Thiết bị dạy học hư hỏng nhưng không thể mua sắm vì vướng cơ chế

VOV.VN - Nhiều trường học ở Bình Dương đang trong tình trạng trang thiết bị học tập thiếu, hư hỏng, nhất là bàn ghế...làm ảnh hưởng đến việc dạy và học. Điều này cũng khiến phụ huynh lo lắng cho an toàn, sức khỏe của con em mình mỗi khi đến trường. Thế nhưng, Bình Dương vẫn chưa thể mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập để kịp thời phục vụ giảng dạy vì thiếu linh hoạt và vướng cơ chế.

 

Năm học 2023-2024, Bình Dương có 548.000 học sinh các cấp đang theo học ở 732 trường. Mặc dù, Bình Dương ưu tiên quỹ đất, ngân sách xây trường, nhưng vẫn không kịp với tốc độ học sinh tăng. Nhiều trường không đủ lớp học nên phải dồn học sinh với sĩ số lớp vượt cao so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài thiếu trường lớp, ở Bình Dương còn có tình trạng dụng cụ học tập, bàn ghế, quạt vừa thiếu vừa hư hỏng nhưng vẫn chưa được thay mới. Vấn đề này khiến phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của con em mình.

Ông Nguyễn Hồng Cường, phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở TP. Thuận An than thở, nhiều trường bàn ghế xuống cấp, không có hộc bàn nên các cháu học sinh phải mang tất cả sách vở về nhà. Đối với học sinh tiểu học, hằng ngày mang ba lô nặng sẽ ảnh hưởng sức khỏe, xương, khớp về sau. 

“Đối với trường bán trú hiện nay, bàn đa năng bình thường để học đến buổi trưa thì mở ra thành cái giường cho các bé nằm. Thế nhưng, hiện nay bàn hư bản lề, xuống cấp nên các bé không nằm được. Một số lớp cô giáo phải mua chiếu trải xuống nền cho học sinh nằm ngủ trưa, vừa nóng, vừa mất vệ sinh và lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe các cháu", ông Nguyễn Hồng Cường chia sẻ.

Còn ông Trịnh Trọng Dương, phụ huynh học sinh trường THCS Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một tâm sự, thấy con ngồi học mà mặt bàn, mặt ghế bong tróc cũng xót ruột: "Nhà trường năm nào cũng tổng kết năm học và báo cáo công tác giáo dục đạt chất lượng cao, rất nhiều học sinh đạt chất lượng cao nhưng cơ sở vật chất thì rất tồi tàn, phòng nào cũng vậy. Cán bộ giáo viên, nhà trường cũng rất đau đầu về vấn đề này. Dạy học trong cơ sở tốt thì vẫn thoải mái hơn, còn học sinh đâu ai muốn học ở lớp cơ sở vật chất xuống cấp. Do đó, tôi kiến nghị cơ quan chức năng đầu tư cơ sở vật chất”.

Phụ huynh đã liên tục kiến nghị với nhà trường, đồng thời có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp. Thế nhưng việc mua mới, sửa chữa bàn ghế, quạt treo tường vẫn chưa được thực hiện.  

Vướng cơ chế

Lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương thừa nhận chưa giải quyết được tình trạng này vì vướng cơ chế mua sắm tập trung. Năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là đơn vị thực hiện mua sắm tập trung trang thiết bị của ngành với 7 loại, gồm: máy tính các loại; máy chiếu; bảng tương tác; màn hình cảm ứng; tivi các loại; bàn, ghế học sinh các cấp học; thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Sở gặp một số khó khăn vướng mắc do chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán... Vì vậy, Sở phải chỉ đạo các phòng Giáo dục-Đào tạo, các trường tận dụng bàn ghế cũ, quạt cũ sửa chữa lại để dùng tạm.

Bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết: “Tháo gỡ những khó khăn và thuận lợi cho các đơn vị trong việc mua sắm tập trung dễ dàng, kịp thời, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị tổng hợp nhu cầu mua sắm địa phương trình UBND tỉnh. Để UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh, hoặc bổ sung những nội dung trong quy trình mua sắm tập trung”.

Chủ trương mua sắm tập trung là một cải cách phương thức quản lý tài chính, phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, việc mua sắm tập trung phải thông qua nhiều đầu mối sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian. Lo lắng cho con em, nhiều lớp phụ huynh đã góp tiền mua mới, sửa chữa quạt, rèm, bàn ghế.

Để có thể mua sắm được trang thiết bị học tập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ban giám hiệu các trường kiến nghị, UBND tỉnh cần xem xét linh hoạt theo nhu cầu của từng đơn vị và có cơ chế phân bổ cho địa phương, phòng Giáo dục- Đào tạo chủ động mua sắm những vật dụng riêng lẻ, số lượng ít, chứ không quy về một đầu mối là Sở Giáo dục-Đào tạo.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới
Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới

VOV.VN - Năm học mới 2023-2024 sắp bắt đầu, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã hoàn thiện các bước cuối cùng để chuẩn bị khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 tới.

Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới

Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình mới

VOV.VN - Năm học mới 2023-2024 sắp bắt đầu, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã hoàn thiện các bước cuối cùng để chuẩn bị khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 tới.

Phụ huynh lúng túng với “ma trận giá” các bộ thiết bị dạy học tiểu học
Phụ huynh lúng túng với “ma trận giá” các bộ thiết bị dạy học tiểu học

VOV.VN - Theo chuyên gia, ngoài SGK thì giá các bộ thiết bị dạy học tối thiểu cũng cần được quan tâm, cần có giải pháp tổng thể từ các cơ quan quản lý để có thể đưa các thiết bị này vào danh mục kê khai giá, các đơn vị cung ứng cũng cần có giải pháp để hạ giá thành, giảm áp lực cho phụ huynh.

Phụ huynh lúng túng với “ma trận giá” các bộ thiết bị dạy học tiểu học

Phụ huynh lúng túng với “ma trận giá” các bộ thiết bị dạy học tiểu học

VOV.VN - Theo chuyên gia, ngoài SGK thì giá các bộ thiết bị dạy học tối thiểu cũng cần được quan tâm, cần có giải pháp tổng thể từ các cơ quan quản lý để có thể đưa các thiết bị này vào danh mục kê khai giá, các đơn vị cung ứng cũng cần có giải pháp để hạ giá thành, giảm áp lực cho phụ huynh.