Thí sinh Hà Nội căng thẳng trước kỳ thi vào 10, học không có thời gian ngủ
VOV.VN - Hôm nay (7/6), 117.000 thí sinh tại Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Nhiều thí sinh cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vốn đã căng thẳng, khốc liệt, thì năm nay lại càng thêm lo lắng khi là năm cuối cùng thi theo chương trình GDPT 2006, trước khi chuyển sang thi theo chương trình GDPT 2018.
Sát "giờ G", Dương Thu Linh (THCS Tân Định) chia sẻ: “Em đang rất run và lo lắng, hy vọng có thể đỗ được nguyện vọng 1. Thời gian qua em đã rất cố gắng, 2 ngày thi này sẽ quyết định kết quả của 4 năm học. Trong các môn, em khá yên tâm với môn Tiếng Anh, Toán là môn em lo lắng nhất. Trong giai đoạn nước rút, các thầy cô rất sát sao, đồng hành cùng chúng em, lịch học của em trong giai đọan này cũng rất dày đặc, căng thẳng, không có cả thời gian ngủ. Mỗi ngày em đều bắt đầu học từ 7h sáng và vvề nhà vào 7-8h tối, tranh thủ ăn tối, em lại học tiếp cùng gia sư đến 11-12h đêm”.
Thu Linh cho biết đứng trước kỳ thi vào 10, áp lực đến từ rất nhiều phía. Năm học này, số lượng thí sinh toàn thành phố tăng, trong khi đó số lượng trường lớp gần như không thay đổi so với năm trước, điều này cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh để vào trường công sẽ lớn hơn.
Nữ sinh cho rằng, chính mong muốn của bản thân, cùng với những kỳ vọng của gia đình, cũng như “guồng học” của các bạn xung quang càng làm tăng thêm áp lực khi đứng trước kỳ thi tuyển sinh vào 10. Bên cạnh đó, thí sinh này cũng lo lắng bởi đây là năm cuối cùng thí sinh thi vào lớp 10 theo chương trình GDPT 2006 trước khi chuyển sang thi theo chương trình GDPT 2018 vào năm tới.
Cùng chung tâm trạng, Nguyễn Cát Tường Vy (THCS Thịnh Liệt, Hoàng Mai) đang hồi hộp trước khi bước vào kỳ thi: “Em cảm thấy rất lo lắng, đặc biệt là môn Ngữ văn thi sáng nay. Đây là môn thi em cảm thấy thiếu tự tin nhất khi phải học kỹ các văn bản cũng như thông tin về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác… Với môn Toán và Tiếng Anh em cảm thấy tự tin hơn”.
Tường Vy chia sẻ, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, ngay từ đầu năm học lớp 9, đặc biệt là những tháng gần đến kỳ thi, hầu hết các ngày lịch học của em đều dày đặc. Lịch học mỗi ngày đều bắt đầu từ 7h sáng và về nhà lúc 8h tối, sau đó lại tiếp tục học bài đến khuya.
“Gia đình không quá áp lực, bố mẹ vẫn thường động viên để em được thoải mái tinh thần, thế nhưng đứng trước kỳ thi lớn, căng thẳng là điều khó tránh khỏi”, Vy chia sẻ.
Phạm Gia Minh (THCS Nguyễn Du - Nam Từ Liêm, Hà Nội) đăng ký dự thi vào Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) chia sẻ, giống như nhiều sĩ tử khác, em cũng lo lắng, hồi hộp, song cũng muốn sẽ nhanh chóng hoàn thành kỳ thi để có thể nghỉ ngơi.
Dù đã đăng ký dự phòng vào 1 trường ngoài công lập, song Gia Minh vẫn cố gắng hết sức, quyết tâm để thi đỗ vào trường công lập. “Trường tư học phí sẽ rất cao, em không muốn tạo thêm áp lực cho bố mẹ nên sẽ cố gắng thi đỗ nguyện vọng 1. Trong 3 môn thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, em tự tin nhất là môn Toán và Văn, bởi 2 môn này em đã được ôn kĩ hơn và có nền tảng từ trước, với Tiếng Anh, em thấy khá đuối, em đang cố gắng để được 7- 8 điểm”, Gia Minh chia sẻ.
Tại điểm thi THCS Thanh Xuân Nam, Hà Trịnh Phúc cho biết, để thi vào lớp 10, quá trình học và ôn tập rất căng thẳng: “Sáng em học ở trường, trưa nghỉ ngơi một chút, chiều lại đi học, tối em tự học đến khoảng 12h đêm mới nghỉ. Gần ngày thi em cũng giảm thời gian học ban đêm để giữ sức khỏe. Trong kỳ thi này, em đặt nguyện vọng 1 vào THPT Trần Hưng Đạo, nguyện vọng 2 vào THPT Đại Mỗ, em hy vọng mình có thể trúng tuyển ngay nguyện vọng 1”.
Trước buổi thi Ngữ văn, nam sinh cho biết, dù đã ôn tập kỹ các tác phẩm, không học tủ, song vẫn hy vọng đề thi sẽ vào những tác phẩm yêu thích như “Chiếc lược ngà” hay “Lặng lẽ Sa Pa”.
Cô Hà Thị Thu Hường, Phó trưởng điểm thi THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất gồm 22 phòng thi đáp ứng cho 477 thí sinh dự thi. Điểm thi có 48 cán bộ coi thi trong tổng số 66 nhân lực phục vụ kỳ thi bao gồm cả an ninh, bảo vệ.
Là giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh đã đồng hành cùng con qua kỳ thi vào 10, cô Hà Thị Thu Hường khuyên sĩ tử nên bình tĩnh, tự tin, giữ tâm thế hoàn toàn thoải mái, lạc quan, vui vẻ trong suốt kỳ thi. Tâm thế này không chỉ cần ở thí sinh mà còn cần ở cả các bậc phụ huynh.
“Khi làm bài thi, thí sinh nên đọc kỹ đề bài, gạch chân những yêu cầu quan trọng, cần thiết trong đề bài, dành một khoảng thời gian để nháp, sau đó trình bày cẩn thận vào giấy thi. Khi làm bài xong cố gắng kiểm tra lại bài để có phương án bổ sung thêm nếu cần. Quan trọng nhất trong quá trình làm bài thi là cần tập trung, bình tĩnh, lạc quan”, cô Hường lưu ý.