Thêm yêu quê hương mỗi khi Tết đến, Xuân về

Thành phố Đà Nẵng có hơn 18 ngàn kiều bào đang định cư ở nước ngoài. Tết Canh Dần này, bà con về quê ăn Tết đông hơn mọi năm, ai cũng phấn khởi trước sự đổi thay của đất nước, của thành phố quê hương. Dịp này, nhiều du học sinh đang học tập ở nước ngoài về lại quê nhà tràn ngập những cảm xúc mới.

Tôi muốn đóng góp cho nơi tôi sinh ra

Nicole Phạm, nhà sản xuất phim và là nữ một đạo diễn có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Pháp rất đỗi ngạc nhiên khi quê hương mình thay đổi từng ngày. Từng sống 30 năm ở Pháp và là một nhà làm phim có kinh nghiệm trên các kênh truyền hình khác nhau như Canal Plus, TF1... của Pháp và nhiều nước trên thế giới, năm nào về thăm quê dịp Tết cổ truyền, chị luôn khát khao làm những bộ phim về Đà Nẵng để giới thiệu, quảng bá nơi chôn nhau cắt rốn của mình với bạn bè năm châu và bà con người Việt tại Pháp.

Còn anh Mai Mike, định cư ở bang Arizona, Hoa Kỳ cho biết: Đã nhiều năm chưa về thăm quê, Tết Canh Dần này, anh thật sự thích thú trước sự đổi thay nhanh chóng từ hạ tầng đô thị đến đời sống của người dân ở thành phố bên bờ sông Hàn. Về quê, anh dành nhiều thời gian để khảo sát các bãi biển đẹp ở Đà Nẵng. Anh Mai Mike đã tìm thấy sự an bình và cơ hội đầu tư làm ăn ở nơi sinh ra và lớn lên. Anh nói: Tôi cảm nhận rằng quê hương Việt Nam ngày càng đổi mới và rất là thông thoáng. Tôi sau này về Việt Nam tôi sẽ để đầu tư cho quê hương.

Nếu các bạn chưa về Việt Nam thì nên về để thấy được sự đổi mới. Riêng ở Đà Nẵng nếu bạn về sẽ cảm thấy yêu thương Đà Nẵng nhiều hơn và tôi tin chắc các bạn sẽ đầu tư và nhận đây là quê hương tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình- Mai Mike thổ lộ từ đáy lòng.

Anh Mai Mike (bên phải) cùng bạn tại Đà Nẵng

Trong dòng người về quê ăn Tết, chúng tôi còn gặp nhiều du học sinh, những người đang học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ ở nước ngoài. Trong đó, phải kể đến những cán bộ trẻ có năng lực được UBND thành phố Đà Nẵng cử đi đào tạo theo Chương trình đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của Đề án 393. Đó là Phạm Thị Hoàng Vân, nhận bằng Thạc sĩ ngành du lịch ở Úc, cô đã từ chối nhiều lời mời hấp dẫn để trở về làm việc tại Đà Nẵng. Nay, chồng của cô anh Đinh Quang Cường đang tiếp tục hoàn tất khóa học ngành quản lý để ltrở thành một trong số ít cán bộ trẻ của Đà Nẵng nhận bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Với đôi vợ chồng trẻ Quang Cường- Hoàng Vân, được sum họp cùng gia đình, họ càng thêm quyết tâm động viên nhau học tập để có cơ hội cống hiến thật nhiều cho quê hương. Khi được đào tạo trong môi trường ở nước ngoài, tôi cũng học được nhiều cái hay, học được những cái hy vọng trở về phục vụ tại thành phố Đà Nẵng. Mảng của tôi là du lịch, dù không làm trong cơ quan nhà nước nhưng cũng hy vọng đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch thành phố- Phạm Thị Hoàng Vân tâm sự.

Huy động nguồn lực phát triển

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cử đi đào tạo hơn 60 người tại 34 trường học ở 9 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 15 người học tiến sĩ, 44 người học thạc sĩ theo 12 chuyên ngành. Chương trình đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố Đà Nẵng.

Kiều bào gốc Đà Nẵng thưởng thức món ăn đạm đà hương vị quê hương

Tết này, cả ngàn người trong tổng số hơn 18 ngàn kiều bào gốc gác Đà Nẵng về quê hương thăm người thân và cả những du học sinh những người như Cường, như Vân hưởng được cái Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều trí thức, nhà đầu tư là kiều bào đang về nước theo tiếng gọi của quê hương để cống hiến cho đất nước. Ai cũng khẳng định, Đà Nẵng đang là một điểm sáng về phát triển đô thị, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đăng Hải, phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng khẳng định: Năm nay điều rất vui là bà con kiều bào về quê nhiều hơn năm ngoái. Điều này cho thấy đường lối chính sách của Đảng ta, đặc biệt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ngày càng thấm sâu vào đời sống của nhân dân đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài. Cùng với việc kêu gọi đóng góp của bà con ở nước  ngoài, Đà Nẵng có Đề án đào tạo 100 thạc sĩ tiến sĩ ở nước ngoài. Thành phố Đà Nẵng mong muốn sau khi được đào tạo, lực lượng này sẽ trở về đóng góp cho quên hương. Chính vì thế thu hút nhân tài là một yêu cầu quan trọng của thành phố.

Cầu sông Hàn- Đà Nẵng -  biểu tượng của sự phát triển

Đà Nẵng, thành phố trọng điểm của miền Trung, đang cùng cả nước vươn mình phát triển. Xuân này, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi bà con kiều bào, du học sinh trở về, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố, để Đà Nẵng xứng đáng là thành phố động lực của khu vực miền Trung và của cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên