Thổn thức nhớ về Tết của Việt cô dâu xa xứ

VOV.VN - Hoàn cảnh cuộc sống làm dâu xứ người nên ngày trở về đón Tết tại quê nhà luôn là  khát khao cháy bỏng trong tâm can của những người phụ nữ Việt

Với người Việt, một năm làm việc vất vả, Tết là dịp ông bà, con cháu sum vầy. Ngày Tết cổ truyền được coi như là “ngày trở về” cội nguồn, với quê cha đất tổ. Thế nhưng, tại Hàn Quốc, do hoàn cảnh cuộc sống và làm dâu xứ người nên ngày trở về đón Tết tại quê nhà luôn là một khát khao cháy bỏng trong tâm can của những người phụ nữ Việt.

Cô dâu Việt tự tin để thể hiện mình trên xứ sở Kim Chi.

Hôm chúng tôi đến, căn hộ chung cư của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết Lan nằm ở tầng 16 ở Suwon, Jangan (Hàn Quốc) đã ngập tràn không khí mùa xuân mới. Gần 6 năm xa quê hương, đón 5 cái Tết nơi xứ lạ, dù điều kiện vật chất tương đối hơn nhưng chị Tuyết Lan vẫn không quên được Tết đoàn viên nơi quê nhà. Những lời chị dạy con nói câu chúc mừng năm mới bằng Tiếng Việt đã nói lên những cảm xúc mãnh liệt nhớ Tết quê của chị.

Thời tiết lạnh, tuyết rơi phủ kín lên tận nóc nhà, không có lấy một bông hoa, quan hệ hàng xóm láng giềng không như tại quê nhà, trong suốt những ngày Tết, bên ngoài trời lạnh cóng, gia đình chỉ có ngồi trong nhà và ăn uống. Vì thế, nỗi nhớ quê Ô Môn, Cần Thơ ngày Tết của chị Tuyết Lan luôn quay quắt, nhiều lúc chỉ biết khóc thầm.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu khi nét văn hóa cũng có những điểm khác biệt, những cô dâu việt như chị Tuyết Lan phải mất không ít thời gian để thích ứng, tự tin hơn khi sinh sống trên quê hương thứ 2: “5 năm rồi em không biết mùi Tết Việt Nam là gì. Em bên đây là dâu trưởng. Vì thế dịp Tết hay dịp Trung thu là phải cúng, thêm đám giỗ... một năm là 5 đám. Em rất nhớ Tết Việt nhưng ở đây cũng có một số chị em tụm nhau lại để vui Tết. Thường dịp Tết chúng em làm các món ăn truyền thống Việt Nam như thịt kho Tàu, gỏi cuốn, dưa chua ăn với bánh chưng, bánh tét, chả”.

Tại gia đình của chị Phạm Minh Kha quê ở Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, câu chuyện được mở đầu bằng lời kể của một phụ nữ Việt nghèo đi lấy chồng Hàn Quốc từ sự giới thiệu để mong muốn thay đổi cuộc sống. Lúc mới sang tới thành phố Suwon, tiếng Hàn chỉ nói được vài tiếng, người Việt thì chưa quen một ai, đường phố thì hoàn toàn xa lạ nên ngày bình thường đã buồn. Riêng cái Tết xa quê đầu tiên, mọi hoạt động chỉ diễn ra trong căn hộ nhỏ, là kỷ niệm khó phai trong tâm trí.

Đoàn phóng viên VOV ăn Tết cùng các cô dâu Việt.

Nhớ về cái Tết đầu tiên, xa quê hương, khi gọi điện về chúc Tết gia đình ở vùng sâu còn nhiều khó khăn, cả 2 mẹ con chị Kha đều khóc cạn nước mắt. Bây giờ đã quen dần hơn với hoàn cảnh sống nhưng Tết Việt luôn ăn sâu trong tiềm thức chị: “Lúc còn ở Việt Nam ngày Tết thường thường em bán rau ngoài chợ chung với bố mẹ. Mấy ngày Tết đông vui lắm. Lúc giao thừa thì chuẩn bị đồ cúng. Giờ dịp Tết gọi điện về chúc Tết ông bà, cha mẹ. Em hay gọi Facebook để thấy mặt. Cũng vơi bớt phần nào nhưng không thay thế được. Thấy ai về Việt Nam ăn Tết mình cũng tủi thân lắm. Em gốc Việt nên không thể quên nguồn gốc mình được”.

Ngày Tết với những cô dâu Việt ở Hàn Quốc là như thế, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Có nước mắt và cũng có nụ cười xen lẫn. Tuy nhiên, ngoài chuyện ăn Tết buồn thì với chị Nguyễn Thị Thanh Xuân ở quê ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, chị khá hài lòng với cuộc sống hiện tại bên người chồng Hàn của mình cùng đứa con nhỏ. Đặc biệt, người chồng rất thích món bánh tét đặc trưng vùng Nam bộ  nên mỗi khi Tết cổ truyền của dân tộc, chị Xuân luôn phấn khởi làm thêm vài món mang đặc hương vị quê nhà. “Bên này cứ Tết đến là nôn nao. Cứ lâng lâng, khó tả lắm. K‎ý ức luôn nhớ về những kỷ niệm đẹp bên quê nhà. Em cũng mong là sẽ dẫn cả gia đình về Việt Nam ăn Tết”.

Giờ đây, việc đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam càng thuận lợi hơn với các chuyến bay được tăng liên tục vào thời gian cao điểm. Cùng với đó, việc kết nối giữa các cá nhân qua mạng xã hội cũng thuận lợi hơn giúp cho khoảng cách về địa lý cũng như việc trao đổi thông tin trong cộng đồng đã được thu hẹp lại đáng kể.

Tuy vậy, với những cô dâu Việt xa quê sinh sống trên xứ sở Kim Chi những ngày này luôn đau đáu nhớ về quê nhà, nhớ về những người thân yêu, ruột thịt của mình. Thật vậy, quê hương vẫn luôn là tiếng gọi thiêng liêng, thôi thúc những người xa xứ trở về vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giúp cô dâu Việt tại Hàn Quốc không phải buồn và khóc
Giúp cô dâu Việt tại Hàn Quốc không phải buồn và khóc

VOV.VN - Các cô dâu Việt tại Hàn Quốc được dạy tiếng, học nghề và tìm việc làm phù hợp… nên sẽ giảm bớt sự buồn chán, nhớ nhà.

Giúp cô dâu Việt tại Hàn Quốc không phải buồn và khóc

Giúp cô dâu Việt tại Hàn Quốc không phải buồn và khóc

VOV.VN - Các cô dâu Việt tại Hàn Quốc được dạy tiếng, học nghề và tìm việc làm phù hợp… nên sẽ giảm bớt sự buồn chán, nhớ nhà.