Thêm chế tài, Hà Nội vẫn chưa đạt mục tiêu không đốt rơm rạ
VOV.VN - Nghị định 45/2022 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được áp dụng từ ngày 25/8/2022 đã quy định cụ thể và bổ sung thêm Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5-3 triệu đồng.
Tình trạng đốt rơm rạ theo mùa vụ, dù đã giảm nhiều tại các quận huyện ngoại thành, song vẫn chưa được xử lý triệt để như mục tiêu mà thành phố Hà Nội đã đặt ra.
Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2, bụi mịn PM 2.5… vào môi trường. Để hạn chế tình trạng này, thành phố Hà Nội đã triển khai và đẩy mạnh thực hiện mô hình "Thành phố không đốt rơm rạ" từ năm 2020, đặt mục tiêu tới 1/1/2021, Hà Nội không còn tình trạng đốt rơm rạ. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa địa phương nào khẳng định đã chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch. Việc đốt rơm rạ vẫn tái diễn theo mùa vụ.
Nghị định 45/2022 có hiệu lực, cùng nhiều Thông tư, Chỉ thị hướng dẫn chi tiết việc áp dụng các quy định về bảo vệ môi trường thời gian vừa qua đã góp phần tạo nên hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng hơn cho các hoạt động bảo vệ môi trường, song nhiều chuyên gia đánh giá như vậy vẫn là chưa đủ để có thể cam kết chấm dứt hoàn toàn được tình trạng này.
Ông Nguyễn Thi, Vụ pháp chế, Bộ TN&MT cho biết: "Việc xử phạt này chỉ là giải quyết tạm thời thôi chứ chưa giải quyết được tận gốc và hợp lý. Để giải quyết tận gốc phải có thời gian. Trước mắt, chúng ta chỉ có tuyên truyền với người dân, còn về lâu dài thì cần có sự liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp liên quan thì mới có thể giúp người dân có đầu ra để xử lý được số rơm rạ này. Không tính đầu ra cho các phụ phẩm nông nghiệp thì người ta vẫn có thể đốt".
Việc tìm cách biến rơm rạ thành sản phẩm tạo ra giá trị cũng là một nỗ lực không nhỏ của thành phố những năm vừa qua, nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong đợi.
TS Lương Hữu Thành – Viện Môi trường nông nghiệp đánh giá: "Mặc dù từ trước tới giờ có rất nhiều dự án hướng dẫn người dân tái sử dụng, nhưng quy mô nhỏ, không nhiều người biết đến, các kỹ thuật đó họ chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận một cách hời hợt nên người ta mới coi đó là chất thải. Không có sự gắn kết giữa các vùng với nhau. Sự gắn bó giữa đầu ra với sản phẩm rơm rạ là chưa có gì rõ rệt cả. Rõ ràng người dân cũng xác định là rơm rạ đó không làm được cái gì cả nên mới đốt".
Hy vọng, khi thêm chế tài và đẩy mạnh các hoạt động tìm đầu ra cho sản phẩm rơm rạ, đặc biệt là việc quy định trách nhiệm cụ thể hơn cho chính quyền địa phương các cấp đối với vấn đề này thì tình trạng đốt rơm rạ mỗi mùa vụ sẽ hoàn toàn được chấm dứt trong thời gian sắp tới.
Khuyến khích mô hình xử lý rơm rạ nhanh ngay tại ruộng
Tìm đầu ra cho sản phẩm rơm rạ là bài toán cần tới sự chung tay của rất nhiều người, cùng hướng về một mục tiêu lớn nhất là vì môi trường của chúng ta ngày một xanh, sạch, tốt và chất lượng hơn. Đó cũng là những nỗ lực không nhỏ để các nhà nghiên cứu chuyên môn sát cánh cùng người nông dân giải bài toán khó này.
Để người nông dân nhận được thêm giá trị từ cây lúa và những phụ phẩm như rơm rạ, và sâu xa hơn nữa là nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế đốt bỏ những phụ phẩm nông nghiệp có thể tận dụng, tái sử dụng được, việc tìm đầu ra cho rơm rạ luôn là vấn đề được những nhà nghiên cứu như PGS-TS Đỗ Minh Cường – Trường Đại học Nông Lâm Huế ưu tiên.
Hiện, mới chỉ có một phần nhỏ rơm rạ được sử dụng làm chất đốt, làm giá thể trồng rau, hoa, nấm, hoặc nhiệt phân làm than sinh học….
PGS-TS Đỗ Minh Cường cho biết thêm một hướng xử lý mới cho sản phẩm rơm rạ hiện vẫn đang được áp dụng ổn định tại nhiều tỉnh thành: "Hiện nay, nhiều tỉnh thành, các trang trại lớn thì họ sử dụng máy thu gom rơm sau mỗi vụ thu hoạch, thu gom, phơi khô, đóng gói, bảo quản để phụ thêm cho thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí chăn nuôi, tăng giá trị lợi nhuận cho sản phẩm rơm sau khi thu hoạch và góp phần giảm thiểu áp lực cho môi trường và tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân".
Trước thực tế việc thu gom, vận chuyển rơm rạ cũng phát sinh thêm vấn đề thì bài toán đang tiếp tục được giải theo hướng xử lý nhanh rơm rạ ngay trên đồng ruộng nhằm tạo nguồn phân bón hữu cơ bón trả lại cho cây trồng, góp phần nâng cao dinh dưỡng đất.
PGS-TS Đỗ Minh Cường hy vọng, phương án xử lý này đối với phụ phẩm là rơm rạ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn: "Sắp tới sẽ tăng cường triển khai tại Việt Nam là thu gom rơm tại ruộng, dùng chế phẩm sinh học để tạo phân sinh học ngay tại ruộng. Về phía đại học nông lâm Huế cũng có liên kết với dự án này. Hy vọng công nghệ đó sẽ triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới"./.