợp.
Nếu chỉ ghép cơ học 3 môn vào bài thi tổ hợp sẽ gây áp lực cho học sinh. Ảnh: Như Ý.
Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về thời gian, cách thức làm bài thi tổ hợp. Với tính chất của kỳ thi THPT mà áp dụng kiểu làm bài liên tục như vậy sẽ gây căng thẳng, đặc biệt là các em có học lực trung bình trở xuống.
Thầy Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng THPT chuyên Lào Cai
Áp lực về thời gian
Đề thi minh họa môn Toán có 50 câu, thời gian thi 90 phút; môn Văn có 6 câu, thời gian 120 phút; môn Ngoại ngữ 60 câu thời gian 50 phút; các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học có 40 câu, thời gian 50 phút.
Kỳ thi có thay đổi khá nhiều với cấu trúc bài thi mới, hình thức thi mới khiến cả thầy và trò khá lo lắng. Nhận xét về 14 đề thi minh họa cho các môn thi, các thầy cô cho rằng, đề thi tuy hay nhưng nếu học sinh (HS) không làm quen với đề thi trắc nghiệm, không có kỹ năng làm bài thi dạng này thì rất khó đạt được 5 điểm vì không đủ thời gian làm bài. Trong khi đó, kiến thức lại nhiều, nếu là HS trung bình sẽ khó nhận biết câu dễ hay khó để phân bổ thời gian làm bài hợp lý.
Đồng thời, đa số giáo viên tỏ ra băn khoăn về việc bài thi tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có quá nhiều câu hỏi, có thể tạo tâm lý mệt mỏi cho thí sinh dẫn đến hiệu quả làm bài không tốt. Theo thầy Toàn, giáo viên một trường THPT Hà Nội thì trong tổ hợp môn tự nhiên và xã hội, mỗi môn thi có 40 câu, thời gian làm bài 50 phút. Như vậy, bài thi tổ hợp có tới 120 câu và thời gian làm bài chỉ 150 phút là quá áp lực, căng thẳng cho HS, chất lượng làm bài sẽ không cao. Bộ GD&ĐT nên xem xét lại số câu hỏi trong mỗi bài thi. Đồng quan điểm này, hiệu trưởng một trường THPT cho biết, Bộ nói HS chỉ phải thi 4 bài nhưng thực chất, các em phải thi ít nhất đến 6 môn để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Một buổi sáng phải thi đến 3 môn thì làm khó các em quá.
Em Quang Minh, học sinh một trường THPT ở Hà Nội cho biết: “Chúng em chưa rõ cơ cấu đề thi của bài thi tổng hợp ra sao, nếu 150 câu của cả 3 môn trong một bài thi thì sẽ khác mà từng môn thi sẽ khác. Bộ phải tính thật kỹ để đảm bảo thời gian làm của mỗi môn thi. Hơn nữa, nếu chỉ ghép cơ học 3 môn vào một bài thi thì áp lực sẽ rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn cả sức khỏe của thí sinh”.
Bên cạnh đó, nhiều trường cũng khá băn khoăn với môn Giáo dục công dân khi lần đầu tiên thi trắc nghiệm. Nhiều trường cho rằng, sẽ phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu chống điểm liệt, thậm chí nếu cần sẽ tăng tiết. Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng cho biết, trường đã yêu cầu giáo viên phải viết lại khung chương trình, trên cơ sở đó tích hợp các nội dung theo chủ đề. Giáo viên phải vừa dạy như truyền thống, vừa đưa ra hướng xây dựng các bộ câu hỏi trắc nghiệm để học sinh làm quen.
Không nên lao vào lò luyện
Không thể phủ nhận những ưu điểm nổi trội của phương thức thi trắc nghiệm, song đại diện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng như các chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng, đề thi trắc nghiệm không thể hiểu một cách khô cứng theo kiểu “có” hay “không” như lâu nay mọi người vẫn nghĩ. Bởi kết quả thi trắc nghiệm dựa trên một nền tảng dạy và học để đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục. Các câu hỏi đã được thử nghiệm trên chính học sinh dựa trên độ khó, dễ. Lãnh đạo một số trường THPT bày tỏ lo ngại, nếu chỉ dạy học sinh “mẹo” thế nào để giành được điểm cao mà không trang bị cho HS phương pháp giải quyết vấn đề thì nhà trường không khác gì các lò luyện thi.
Câu chuyện kỳ thi vừa qua, một thí sinh “khoanh bừa” mà đạt điểm 10 ở môn Vật lý khiến nhiều người lo ngại, nếu cứ khoanh bừa mà có thể đỗ tốt nghiệp và các trường dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đại học thì sẽ có thí sinh đỗ “oan” vì “ăn may”.
Về vấn đề này, Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Toán Lê Thống Nhất lý giải: Đỗ theo kiểu “ăn may” trong một kỳ thi, dù thi tự luận vẫn sẽ xảy ra. Nguyên nhân có thể do sự sơ hở hoặc tiêu cực trong khâu coi thi, thậm chí cố tình tiêu cực ở khâu chấm thi. Vì thế, để khắc phục, cần tính đến việc đề thi trắc nghiệm cho mỗi học sinh sẽ như thế nào nhằm ngăn chặn tiêu cực hoặc đỗ do “may mắn”.
Với môn Toán sẽ lần đầu tiên thi trắc nghiệm THPT Quốc gia, ông Lê Thống Nhất cũng cảnh báo, các thí sinh đừng mắc sai lầm chạy theo luyện thi khi chưa nắm chắc nguyên tắc thi trắc nghiệm.
Trước nguy cơ sẽ bùng nổ các lò luyện thi trắc nghiệm, nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên, các em không nên quá tin vào quảng cáo. Nhiều bài giảng mang danh là luyện thi trắc nghiệm nhưng thực chất chỉ đưa ra một số mẹo chọn đáp án. Thậm chí, có người tưởng thi trắc nghiệm môn Toán là thi tính toán nhanh nên chủ yếu luyện việc sử dụng máy tính cầm tay. Thật sai lầm khi nghĩ như vậy! Một nguyên tắc khi làm bài trắc nghiệm với đề thi chuẩn là phải nắm vững kiến thức cơ bản và có khả năng phán đoán tốt một cách có cơ sở thì thí sinh mới có thể đạt điểm cao./.