Thêm 3 dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng/năm
VOV.VN - Văn phòng Chính phủ đã chính thức công bố tiếp tục tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân và các doanh nghiệp quan tâm.
Sáng 19/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Văn phòng Chính phủ đã chính thức công bố tiếp tục tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân và các doanh nghiệp quan tâm. Cụ thể là dịch vụ công thứ 1.000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, để đưa 3 dịch vụ công này tích hợp trên Cổng DVCQG là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công an, Giao thông vận tải, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn VNPT.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, đây là nỗ lực nhằm mục tiêu cung cấp sự thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, thông qua đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, không phụ thuộc thời gian, không phụ thuộc vị trí địa lý. Người dân và doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ đăng nhập một lần trên Cổng DVCQG để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Các dịch vụ này được triển khai là mong mỏi rất lớn của người dân và doanh nghiệp.
“Dịch vụ công thứ 1.000 là dịch vụ rất quan trọng và rất khó bởi lần đầu tiên triển khai và phải cấu trúc lại quy trình thủ tục. Dịch vụ công này được vận hành chính là sản phẩm thay đổi tư duy, cách quản lý, là hành động cụ thể phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước: “Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành”.
Thêm 3 dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng/năm
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia hình thành trên cơ sở Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Hệ thống của các bộ, ngành triển khai các phân hệ phần mềm báo cáo dùng chung cho 63 địa phương, các địa phương chỉ triển khai xây dựng Hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lý đặc thù, góp phần hạn chế việc đầu tư dàn trải, sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư công; đồng thời, giúp hình thành “kho” thông tin, dữ liệu thống nhất và duy nhất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong từng ngành, lĩnh vực.
Từ Trung tâm, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến, giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa. Đây là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.
Theo Văn phòng Chính phủ, chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (chưa tính các chế độ báo cáo triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và chỉ phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương) khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Trong 3 dịch vụ công trực tuyến mới được giới thiệu với người dân và doanh nghiệp trên Cổng DVCQG, dịch vụ thứ 1.000 - kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỷ đồng/năm. Dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Dịch vụ thứ 999 - liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất); đồng thời, giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, theo đó chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu khoảng hơn 344 tỷ đồng/năm.
Dịch vụ thứ 998 - Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Do đó, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục này. Ước tính số tiền tiết kiệm của toàn xã hội hàng năm sẽ khoảng hơn 1.329 tỷ đồng/năm./.