“Thủ phủ phòng trọ” công nhân đìu hiu, hàng quán ế ẩm
VOV.VN - Công nhân mất việc, rời TP.HCM kéo theo việc kinh doanh cho thuê nhà ế ẩm, các dịch vụ buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn.
Đường Số 5, khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) vốn được xem là “thủ phủ phòng trọ công nhân” ở TP.HCM, nhưng hiện nay tại đây treo rất nhiều tấm biển với những nội dung: “còn phòng“, “cho thuê phòng trọ”,…
Phòng trọ cho thuê ế ẩm
Thời điểm này, các dãy nhà trọ vốn đông đúc người ra vào tại khu vực Đường số 5, khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân trở nên đìu hiu, vắng vẻ bởi số phòng trống không người thuê hơn phân nửa. Bà Lê Thị Loan (67 tuổi), quản lý một khu trọ tại đây cho hay, sau các đợt cắt giảm lao động liên tiếp, nhiều công nhân không trụ lại được phải về quê hoặc đi nơi khác tìm kế sinh nhai, chỉ còn lác đác vài lao động nghèo khiến tình hình cho thuê nhà trọ ảm đạm hơn.
“Từ sau dịch, tình hình kinh tế phòng trọ rất khó khăn bởi vì công nhân nghỉ nhiều quá. Ở đây việc làm cũng không ổn định nên người ta về quê tương đối nhiều. Còn một số ở lại cũng bấp bênh, lương thấp, cho nên phòng trọ trống rất nhiều. 25 phòng trọ bây giờ trống khoảng 13 phòng”, bà Loan nói.
Ông Nguyễn Trí Hiếu (50 tuổi, chủ một khu trọ tại Khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cho biết, dãy trọ nhà ông có 50 phòng lớn nhỏ khác nhau. Trước khi có dịch, nhà ông cho thuê thường xuyên kín phòng. Người thuê chủ yếu là công nhân, sinh viên và lao động tự do. Từ khi xảy ra dịch Covid đến nay, số người thuê phòng trọ của ông Hiếu giảm dần qua từng tháng. Hiện trống hơn 20 phòng và dự kiến vài tháng sau sẽ có thêm người trả phòng. Thấy cuộc sống của những người lao động thuê trọ gặp khó, ông Hiếu phải giảm giá cho thuê, giãn thời hạn đóng tiền nhà.
“Người thuê chủ yếu là công nhân, người ta khó khăn thì mình phải tính toán thêm cho người ta, để cho người ta ở. Ưu đãi giá như mấy sinh viên. Phải giảm giá tùy theo số lượng người ở. Ở đây 3 cỡ phòng 3 loại giá. Ví dụ ở một người giá trung bình là 1,2 triệu đồng, nếu chỉ đóng 800-900 tôi vẫn cho ở bình thường”, ông Hiếu cho hay.
Các dịch vụ, tiện ích xung quanh ế ẩm
Tình trạng nhiều lao động mất việc, phải về quê không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các chủ trọ mà còn khiến nhiều hoạt động dịch vụ kinh doanh xung quanh khu vực “thủ phủ nhà trọ” cũng lao đao vì ế ẩm.
Theo thông tin từ một vài tiểu thương tại chợ Bãi Cát (gần Đường Số 5), trước đây khi công nhân còn ở đông, cứ hết giờ tan ca là lối đi trong chợ chật kín người. Đến nay, chợ trở nên vắng vẻ, có những thời điểm đường vào chợ không một bóng khách.
Ông Nguyễn Tấn Phong (50 tuổi, chủ một sạp hàng kinh doanh quần áo tại đường Lộ Tẻ, quận Bình Tân) chia sẻ, người lao động rời đi khiến cho cuộc sống của ông cũng như các tiểu thương xung quanh bị sụt giảm. Kể từ sau dịp tết, cửa hàng nhà ông Phong liên tục thua lỗ, nên từ đầu năm đến nay, ông phải bỏ tiền túi bù lỗ tổng cộng hơn 100 triệu đồng để chi trả tiền mặt bằng, tiền thuế, tiền hàng, chi phí nhân viên,.. Ông Phong tâm tư, nếu hai ba tháng nữa tình hình không có gì thay đổi, ông phải trả lại mặt bằng mặc dù chưa hết hạn thuê theo hợp đồng. Bởi nếu không ông sẽ thua lỗ nặng.
“Nói chung ở khu vực này, mọi ngành nghề kinh doanh đều phụ thuộc vào công nhân. Công nhân giảm đi thì mức kinh doanh giảm rồi. Nặng nhất là năm nay, sức mua giảm, thời điểm còn bán được đạt 100% thì bây giờ chỉ còn 30%. Cố gắng gồng thêm 1,2 tháng coi sao chứ kiểu này toàn lỗ. Từ đầu năm tới giờ tôi phải bù lỗ mỗi tháng vài chục triệu đồng, không thấy tháng nào khởi sắc. Tình hình này chắc không trở lại, tháng nào cũng vậy, không thấy hy vọng gì hết”, ông Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Hùng - Tổ trưởng Khu phố 3 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) thông tin, khu vực này chiếm 1/3 dân số của phường Tân Tạo A, đa số là công nhân từ các tỉnh đến thuê trọ. Từ khi có dịch Covid-19, công nhân ở đây bắt đầu giảm nhưng đến đầu năm nay, làn sóng người lao động rời bỏ khu trọ diễn ra nhanh hơn.
Trong nửa đầu năm 2023, khu phố giảm từ 22.000 người xuống chỉ còn 15.000 người. Hai con hẻm 58 và hẻm 60 từng có đông người đến thuê trọ nhất với khoảng 1.000 công nhân lưu trú, nay chỉ còn khoảng chưa đến 400 người. Một vài công nhân thất nghiệp đang cố bám trụ lại chuyển sang lái xe ôm, buôn bán ở các khu chợ hay làm một số công việc tự do. Chính quyền địa phương đang vận động các chủ trọ cố gắng có những mức giá ưu đã nhất để chia sẻ khó khăn cho công nhân trong thời điểm này.