Thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô, băn khoăn cách thực hiện

VOV.VN - Đa số ý kiến đồng tình với việc cần lắp đặt thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô, nhưng không ít người, đặc biệt là tài xế xe chở khách, bày tỏ băn khoăn với cách thức thực hiện.

Quy định về an toàn cho trẻ em trên xe ô tô đã chính thức được luật hóa tại Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.

Người dân nghĩ sao về quy định này? Các cơ quan chức năng cần lưu ý gì khi triển khai trên thực tế? 

 Anh Lưu Đình Vũ, ở Văn Lâm, Hưng Yên đã bắt đầu tìm hiểu về các thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô sau khi Luật Trật tự, ATGT đường bộ được Quốc hội thông qua. Dù mất thêm một khoản chi phí nhưng anh rất ủng hộ quy định này.

"Trẻ em không ngồi ghế trước là hợp lý. Trẻ rất hiếu động, trên đường có chướng ngại vật hoặc phanh gấp có thể tác động đến trẻ. Ngồi ghế sau và có dây an toàn thì sẽ phù hợp hơn. Sản phẩm đấy cũng giống dây đai an toàn 3 điểm của xe, phải được trang bị chính hãng, thị trường trôi nổi chưa chắc đã đảm bảo", anh Vũ cho biết.

Đa số ý kiến đồng tình với việc cần lắp đặt thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô, nhưng không người, đặc biệt là tài xế xe chở khách, bày tỏ băn khoăn với cách thức thực hiện:

"Xe của gia đình thì không nói làm gì, chứ xe của anh em kinh doanh thường là xe nhỏ, lái xe mà mang cái đấy đi thì không có chỗ nào mà để cả".

"Nghe quy định này thì mình hơi bỡ ngỡ, chưa một lần tìm hiểu hay thực hiện. Cái này nên đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để khuyến khích".

"Thị trường này mình chưa tìm hiểu, nhưng nếu luật đưa vào thực hiện thì sẽ nảy sinh các vấn đề. Mình cần có cơ chế quản lý làm sao cho chặt chẽ để người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng nhái".

 

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định bắt buộc về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô là cần thiết khi nhiều quốc gia đã triển khai từ lâu. Trẻ em ngồi hàng ghế trước có nguy cơ cao bị chấn thương nặng nếu xảy ra va chạm mạnh, có thể bị đập vào kính lái, thậm chí bị hất văng ra đường. Kể cả khi đã thắt dây an toàn thì trẻ vẫn có thể bị tụt khỏi ghế, hoặc chế độ bảo vệ không được kích hoạt do chiều cao, trọng lượng của trẻ chưa đạt như người lớn: "Quy định không để các cháu ngồi hàng ghế đầu có thể áp dụng ngay, đây là cái chúng ta có thể giải quyết trước mắt và dứt điểm. Còn thiết bị đảm bảo an toàn cho các cháu thì chúng ta vừa triển khai, vừa hướng dẫn nhân dân. Người dân phải làm quen, rồi những nơi cung cấp các loại ghế cho trẻ em ngồi trên ô tô. Xe khách rồi xe con, chúng ta nên có nghiên cứu cụ thể để hướng dẫn, có lộ trình, tránh tình trạng thời gian ngắn quá thì việc thực thi khó khăn", TS Khương Kim Tạo cho biết. 

PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng bày tỏ niềm vui khi quy định về an toàn cho trẻ trên xe ô tô lần đầu tiên được luật hóa, đáp ứng nhu cầu của xã hội khi người dân sử dụng ô tô ngày càng nhiều hơn, có hành trình dài hơn với hệ thống đường cao tốc ngày càng mở rộng.

Theo ông Cường, các quy định về điều kiện an toàn, thiết bị, độ tuổi và chiều cao của trẻ đã tiệm cận được các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến ngày 1/1/2026 không còn nhiều, và nhiều việc cần được thực hiện để đưa quy định vào cuộc sống.

"Thứ nhất, cần đảm bảo sự sẵn có của những thiết bị này trên thị trường. Đa phần chúng ta nhập từ nước ngoài về, giá thành không phải quá đắt, nhưng để đảm bảo tiếp cận thị trường tốt nhất thì tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn bài học từ mũ bảo hiểm, khi chúng ta đưa ra luật thì ngay sau đó thị trường xuất hiện những mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Thế nên, quy chuẩn về thiết bị, quy chuẩn về sản xuất, kiểm soát chất lượng là điều rất quan trọng.

Thứ ba, xe công cộng hoặc xe kinh doanh không có sẵn thiết bị này. Chúng ta có thể học hỏi từ các nước, triển khai theo lộ trình nhất định: xe cá nhân trước, rồi sau đó vận động các công ty kinh doanh vận tải. Nhiều nước có thêm lựa chọn, khi đặt xe thì đặt thêm ghế cho trẻ em trên xe chẳng hạn".

Còn TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản thì nhấn mạnh vai trò giám sát của các lực lượng chức năng để người dân thực hiện nghiêm túc:

"Ý thức về trang thiết bị an toàn trên xe ô tô hiện nay của phần lớn lái xe còn yếu. Hầu hết trường hợp chúng ta chỉ thấy là người lái xe có thắt dây an toàn thôi, còn tất cả người khác ngồi trên xe thì rất hiếm. Đặc biệt nữa là không có mấy trường hợp người lái xe chủ động mua thêm ghế đặc biệt dành cho trẻ em. Chúng ta đã có quy định rồi thì tiếp theo cần phát hiện vi phạm và xử phạt, dần dần mới hình thành ý thức, từ đó nâng cao sự an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô".

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thí điểm lắp đặt thiết bị an toàn đường ngang đường sắt
Thí điểm lắp đặt thiết bị an toàn đường ngang đường sắt

Ngành sẽ tăng cường đặt gương cầu lồi, hệ thống đèn tín hiệu có chu kỳ phát sáng màu vàng nhằm gây sự chú ý của người tham gia giao thông đường bộ mỗi khi đi qua đường ngang.

Thí điểm lắp đặt thiết bị an toàn đường ngang đường sắt

Thí điểm lắp đặt thiết bị an toàn đường ngang đường sắt

Ngành sẽ tăng cường đặt gương cầu lồi, hệ thống đèn tín hiệu có chu kỳ phát sáng màu vàng nhằm gây sự chú ý của người tham gia giao thông đường bộ mỗi khi đi qua đường ngang.

Kinh doanh karaoke tại Tiền Giang phải sử dụng vật liệu, thiết bị an toàn PCCC
Kinh doanh karaoke tại Tiền Giang phải sử dụng vật liệu, thiết bị an toàn PCCC

VOV.VN - Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (công an tỉnh Tiền Giang) vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đoàn đến kiểm tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar trên địa bàn tỉnh.

Kinh doanh karaoke tại Tiền Giang phải sử dụng vật liệu, thiết bị an toàn PCCC

Kinh doanh karaoke tại Tiền Giang phải sử dụng vật liệu, thiết bị an toàn PCCC

VOV.VN - Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (công an tỉnh Tiền Giang) vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đoàn đến kiểm tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar trên địa bàn tỉnh.