Thoát nghèo cần tính đến bền vững

Chương trình 135 đã đem lại hiệu quả nhất định, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng nhìn một cách tổng thể người dân vẫn chưa thực sự được thụ hưởng một cách tương xứng so với nguồn vốn đầu tư.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Lai Châu, từ năm 2006-2009, đã có gần 30.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; trên 24.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 22.800 hộ. Người dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, học sinh được đến trường, công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm... điều đó có sự đóng góp không nhỏ từ chương trình 135. 

Còn không ít cái “vênh”

Trong giai đoạn 2 của chương trình 135, tỉnh miền núi Lai Châu được hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất...  Mặc dù các chương trình đã đem lại hiệu quả nhất định, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng nhìn một cách tổng thể người dân vẫn chưa thực sự được thụ hưởng một cách tương xứng so với nguồn vốn đầu tư. Chỉ còn 1 năm nữa kết thúc giai đoạn 2 của chương trình nhưng đến thời điểm này chưa có xã nào ở Lai Châu thoát ra khỏi chương trình 135. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao, số hộ đã thoát nghèo thì phần lớn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do: thứ nhất, chương trình xóa đói giảm nghèo chưa phát huy được nội lực của địa phương, đặc biệt là nguồn lực lao động;  thứ 2, một số hộ dân còn có tư tưởng trông chờ vào nhà nước, chưa chủ động phát triển kinh tế gia đình, ngoài thu nhập từ ruộng, nương người dân không có nguồn thu khác. Vì thế, tuy được hỗ trợ khá nhiều, nhưng người dân vẫn không có được "chiếc cần câu"  để có thể ổn định cuộc sống lâu dài. 

Ông Phạm Bá Quyết - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên nói: “Chúng tôi đã giảm nghèo được từ 59,59% xuống còn 29%. Đây là kết quả đáng khích lệ nhưng tính bền vững lại chưa cao. Để thoát nghèo bền vững, lâu dài là bài toán, bởi nhiều hộ thoát nghèo nhưng vẫn ở mức cận nghèo nên cần có động lực”.

Bốn năm qua, tỉnh Lai Châu đã được hỗ trợ hàng trăm mô hình sản xuất các loại, trong đó chủ yếu là mô hình chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò). Tuy nhiên, thực hiện các mô hình này thời gian thu hồi vốn rất lâu trong khi đó  rủi ro rất lớn (dịch bệnh, giá rét).  Bên cạnh đó bà con được hỗ trợ hàng trăm tấn lúa, ngô giống, hàng nghìn giống cây con các loại.  Tuy nhiên, so với nguồn vốn bỏ ra kết quả thu được chưa thật sự tương xứng; tiến độ thực hiện các dự án còn chậm, nhân dân các dân tộc, đặc biệt vùng xâu, vùng xa đã quen với tập quán canh tác cũ, chậm làm quen với  khoa học kỹ thuật. Một số nội dung hỗ trợ còn dàn trải thiếu tính quy hoạch nên hiệu quả thấp. 

Từ thực tế sản xuất của chính gia đình mình, anh Lò Văn Đôi, bản Mường, xã Mường Kim, huyện Than Uyên nói: “Chúng tôi đang thiếu nước, thiếu kinh nghiệm… để sản xuất. Trồng hoa màu, làm thêm đậu tương, khoai tây mà không có nước thì không làm được”.

Còn tại Lào Cai, Chương trình 135 giai đoạn 2 bước đầu làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao ở tỉnh. Tuy nhiên, nhiều hạng mục chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn thiện nên không phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội một cách tương xứng với nguồn vốn của dự án.

Bên cạnh đó, dự án nâng cao năng lực cho cán bộ xã cũng còn bất cập. Cụ thể là cán bộ chuyên môn lại làm kiêm nhiệm nên phương pháp sư phạm còn hạn chế. Một số khác không biết tiếng dân tộc nên khi truyền đạt, trao đổi  với người dân trong các lớp tập huấn gặp khó khăn. Trình độ, năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế nên việc giao cho cấp xã làm chủ đầu tư các công trình bị lúng túng. Thậm chí, có những nơi, cán bộ xã chỉ nêu được tên công trình, còn các vấn đề liên quan khác thì không nắm được.

Cần sự đồng bộ của các chương trình

Theo ông Đỗ Duy Lợi, Phó Bí thư huyện ủy Bát Xát (Lào Cai) thì cần phải có một kế hoạch đầu tư bài bản hơn: “Chú ý việc hỗ trợ nguồn kinh phí để đào tạo cho đội ngũ lao động lâu dài. Hiện nay chương trình này mới đang đào tạo ngắn hạn và tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc là chủ yếu. Xin đề nghị với Đảng và Nhà nước là có chính sách riêng để thu hút cán bộ có trình độ cao lên vùng cao, vùng sâu” – ông Đỗ Duy Lợi nói.

Qua tổng kết thực tế thực hiện chương trình, Lào Cai đã rút ra một số kết luận như: Mặc dù công tác bình xét đối tượng hưởng lợi được thực hiện từ cơ sở, nhưng vẫn có tình trạng không chính xác. Một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội  không đạt so với kế hoạch.  Ví dụ như giao thông nông thôn chưa an toàn cả 4 mùa trong năm; mới có 40% số trạm y tế xã đạt chuẩn, 65% các điểm trường, lớp được kiên cố; nhiều điểm dân cư ở thưa thớt nên công trình dân sinh đầu tư còn bị lãng phí. Cùng với việc triển khai chương trình 135, hầu hết các xã đều có các chương trình mục tiêu Quốc gia và các dự án liên quan đến xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy để tránh chồng chéo,  theo ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cần phải có một đầu mối quản lý chung. “Nghị quyết Trung ương 7 đã có chương trình nông nghiệp – nông dân – nông thôn và đã đưa ra 19 tiêu chí. Các Bộ, ngành căn cứ vào tiêu chí đó để đánh giá cần phải đầu tư cái gì, làm cái gì…” – ông Cường nói.

Chương trình 135 lồng ghép giảm nghèo đối với các xã đặc biệt khó khăn  phải tính đến điều kiện khách quan về địa lý, thiên nhiên, điều tiết đất ở, đất sản xuất sinh hoạt cho dân là rất khó, hoặc chúng ta có quỹ đất nhưng đất đó không đem lại hiệu quả trong sản xuất nên dân không thể phát huy được. Vấn đề này quá tầm xử lý của chính quyền địa phương, mà các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải có kế hoạch, giúp cho các xã đặc biệt khó khăn tìm được hướng phát triển cây gì, con gì cho phù hợp với chất đất và điều kiện của địa phương đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên