Thu phí vỉa hè: Để không loay hoay, cần phương án cụ thể
VOV.VN - Sở GTVT TP.HCM mới đây có hướng dẫn thực hiện quản lý và sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường và sẽ triển khai thu phí vào 01/01/2024. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn loay hoay, lúng túng và cho rằng, cần có phương án cụ thể mới có thể thực hiện.
Xoay quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức và người dân ngụ tại quận 5 (TP.HCM).
Sáng 29/12, đường Tản Đà và đường Hùng Vương ở quận 5 (TP.HCM) được kẻ vạch sơn trên vỉa hè chuẩn bị cho việc thu phí. Theo ghi nhận, quận 5 có 69/96 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần cho việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán và trông giữ xe. PV VOV Giao thông đã có mặt tại đây và phỏng vấn ý kiến một số người dân.
PV: Việc kinh doanh quán cà phê của anh có ảnh hưởng gì không, sau khi áp dụng quy định thu phí vỉa hè?
Người dân: Diện tích kinh doanh quán cà phê của tôi là 12-14m2 để sử dụng kê bàn ghế cho khách ngồi theo kẻ vạch. Ngoài công tác sắp xếp xe thì tôi cũng có lực lượng bảo vệ để giữ xe theo đúng quy định.
Tôi nghĩ sau khi sắp xếp lại, vỉa hè sẽ thông thoáng hơn, trật tự hơn.
PV: Nhà ông hiện có kinh doanh buôn bán mặt hàng gì không và bản thân ông có băn khoăn, thắc mắc gì về quy định mới này?
Người dân: Tôi không kinh doanh buôn bán nhưng người thân của tôi có kinh doanh. Đây là chủ trương đúng đắn nhưng tôi muốn trong thời gian tới địa phương nên có giải thích thêm về các thủ tục để người dân đăng ký và công khai khu vực nào được kinh doanh, phân giới cụ thể.
Theo tôi nghĩ, vỉa hè nên khai thác cho hết thời gian. Có thể cả ngày lẫn đêm. Địa phương nên có hướng để người dân khai thác hết để người dân, hộ kinh doanh có nguồn thu chính đáng và có thể kinh doanh nhiều mặt hàng, sáng điểm tâm, chiều nước uống... chẳng hạn.
PV: Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, việc thu phí vỉa hè, lòng đường từ ngày 01/01/2024 được người dân hết sức quan tâm, tuy nhiên, người dân vẫn chưa nắm rõ thông tin về các quy định cụ thể này. Còn theo góc nhìn của PGS-TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức thì TP.HCM cần có phương án như thế nào trong quy hoạch và triển khai?
PGS-TS Vũ Anh Tuấn: Sự loay hoay của địa phương đó là chưa hiểu triển khai như thế nào vì họ không có kinh nghiệm. UBND TP đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì triển khai trong sự phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan, nhưng cần phải lưu ý hai điều. Thứ nhất đó là công tác quy hoạch, thứ hai là công tác quản lý, khai thác, vận hành. Nói về quy hoạch, mỗi một tuyến phố có một đặc điểm khác nhau; mỗi một khu vực có một đặc điểm cũng khác nhau.
Tuyến đường chính khác với tuyến đường phụ, đường nhánh; khu vực trung tâm khác với khu vực đô thị đang phát triển hoá,... vỉa hè rộng hẹp cũng khác nhau. Các phố buôn bán, kinh doanh đặc thù ví dụ như phố chuyên bán một mặt hàng, sản phẩm khác với phố buôn bán đa dạng các sản phẩm....
Vấn đề đặt ra là cần phải quy hoạch cho đúng với thực tế hiện trạng của hạ tầng cũng như đặc điểm sử dụng đất và đặc trưng văn hoá, phù hợp với chức năng của con đường trước mặt. Có nghĩa là Sở Giao thông Vận tải phải phối hợp với địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng và lên các phương án quy hoạch cho từng tuyến đường, tuyến phố, khu vực một. Như vậy địa phương mới không gặp khó khăn.
Bước thứ hai là sau khi đã có quy hoạch phân chia vỉa hè và sử dụng vào mục đích gì rồi thì đến công tác triển khai cũng cần các mô hình, hướng dẫn triển khai và cần có hệ thống giám sát quá trình thực thi. Trên thế giới, họ đều phải chú trọng hai bước như vậy.
PV: Những khuyến nghị của ông từ bài học ở các quốc gia trên thế giới?
PGS-TS Vũ Anh Tuấn: TP.HCM nên học Đài Bắc – Đài Loan (Trung Quốc) trong việc quản lý lòng đường, vỉa hè của họ. TP.HCM có nhiều nét tương đồng với Đài Bắc về sử dụng phương tiện, mạng lưới đường, đặc điểm sử dụng đất và các nhà ống.
Đài Bắc đã thành công trong 20-30 năm vừa qua trong việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, nâng cao hiệu quả sử dụng lòng đường, vỉa hè, thúc đẩy giao thông công cộng, nâng cao cảnh quan, an ninh trật tự đường phố.
Việc quản lý lòng đường, vỉa hè có ý nghĩa quan trọng vì đó là sự thay đổi về nhận thức của xã hội trong giao thông xanh, chuyển đổi phương thức đi lại. Mà muốn đạt được điều này thì phải siết chặt dần sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là xe máy và ô tô. Xe máy và ô tô đang phát triển rầm rộ như hiện nay có lý do là bởi các phương tiện này đang đậu, đỗ tràn làn trái phép ở lòng đường, vỉa hè.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cũng theo ghi nhận của PV VOV Giao thông, hiện nay trên địa bàn quận 1 có khoảng 54 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần cho việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán và trông giữ xe, cũng đã được quận triển khai đo, kẻ sơn theo đúng quy định.
Ông Trần Quốc Trung – Cán bộ địa chính, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM cho biết: “Phường đang triển khai kẻ vạch sơn trên những tuyến đường có vỉa hè, đảm bảo là từ 3m trở lên. Song song đó, hàng ngày anh em trong tổ đô thị của phường cũng tăng cường đi kiểm tra những nơi mà đã kẻ vạch rồi”.
Để thực hiện quyết định 32 của UBND TP một cách hiệu quả, Quận 1 đã tổ chức hội nghị quán triệt hướng dẫn triển khai đến 10 phường trên địa bàn. Ông Dương Thanh Bình – Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, TP.HCM chia sẻ, trong quá trình triển khai bước đầu, quận cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc và hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất lên Thành phố các giải pháp tháo gỡ để đưa quyết định 32 của UBND TP được triển khai một cách hiệu quả.
“Khi người dân sửa chữa mặt tiền, họ phải lắp đặt giàn giáo; tuy nhiên, hiện nay không được phép đặt giàn giáo trên vỉa hè, hè phố, dẫn đến việc khi kết cấu không có đảm bảo thì cũng ảnh hưởng đến việc thi công. Tất cả các hoạt động liên quan đến đầu tư công hoặc là nội dung liên quan tới đầu tư công đều phải từ ngân sách Thành phố và các phường thống kê chi phí kẻ vạch khá lớn. Do đó, quận không chủ động được. Trước mắt, quận đang vận động các phường vận động nguồn xã hội hóa của người dân”, ông Bình nói.