Thí sinh tự quyết việc ghi lại hình ảnh gian lận
(VOV) - Việc ghi âm, ghi hình phát hiện tiêu cực có ảnh hưởng tới bài thi hay không thì tự thí sinh có thể quyết định được.
Ngày 4 và 5/7 tới, thí sinh khối A, A1 và V sẽ bước vào đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2013. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Bộ GD-ĐT đã và đang thúc đẩy công tác thanh tra cũng như kiểm duyệt các thiết bị được phép mang vào phòng thi. Về vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Phạm Ngọc Trúc, Phó Chánh thanh tra, Bộ GD-ĐT.
Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình để phát hiện tiêu cực, gian lận |
PV: Xin ông cho biết công tác thanh tra trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay được Bộ GD-ĐT thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Để đảm bảo cho kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Bộ GD-ĐT đã thành lập các đoàn thanh tra hoặc cử cán bộ thanh tra độc lập để thanh tra công tác coi thi, chấm thi và xét tuyển tại một số hội đồng tuyển sinh trong cả nước.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương có trường tổ chức thi ĐH, CĐ thì phải phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức thanh tra việc thực hiện quy chế tuyển sinh tại các trường trực thuộc.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH phải thành lập các đoàn để tự thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển.
Việc thanh tra thi sẽ theo 3 công đoạn: Coi thi, chấm thi và xét tuyển.
Trong thanh tra coi thi, Bộ đã cử 11 đoàn lưu động (mỗi đoàn 3 người) đi thanh tra các vùng và không báo trước cho các Hội đồng thi. Ngoài ra, Bộ cũng cử 6 cán bộ cắm chốt tại 6 địa điểm thi ở những vùng miền khó khăn, xa xôi.
Với công tác thanh tra chấm thi dự kiến có 3 đoàn (mỗi đoàn có 4 người). Theo đó, Bộ sẽ lưu ý thanh tra những Hội đồng thi mà công tác chấm thi năm 2012 không đảm bảo chất lượng.
Đối với việc xét tuyển thì Bộ sẽ chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy trình xét tuyển, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh.
PV: So với mọi năm, công tác thanh tra năm nay có đặc điểm gì mới, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Điểm mới của công tác thanh tra năm nay là tiến hành thực hiện theo hình thức lưu động, không báo trước cho các trường, hội đồng thi. Nơi nào để xảy ra tiêu cực, sai phạm có thể đoàn thanh tra của Bộ sẽ quay lại thanh tra ở những buổi thi tiếp theo.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải tăng cường hoạt động tự thanh tra cho kỳ thi sắp tới.
Ông Phạm Ngọc Trúc |
PV: Thưa ông, bắt đầu từ năm học này, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện tiêu cực, gian lận. Vậy, công tác kiểm tra, kiểm duyệt thiết bị mà thí sinh được phép mang vào phòng thi như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Công tác kiểm tra thiết bị mà thí sinh được phép mang vào phòng thi đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn tại khoản 1, Điều 24 của Quy chế tuyển sinh. Việc phát hiện gian lận, tiêu cực là trách nhiệm của Hội đồng thi, cán bộ coi thi. Vì vậy, Bộ không yêu cầu Hội đồng tuyển sinh phải bắt buộc thí sinh phải đăng ký trước, khai báo những thiết bị ghi âm, ghi hình được phép mang vào phòng thi để phát hiện tiêu cực.
Thí sinh không được mang thiết bị truyền hoặc nhận thông tin, đề bài, lời giải từ phòng thi ra ngoài và ngược lại.
Theo đó, những thiết bị mà thí sinh không được phép mang vào phòng thi gồm thiết bị không có màn hình, không có tai nghe truyền hình ảnh, âm thanh ra ngoài và ngược lại. Thiết bị không có phím chức năng bluetooth và wifi.
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi những thiết bị được phép ghi âm, ghi hình ở trong phòng thi.
PV: Nhìn nhận của ông về việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện tiêu cực, gian lận như thế nào? Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu để chống tiêu cực, gian lận không?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện tiêu cực, gian lận. Thực tế, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ đã cho thực hiện biện pháp này.
Qua 2 kỳ thi trên, Bộ GD-ĐT nhận thấy, đây là một trong những kênh giám sát xã hội đối với những người làm công tác coi thi. Từ khi áp dụng biện pháp này, hầu hết các trường hợp thí sinh vi phạm đều do cán bộ coi thi phát hiện, khác với trước đây là hầu hết các trường hợp vi phạm do thanh tra các cấp phát hiện. Điều này cho thấy trách nhiệm của cán bộ coi thi đã được nâng cao nên gian lận đã giảm đáng kể.
Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi chỉ là 1 kênh giám sát xã hội mang tính chất răn đe, ngăn ngừa gian lận, tiêu cực là chủ yếu. Đây không phải là giải pháp đặc hiệu, hữu hiệu để chống gian lận trong thi cử. Việc chống tiêu cực, gian lận trong thi cử phải là giải pháp tổng hợp gồm: Ý thức của thí sinh; tinh thần, trách nhiệm của Hội đồng coi thi.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thí sinh đi thi ĐH, CĐ là chỉ tập trung vào làm bài thi chứ việc phát hiện tiêu cực, gian lận trong phòng thi sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và tốc độ bài làm của các em. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Tôi đồng tình với ý kiến trên. Đúng là nhiệm vụ chính của thí sinh là phải tập trung làm bài thi cho tốt. Tuy nhiên, nếu trong thời gian làm bài, thí sinh phát hiện nếu có gian lận, tiêu cực thì thí sinh có quyền ghi âm, ghi hình những tiêu cực đó để lấy làm bằng chứng phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền xử lý, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau tốt hơn.
Theo tôi, việc ghi âm, ghi hình phát hiện tiêu cực với thời lượng dài hay ngắn và có ảnh hưởng tới bài thi hay không thì tự thí sinh có thể quyết định được.
Trong kỳ thi ĐH, CĐ, thí sinh không phải có trách nhiệm phát hiện gian lận, tiêu cực mà trách nhiệm này thuộc về Hội đồng thi và cán bộ coi thi. Còn nếu như gian lận, tiêu cực đó công khai mà thí sinh có thể sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình quay lại để sau này phản ánh với cơ quan chức năng sẽ không mất nhiều thời gian. Vì thế, thí sinh vẫn có thể làm bài tốt và ghi lại những hình ảnh tiêu cực là hoàn toàn có thể thực hiện được.
PV: Trong nhiều kỳ thi ĐH, CĐ trước đã xảy ra tình trạng thị hộ, thi kèm. Để ngăn chặn những trường hợp làm hồ sơ giả, thi thuê, thi hộ trong kỳ thi ĐH, CĐ, thanh tra Bộ GD-ĐT đã có những biện pháp hữu hiệu trọng tâm nào?
Ông Phạm Ngọc Trúc: Thi hộ, thi kèm không phải bây giờ mới có mà những kỳ thi trước đây đã xuất hiện và đã được ngăn chặn, xử lý. Nếu thực hiện thi hộ thì phải làm hồ sơ giả và người đi thi phải có họ tên trùng với thí sinh được thi hộ nhưng chỉ khác có ảnh. Vì vậy, khi phát hiện ra trường hợp thí sinh trùng nhau về nhiều thông tin thì Hội đồng thi có quyền yêu cầu thí sinh xuất trình chứng minh thư nhân dân vì đây là giấy tờ rất khó làm giả.
Sau khi thi xong, Hội đồng thi sẽ phải kiểm tra chữ viết của 3 bài thi. Nếu như thí sinh nhờ thi hộ 1 môn thì chữ viết của 3 bài thi sẽ không giống nhau. Còn nếu thí sinh nhờ người thi hộ cả 3 môn thì Hội đồng tuyển sinh sẽ đối chiếu chữ viết của cả 3 bài thi với chữ viết sau khi thí sinh nhập học.
Còn trường hợp thi kèm là người đi thi để lấy kết quả cho người được thi kèm. Muốn làm được điều này thì người đi thi kèm và thí sinh phải ngồi cùng trong một phòng thi. Người đi thi kèm sẽ làm bài và đưa kết quả, đọc bài cho thí sinh hoặc sau khi làm bài xong thì ghi tên, số báo danh của thí sinh.
Để ngăn chặn việc làm trên, ngay từ hôm làm thủ tục dự thi, Hội đồng thi phải xem xét kỹ ảnh, thông tin cá nhân, chứng minh thư nhân dân, thẻ dự thi. Trường hợp thí sinh nói quên hoặc mất chứng minh thư nhân dân thì Hội đồng thi yêu cầu chụp ảnh tại chỗ và làm giấy cam đoan. Sau khi thí sinh vào học thì nhà trường sẽ đối chiếu lại các thông tin, hình ảnh, chữ viết của thí sinh và nhiều thủ tục khác.
PV: Xin cảm ơn ông./.