“Thi đua không nên phân biệt cán bộ hay công nhân”
(VOV) -Theo Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, mọi người đều có thể thi đua, nhưng mấu chốt là sau tuyên dương phải có tính lan tỏa.
Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động từ năm 29 tuổi, khi còn là công nhân Nhà máy Dệt 8/3, cho đến bây giờ bà Cù Thị Hậu chưa bao giờ nghĩ rằng mình thi đua sản xuất để được nhận danh hiệu hay tuyên dương.
Nhớ lời Bác dạy “Thi đua là yêu nước”, nên dù ở bất cứ công việc nào, lĩnh vực nào được giao, bà đều nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển chung của đơn vị và đất nước.
Ngày ấy, Phong trào thanh niên ba sẵn sàng diễn ra sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cũng như rất nhiều người yêu nước, bà Cù Thị Hậu là một trong số những điển hình tiên tiến đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Bà Cù Thị Hậu trên nghị trường (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu cho biết, ngày ấy ai cũng suy nghĩ đơn giản là phải phấn đấu, phải thi đua làm việc thật tốt để hoàn thành nhiêm vụ của mình, chứ không hề nghĩ đến những danh hiệu hay lợi ích cá nhân nào khác.
Bà Cù Thị Hậu cho rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước rất coi trọng phong trào thi đua. Chính từ phong trào thi đua đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, có tính lan tỏa cao với những tấm gương được tuyên dương. Đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, đánh thắng những kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước như ngày nay, có đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua, sáng tạo.
Để thi đua phát huy hiệu quả thì quan trọng nhất là không có sự phân biệt giai cấp, dân tộc và đặc biệt là sự phân biệt cán bộ quản lý hay những người công nhân, lao động bình thường. Làm được như thế tức là mọi người đều có cơ hội để phấn đấu, để thi đua.
Bà Cù Thị Hậu chia sẻ: “Bây giờ chúng ta chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà chưa quan tâm đến người lao động bình thường, đặc biệt lao động ở khu vực tự do. Họ có sáng kiến nhỏ thôi, nhưng sáng kiến ấy có thể ứng dụng, thực hiện trong cả quá trình”.
Tuy nhiên có thể nhận thấy, trong giai đoạn hiện nay, phong trào thi đua ở không ít nơi vẫn còn mang tính hình thức và đôi khi việc tôn vinh chưa thực sự đúng và đúng đối tượng, nên tính lan tỏa không cao.
Theo bà Cù Thị Hậu, để phong trào thi đua thực chất, hiệu quả cao, cần quan tâm tới sự sáng tạo, tinh thần hăng say lao động của tất cả người dân.
Bà Hậu lấy ví dụ, Anh hùng Lao động Hồ Giáo hai lần được tuyên dương. Rất xứng đáng khi công việc của anh Hồ Giáo là chăn nuôi gia súc, vấn đề là cách chăn nuôi của anh thế nào. Rất bình dị nhưng lan tỏa, thậm chí được đưa vào sách giáo khoa.
Tuyên dương là sự ghi nhận và trân trọng, vì thế tất cả mọi người dù làm ở lĩnh vực nào, công việc nào cũng cần phải được trân trọng vì đều là đóng góp chung cho xã hội.
Bà Hậu cho rằng, để thi đua tốt, ngoài trao cho người lao động những cơ hội thì vai trò phát hiện của người đứng đầu, người phụ trách rất quan trọng. Thêm nữa, những tiêu chí đặt ra cũng cần phải được quan tâm, vì nếu tiêu chí không phù hợp thì thi đua sẽ mang nặng tính hình thức.
Có ý kiến nhận xét, hình như bây giờ chúng ta hay “kinh tế hóa” khi xét tặng những danh hiệu cao quí, tức là “thiên” nhiều hơn đến giá trị kinh tế đóng góp cho xã hội khi xem xét. Bóng dáng của những người trực tiếp lao động, chiến đấu đang ít đi. Lớp trẻ khó gặp được những anh hùng, chiến sĩ thi đua như anh Hồ Giáo, chị Cù Thị Hậu.
Bác Hồ nói “Thi đua là yêu nước; muốn yêu nước thì phải thi đua; Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Với nhiều người lao động, có thể không hoặc chưa mang lại những giá trị kinh tế hàng triệu, hàng tỷ đồng cho xã hội, cho đất nước như các doanh nhân nhưng chắc chắn mỗi người lao động đều là những người yêu nước, mong muốn được đóng góp trí lực của mình cho đất nước.
Người lao động luôn thi đua chứ không đứng nhìn người khác thi đua. Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Cù Thị Hậu nói: “Tất cả mọi người đều có thể thi đua, nhưng mấu chốt là sau tuyên dương phải có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho xã hội. Nếu không làm được như thế thì thi đua không thành công, thậm chí còn phản tác dụng”./.