Thủ tướng yêu cầu chăm lo sức khoẻ người dân dịp rét đậm, rét hại
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 170/CĐ-TTg về phòng, chống rét đậm, rét hại.
Công điện nêu rõ, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh được tăng cường liên tục, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, ở vùng núi cao đã xuất hiện mưa tuyết, băng giá, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng và chăn nuôi gia súc.
Chống rét đậm rét hại (Ảnh minh họa)
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới và sau Tết Mậu Tuất có thể còn có thêm những đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ;
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ sức khỏe của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:
- Tập trung chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thành lập các đoàn công tác về cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cho gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi và cây trồng, đặc biệt chú trọng các xã vùng cao, vùng khó khăn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ hỗ trợ kịp thời cho người dân triển khai các biện pháp phòng chống rét, chống dịch cho cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, nhất là đối với cây giống, con giống.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với kinh nghiệm của địa phương; cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét, dịch cho vật nuôi, cây trồng.
- Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại, ao giống, vườn cây giống, nhất là mạ xuân và mua thức ăn tinh cho đàn gia súc ăn cỏ, phân bón, chế phẩm sinh học tăng sức chống chịu lạnh cho cây trồng.
- Chỉ đạo chính quyền cơ sở có trách nhiệm thống kê đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi, thủy sản, cây trồng bị thiệt hại để thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho người sản xuất theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Thống kê báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả phòng chống rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn và các chính sách hỗ trợ của địa phương.
- Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng vật nuôi, thủy sản và cây trồng bị chết nhiều do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống rét, chống dịch cho vật nuôi, thủy sản và cây trồng trên địa bàn.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về việc thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng. Chỉ đạo, hướng dẫn kế hoạch sản xuất, chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất, phù hợp với cây trồng, vật nuôi và thủy sản và diễn biến thời tiết. Phối hợp với các địa phương cập nhật, tổng hợp đầy đủ, chính xác số lượng vật nuôi, thủy sản, cây trồng bị thiệt hại để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời.
3. Bộ Y tế hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tăng các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, cây trồng đến các cơ quan chức năng và người dân.
6. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh./.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với phụ gia thực phẩm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm về: Thủ tục tự công bố sản phẩm; thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trong đó, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với phụ gia thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau đây:
1- Đáp ứng các quy định chung về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 21 Luật an toàn thực phẩm.
2- Chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm khi các phụ gia thực phẩm đó thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và sản phẩm cuối cùng của sự phối trộn không gây ra bất cứ tác hại nào với sức khỏe con người; trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa.
3- Việc sang chia, san, chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn theo quy định hiện hành.
Nghị định cũng quy định cụ thể về phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới. Theo đó, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được liệt kê thành phần định lượng đối với từng phụ gia trong thành phần cấu tạo.
Sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép
Về sử dụng phụ gia thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản suất, kinh doanh sản phẩm có trách nhiệm chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định. Trong trường hợp phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép; đúng đối tượng thực phẩm; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý và yêu cầu kỹ thuật đối với phụ gia thực phẩm.
Nghị định có hiệu lực từ 2/2/2018.
Kéo dài thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với ông Nguyễn Văn Hiếu, sinh ngày 23/6/1959, đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Xuất gạo hỗ trợ nhân dân Nghệ An bị mất mùa năm 2017
Xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Nghệ An hỗ trợ cứu đói cho nhân dân do mất mùa năm 2017.
Cụ thể, ngày 2/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 794,715 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ trên.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nghệ An tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, tỉnh Nghệ An báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Xây dựng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý.
Trong đó, dịch vụ sự nghiệp kinh tế gồm: Lập các đồ án quy hoạch theo phân cấp; nghiên cứu thiết kế điển hình, thiết kế mẫu trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ xây dựng; xây dựng cơ sở dữ liệu, đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành Xây dựng; xây dựng, thu thập, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, phát triển cổng thông tin điện tử; điều tra thống kê.
Dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực khoa học, công nghệ gồm: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi của Bộ Xây dựng quản lý.
Dịch vụ sự nghiệp công về bảo vệ môi trường gồm: Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Xây dựng; xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc hiện trạng môi trường, các tác động đối với môi trường trong lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng; các nhiệm vụ, dự án sự nghiệp môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng; xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường ngành Xây dựng.
Dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thông tin và truyền thông về xây dựng gồm: dịch vụ phát hành các ấn phẩm, sách, báo, tạp chí khoa học chuyên ngành xây dựng, phổ biến pháp luật ngành xây dựng.
Lĩnh vực đào tạo, dạy nghề gồm các dịch vụ sự nghiệp công: Nhóm dịch vụ giáo dục nghề nghiệp (dịch vụ đào tạo trình độ cao đẳng, liên thông trung cấp - cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác); nhóm dịch vụ giáo dục đại học (dịch vụ đào tạo liên thông cao đẳng-đại học, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ); xây dựng chương trình và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Xây dựng và các đối tượng khác theo chương trình, đề án, nhiệm vụ được giao do ngân sách nhà nước hỗ trợ; xây dựng chương trình và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.
Lĩnh vực y tế gồm dịch vụ khám, chữa bệnh ngành Xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ, định mức kinh tế-kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định lựa chọn đơn vị thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định.
Ngoài các danh mục dịch vụ sự nghiệp công trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng của địa phương.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ranh giới lập Quy hoạch vùng tỉnh Gia Lai bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 15.510,99 km2, bao gồm 17 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Pleiku; thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện K’Bang, Đăk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Pưh.
Ranh giới được xác định như sau: Phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên; Phía Tây giáp Campuchia; Phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk; Phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu xây dựng và phát triển vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cụ thể hoá các mục tiêu quy hoạch của Quốc gia, vùng Tây Nguyên, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh Gia Lai; nhằm gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của các dân tộc gắn với mục tiêu ổn định đất đai - dân tộc - tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Đồng thời, tổ chức phân vùng chức năng hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về vị trí và tài nguyên thiên nhiên, tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Cụ thể, Nông - Lâm nghiệp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc vùng kinh tế Đông Trường Sơn; phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, chè, cà phê…, gắn với công nghiệp chế biến hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu tại vùng kinh tế Tây Trường Sơn; phát triển vùng công nghiệp tập trung; duy trì khai thác các công trình thủy điện có hiệu quả cao, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đặt biệt là bảo vệ rừng và nguồn nước của hệ thống hồ, sông, suối; phát triển thương mại - dịch vụ tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê; vùng trao đổi thương mại và kinh tế, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ tại cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Theo dự báo, đến năm 2025 dân số toàn tỉnh khoảng 1.580.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35%; đến năm 2035, dân số khoảng 1.850.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%.
Dự báo khách du lịch đến năm 2025 khoảng 750.000 lượt khách, đến năm 2035 khoảng 3.000.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng của khách du lịch bình quân 15 - 18%/năm.
Tổ chức triển khai giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương vừa ký ban hành Kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2018.
Kế hoạch nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN), góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.
Theo đó, cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP&AN Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về công tác GDQP&AN, chỉ đạo thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (BDKTQP&AN) cho các đối tượng. Đặc biệt là 504 trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ 1/1/2017 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 3/9/2016 của Chính phủ.
Các bộ, ngành trung ương và Hội đồng GDQP&AN các cấp rà soát, nắm số lượng, phân loại các đối tượng, xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức BDKTQP&AN cho các đối tượng theo quy định.
Các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về GDQP&AN; tiếp tục triển khai xây dựng các trung tâm GDQP&AN theo Quyết định 161/QĐ-TTg ngày 30/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm GDQP&AN giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng liên quan khảo sát các trường nghề trong quân đội, đề xuất với Chính phủ chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ thành các trung tâm GDQP&AN để thực hiện GDQP&AN cho sinh viên.
Ban Thường trực Hội đồng GDQP&AN Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các quân khu, địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn hội đồng GDQP&AN các cấp, đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần theo quy định; duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhất là chất lượng các phiên họp hội đồng và thực hiện tốt việc kiểm tra công tác GDQP&AN theo kế hoạch ở tất cả các cấp.
Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP&AN Trung ương chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác GDQP&AN các Trung tâm GDQP&AN thuộc Đại học Thái Nguyên và các trường: Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học thể dục thể thao Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ; kiểm tra, khảo sát, chấn chỉnh các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được giao quyền tự chủ môn học GDQP&AN theo các điều kiện, nếu không đủ điều kiện thì đưa vào liên kết với trung tâm GDQP&AN hoặc trường quân sự cấp tỉnh./.