Thiếu nước, nhiều khu vực ở Bà Rịa – Vũng Tàu phải dùng nước luân phiên theo giờ
VOV.VN - Nguồn nước phục vụ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được lấy từ 8 hồ chứa nước. Hiện các hồ đang khô cạn, vì vậy tình trạng thiếu nước cục bộ vào cao điểm đã xảy ra ở một số khu vực xa trung tâm, có nơi phải cấp nước luân phiên theo giờ trong những ngày nắng nóng kéo dài.
Yếu chứ không phải thiếu
Ông Lê Văn Lý, nhà ở đồi Đức Mẹ thuộc thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 10 năm trước gia đình ông có ký hợp đồng với Trung tâm nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để được dùng nước sạch sinh hoạt.
Tuy nhiên, do vùng đồi núi cao, áp lực nước không mạnh nên gia đình ông ít khi dùng đến nguồn nước này. Dần dần, gia đình ông không sử dụng nguồn nước này nữa mà chuyển sang dùng nước giếng khoan để vừa sinh hoạt vừa tưới mấy sào cây ăn trái.
Theo ông Lý, vì áp lực yếu nên khi mở van, nước không đi qua đồng hồ nhưng chỉ số vẫn chạy. Chính vì vậy, gần 100 hộ dân trong vùng chuyển qua sử dụng giếng khoan, chỉ còn vài hộ dùng nước của Trung tâm nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
"Hầu hết dân ở khu vực này hầu hết thuộc trung tâm đồi Đức Mẹ, nước sinh hoạt rất yếu, trước đây vào ban ngày là không có nước luôn nên nhiều người vào đồng hồ nước mà không dùng được. Nếu ít hộ dùng thì may ra có nước, còn đông người dùng thì không có. Chỉ vào nước máy thời gian gắn thôi thì người dân phát hiện nước yếu nên phải thay đổi. Trung tâm nước sạch chỉ đầu tư bơm cao áp may ra nước mới ổn định, còn không dùng này chỉ dùng nước giếng khoan", ông Lý nói.
Còn bà Võ Thị Ri, khu phố Phước Trung, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ cho biết, khu vực này không thiếu nước. Tuy nhiên nước của Trung tâm nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn rất yếu. Vào mùa khô, hàng ngày cứ tầm 5 giờ sáng và 5 giờ chiều nước chảy nhỏ giọt rất khó chịu. Chính vì nước yếu nên gia đình bà Ri khoan thêm giếng để đủ nước cho sinh hoạt và bán quán.
"Nhà tôi sử dụng 2 nguồn nước từ giếng khoan và nước máy, sử dụng nước máy mùa này không đáp ứng được. Một nguồn thì sử dụng trong nhà, còn nguồn nước sạch thì dùng tắm, giặt, rửa ly ở quán. Nguồn nước máy có hôm chảy rỉ rỉ, nhỏ giọt… canh nước để rửa ly cà phê phải canh cả buổi. Nguồn nước máy khi mới lắp thì cũng chảy, cách đây mấy hôm không chảy luôn", bà Ri cho hay.
Mua thêm nước, lắp thêm ống
Theo UBND huyện Châu Đức, trên địa bàn có khoảng 4.500 hộ dân không sử dụng nước máy do Trung tâm nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp. Còn những khu vực dân cư thưa thớt, vùng đồi núi… hầu hết người dân chỉ dùng nước giếng khoan.
Nguyên nhân là do tập quán của một bộ phận người dân nông thôn không quen sử dụng nước máy, mặc khác những khu vực này nguồn nước chỉ để tưới nông nghiệp, ít sử dụng cho sinh hoạt.
Đối với những khu vực có nguồn nước máy như xã Cù Bị mùa khô vẫn xảy ra tình trạng nước yếu. Từ 15/4 đến nay, tại 7 thôn của xã Cù Bị người dân sử dụng nước luân phiên theo giờ.
Ông Lê Văn Tứ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức nói: "Tại xã Cù Bị hiện nguồn nước cung cấp không đủ, nên đã có thông báo đến người dân cấp nước luân phiên. Hiện tại Cù Bị có 2 nguồn nước: 1 là nước thô từ giếng khoan với công suất 1.000m3/ngày/đêm, tuy nhiên nguồn nước ngầm tụt xuống nên nước bị gián đoạn; hai là nguồn nước từ Trung tâm nước sạch thì cấp nước luân phiên, xen kẻ trong ngày".
Huyện Đất Đỏ có 4 hồ bao gồm: Đá Bàng, Suối Môn, Sở Bông và hồ Lồ Ồ cung cấp nước cho bà con các xã: Long Tân, Phước Long Thọ, Láng Dài, thị trấn Đất Đỏ.
Ông Trần Văn Dũng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đất Đỏ cho biết, hiện trữ lượng tại các hồ đang ở mức thấp. Riêng hồ Đá Bàng cấp nước sinh hoạt, mực nước chỉ còn 1,5 triệu/11,3 triệu m3.
Đang cao điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng mạnh. Tuy nhiên, huyện Đất Đỏ không xảy ra tình trạng thiếu nước, nước chỉ yếu vào giờ cao điểm do nhiều người sử dụng cùng lúc.
Trước thực tế này, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, có biện pháp dự trữ nước vào thấp điểm. Đối với tưới nông nghiệp, bà con nên áp dụng biện pháp tưới hiện đại, tiết kiệm.
Cũng theo ông Dũng, về lâu dài huyện đã có kế hoạch đầu tư thêm 10 km tuyến nước sạch để đấu nối vào các vùng đồi cao, dân cư thưa thớt.
"Đối với những vùng xa khu dân cư thì tỉnh cũng quan tâm và đã có khảo sát có hướng đầu tư đường ống mới. Nếu được UBND tỉnh chấp thuận thì huyện sẽ đầu cho vào khu vực xa dân cư như xã Láng Dài (khu vực Land), ven núi ở xã Long Mỹ. Trung tâm nước sạch cũng đã xem xét khoảng 10 km đường ống dẫn nước chính vào những khu vực này", ông Dũng chia sẻ.
Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị đang vận hành 7 nhà máy cấp nước, trong đó có 2 nhà máy nước ngầm với công suất thiết kế gần 53.400 m3/ngày đêm. Hiện nay, Trung tâm đang cung cấp từ 55.000 đến 57.000 m3/ngày đêm.
Ông Nguyễn Lưu Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để đảm bảo nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân, mỗi ngày đơn vị phải mua thêm từ 2.000– 3 .000 m3 từ Công ty Cổ phẩn cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu (BWACO), Công ty Cổ phần cấp nước Châu Đức và Công ty TNHH cấp nước Tóc Tiên.
Dự kiến, qua tháng 5, Trung tâm sẽ mua thêm khoảng 3000m3, nâng tổng lượng nước mua từ doanh nghiệp khoảng 5000 đến 6000m3/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt tăng cao của người dân.
"Về lâu dài sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp các nhà máy cấp nước hiện hữu, đầu tư mở rộng tuyến ống truyền tải để dẫn nước đến các vùng xa. Kết nối tất cả các nhà máy nước theo quy hoạch chung của tỉnh", ông Thuyên cho biết thêm.
Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng nắng nóng đang kéo dài, chuẩn bị vào cao điểm lễ 30/4, lượng khách đến địa phương rất đông, do vậy Trung tâm khuyến cáo các đơn vị du lịch, người dân chủ động có kế hoạch dự trữ nước vào đêm, sử dụng nước vào ban ngày để người dân và du khách có đủ nước dùng.