Thu phí giao thông - khó tìm ra lối thoát
Giải quyết bài toán ách tắc giao thông phải bằng những giải pháp đồng bộ và tận gốc. Không thể đặt ra chính sách dựa trên ý tưởng hay lợi ích nhóm…
Để giải quyết nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, hay để tổ chức giao thông êm thuận trên các tuyến quốc lộ, một trong những giải pháp từ gốc là đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông. Nhưng thời gian qua, cơ quan chức năng và các địa phương dường như chỉ lo đến chuyện thu phí và tăng phí thu từ phương tiện giao thông. Nếu chỉ giải quyết từ ngọn như vậy thì bài toán giao thông xem ra khó tìm được lối thoát.
Cách đây vài năm, thủ đô Hà Nội từng đề xuất việc thu phí phương tiện giao thông vào giờ cao điểm. Trước đó nữa, thậm chí còn có ý tưởng xe biển chẵn đi ngày chẵn, xe biển lẻ đi ngày lẻ. Gần đây, trong hội nghị do Cục đường bộ tổ chức với sự tham gia của đại diện thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đại diện ngành cảnh sát giao thông, vẫn có ý kiến đề nghị các thành phố lớn này ngừng đăng kí xe máy trong 3 năm. Có ý kiến là nên mềm hóa việc buộc học sinh, sinh viên đi xe buýt, bằng cách cho sinh viên học vào thứ bảy, chủ nhật, và nghỉ bù vào 2 ngày thường!
Thành phố Hồ Chí Minh mới đây có chủ trương thu phí xe ôtô đi vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm. Và gần đây nhất, nếu như không có việc sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) gây cản trở giao thông thì có lẽ việc lập thêm 3 – 4 trạm thu phí trong vòng bán kính 10 km để “thu đúng, thu đủ” khi chưa đủ tính pháp lí, vẫn được xem là “sáng kiến” của Cục đường bộ.
Nhắc lại những việc vừa qua để thấy rằng giải quyết bài toán ách tắc giao thông phải bằng những giải pháp đồng bộ và tận gốc. Không thể đặt ra chính sách dựa trên ý tưởng hay lợi ích nhóm. Nên tiếp thu cái thực sự hay của nước ngoài. Chẳng hạn như Singapore làm qui hoạch đô thị đi trước rất nhiều so với sự biến động dân số và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hay thủ đô Bangkok của Thái Lan dù không làm trước được qui hoạch đô thị nhưng quyết tâm chi tới 42 tỉ USD để cải thiện hạ tầng giao thông. Còn ở nước ta thì thế nào? Chỉ thấy đề xuất thu phí, thu phí, và tăng phí thu. Rất ít thấy những đề xuất khả thi nào về cải thiện hạ tầng giao thông, hay hoàn thiện qui hoạch đô thị, hoặc có thể nhanh chóng chuyển các cơ quan, trường học, nhà máy ra xa nội đô...
Trên đường quốc lộ cũng có tình trạng tương tự. Lẽ ra cần qui hoạch lại mạng lưới trạm thu phí cầu đường theo đúng như qui định, thì Cục đường bộ chỉ mải lo chuyển quyền thu phí đường bộ cho các nhà đầu tư BOT, hoặc đấu giá nhượng quyền thu phí cho các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế. Việc này được cho là nhằm sớm thu về khoản tiền lớn dành cho đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống đường sá, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, vì đấu thầu, khoán thu nên phí giao thông đã tăng nhanh lại không đồng đều giữa nơi này với nơi khác, gây nhiều thắc mắc. Cùng một loại xe lưu thông trên một quốc lộ, nhưng trạm thu phí ở Thanh Hoá lại thu gấp đôi trạm ở các tỉnh khác. Trường hợp gần đây nhất là ở hầm đường bộ Hải Vân, 2 cửa hầm Bắc - Nam thu 2 mức phí khác nhau chênh lệch đến 150%. Cùng với đó, việc vi phạm quy định về khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm thu phí liền kề là 70km có xu hướng gia tăng. Công nghệ thu phí thì lạc hậu, tình trạng tiêu cực quay vòng vé, cho xe quen biết qua không cần vé,... vừa gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, vừa khiến dư luận bất bình.
Đó là chưa kể đến cách làm từ ngọn, tìm cách thu thêm phí trên thực tế cũng chưa chắc có hiệu quả. Như ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu tổ chức thu phí ôtô vào nội đô thì riêng đầu tư mua sắm trang thiết bị cho việc này đã phải chi hàng trăm tỉ đồng. Còn trên các tuyến quốc lộ, thêm một trạm thu phí là thêm tiền xây nhà trạm, trang thiết bị và tiền lương cho những người làm việc ở đây.
Kinh phí là quan trọng, nhưng khả năng quản lí điều hành mới quyết định. Nếu chưa có giải pháp đồng bộ thì cần những quyết sách phù hợp. Đối với các thành phố lớn có thể là hoàn thiện hạ tầng, hoặc tạo thêm các đô thị vệ tinh. Đối với các tuyến quốc lộ, cùng với việc qui hoạch lại mạng lưới và hiện đại hoá các trạm thu phí thì cần nâng cấp đường xá, giải toả hành lang an toàn giao thông. Việc nào làm trước, việc nào làm sau cần tính toán phù hợp với thực tế từng nơi. Nếu không có quyết sách đúng đắn thì thu thêm một chút phí giao thông cũng không giải quyết được gì đáng kể, mà có thể còn đẩy công việc này vào chỗ khó./.