Thông xe Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên
(VOV) -Đây là dự án xây dựng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Hà Nội.
Sáng nay (13/7), tại xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ cắt băng, thông xe và đưa vào khai thác Quốc lộ 3, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên.
Các đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội, Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng dự lễ và cắt băng thông xe.
Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài 63,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, với điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Ninh Hiệp, thành phố Hà Nội, đoạn giao với Quốc lộ 1A mới, điểm cuối nối vào đầu tuyến đường tránh thành phố Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư dự án là 10.004 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỷ đồng và vốn đối ứng Việt Nam hơn 3.340 tỷ đồng. Đây là đoạn tuyến đường cao tốc sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đầu tiên được hoàn thành và đưa vào khai thác tại Việt Nam.
Quốc lộ 3 được thiết kế đạt quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 km/h. Dự án được chia làm 2 đoạn chính: đoạn từ Ninh Hiệp đến Sóc Sơn sẽ được khai thác với quy mô 4 làn xe cao tốc, 100 km/h; đoạn từ Sóc Sơn đến Thái Nguyên sẽ được khai thác với qui mô 4 làn xe cấp I, tốc độ 80km/h.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 2 làm đại diện chủ đầu tư; Tư vấn thiết kế và giám sát là Liên danh Tư vấn NIPPON KOEI - JBSI phối hợp với Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Toàn bộ Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp, do các nhà thầu trong nước thi công.
Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên là công trình xây dựng đường bộ cao tốc có quy mô lớn, có 19 cầu và 6 nút giao khác mức, yêu cầu khắt khe về chất lượng, lại triển khai trong giai đoạn kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn; giá nguyên vật liệu biến động mạnh; nguồn vốn tín dụng tăng cao, cộng với công tác giải phóng mặt bằng ở một số đoạn bị chậm nên quá trình triển khai Dự án gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên được sự quan tâm, hỗ trợ và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ ngành liên quan và các địa phương có dự án đi qua cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Ban quản lý dự án 2, Tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công, ngày 30 tháng 06 năm 2013, các nhà thầu đã hoàn thành đoạn tuyến chính đi qua địa phận tỉnh Thái Nguyên từ Km32+000 đến Km63+800 với chiều dài 31,8km và đang tiếp tục nỗ lực triển khai thi công các gói thầu còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối tháng 12 năm nay.
Để đảm bảo cho giao thông đi lại thuận lợi, được sự cho phép của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thông xe kỹ thuật đưa vào khai thác tạm thời đoạn tuyến chính đi qua địa phận tỉnh Thái Nguyên. Các hạng mục còn lại, bao gồm các nhánh Ramp và các hạng mục phụ trợ đang được tiếp tục thi công, hoàn thiện và khai thác đồng bộ toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc vào cuối tháng 12/2013.
Sau lễ thông xe, để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trong quá trình khai thác tạm thời, các phương tiện được lưu thông trên Quốc lộ 3 mới sẽ gồm: xe ô tô con, xe tải nhẹ trọng tải dưới 10 tấn. Vận tốc lưu hành trong thời gian khai thác tạm thời của các loại phương tiện tối đa là 60 km/giờ; Các phương tiện không được lưu thông trên đường là: xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy, nổ, xe quá khổ, quá tải.
Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Hà Nội, là đầu mối giao thông vận tải giữa vùng thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển..., đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận, đồng thời tạo điều kiện đẩy nhanh sự hình thành các khu đô thị vệ tinh cũng như các khu Công nghiệp của thành phố, làm giảm áp lực nội đô về dân số, giao thông và môi trường Thủ đô./.