Thư về Cà Mau
(VOV) - Lúc mới gặp chú, tôi cảm ngay cái tính cách rất Nam bộ. Áo mũ quẳng ra ngoài cổng, hư danh bỏ lại ngoài thềm, chỉ bầu bạn thì vô nhà.
1. Nhiều đận ở Cần Thơ, nơi tôi tá túc, nửa đêm máu lãng tử nổi lên, bắt xe đò chưa đến trăm bạc, xuống Cà Mau. Miền cực Nam còn giữ vẹn nguyên tính cách miền Tây, không như nhiều địa phương trong 13 tỉnh thành châu thổ đã ít nhiều thay đổi, nhang nhác màu Sài Gòn. Chỉ để được ngồi với bạn, nghe bạn nhừa nhựa ca trong cơn sương sương. Nửa đêm về sáng rồi mà bạn vẫn chờ chuyến xe đò cập bến như chờ một người thân lâu không về nhà, như một người tình lâu không gặp mặt...
Ở Cà Mau, tôi có một người bạn già (xin phép chú Hai được gọi như vậy). Không chuyến nào xuống là tôi không ghé vô nhà chú ở một con hẻm nhỏ trong cái xóm nghèo chật chội. Chú Hai trước là diễn viên hài đoàn cải lương. Tấm màn nhung sân khấu đã khép lại từ lâu mà vẫn nghe thấy gió thổi, vẫn nghe thấy tiếng cười không lẫn vào đâu được, phá tan nỗi mệt mỏi. Đôi mắt hiền từ nheo nheo nhìn thấu cuộc đời. Cuộc đời bể dâu chỉ còn lại tiếng cười. Những thăng trầm, những xô đẩy đời sống không lung lay nổi một chữ tình...
“Chú Hai kính mến, đời người ai cũng phải sắm nhiều vai nhưng khó nhất chú ơi là đóng vai chính mình. Mỗi lần về đây, ngồi bên chú với chai rượu chắt ra từ cái tình thẳm sâu, con lại được trở về vai diễn đích thực của mình với cái tên cha sinh mẹ đẻ, không lệ vào bất cứ một hư danh nào. Để người ta nhớ đến mình nhờ cái áo mũ đính kèm thì chán lắm, chú Hai à”.
Chạm với chú vài ly, lôi ra từ chiếc ba lô cũ tờ báo có bài viết nhỏ, chép tặng chú vài câu thơ bất chợt, vài năm trở lại vẫn thấy chú lưu giữ, trong khi mình quên khuấy, trí nhớ đã bị lấp đi trong bao lớp gạch vụn đời sống bụi mờ.
Ông bạn bên hội văn nghệ, coi chú thím như ba má, bảo rằng, chú thím sống với nhau như đôi sam. Mấy người con ở xa cả. Hai cái cột nhà mảnh mai đó tựa vào nhau bền bỉ chống chọi với thời gian, với bao khúc quanh của đời sống.
“Hồi còn ở Cần Thơ, hay tin chú thím gả con gái cho chàng trai xứ Cần, con tính chạy lại chia vui với chú thím nhưng lại ngại vì không thấy chú mời. Chắc chú cũng ngại, sợ làm phiền ông cháu đang bận bịu việc Nhà nước. Thôi thì sau đó đã có buổi nhậu mừng rồi, mừng chú thím có rể, mừng thêm căn nhà cũ được sửa sang chút đỉnh”.
Mà đúng như đôi sam thật, nhà có khách, thím tíu tít sửa soạn mấy món đồ lai rai, rồi lặng lẽ ngồi nghe những câu chuyện đàn ông không đầu không cuối. Hôm chia tay tôi về Bắc, thím tần ngần ngưỡng cửa, mắt rơm rớm. Đâu đó khắp các xứ ngược xuôi, miền núi cao, biển xa, tôi đều bắt gặp những ánh nhìn chất chứa nhiều nỗi niềm như thế. Những ánh nhìn nhân từ làm người ta cứ phải nấn ná, khó rời xa.
Lúc mới gặp chú Hai, tôi cảm ngay cái tính cách rất Nam bộ. Áo mũ quẳng ra ngoài cổng, hư danh bỏ lại ngoài thềm, chỉ bầu bạn thì vô nhà. Chú Hai chắt từ cái bình to mấy xị rượu. Mùi thơm dìu dịu khiến căn nhà nhỏ như rộng thênh không gian rừng. Quây quần mấy chiếc bàn ghế gỗ mộc. Chiếc võng sờn nối hai đầu vách…
Chú Hai cắt ngang dòng suy nghĩ: “À, mấy đứa nghe tao kể chuyện nhậu miệt vườn nè… Bữa đó có ông bạn kéo vô vườn nhậu lai rai. Hắn dọn ra một cái “cù lao” nóng hôi hổi. Than hồng rực ủ quanh một thứ hỗn hợp gì đó thơm sực. Hỏi hắn, hắn chỉ cười: “Cứ nhậu đi, đảm bảo miễn chê”. Rượu ngon xì xụp với món mồi ngầy ngậy, dai dai ròn ròn không rõ là thứ thịt gì. Nhưng ngon đáo để, nhậu vô thấy phơi phới, lời ca điệu hát tràn cung mây.
Cuối bữa, khách không thể chịu thêm được nữa. Cơn tò mò về món nhậu lạ đã lên quá đỉnh. Gã chủ mới khẽ khàng rủ rỉ: “Các ông có quan sát thấy ngoài vườn nhà tui không còn chiếc võng dù không. Tui đã cắt phần đầu quai võng bằng da trâu đem tẩm ướp gia vị rồi chế biến thành món nhậu mà các ông vừa xơi. Ngon không?”. Trời đất quỷ thần ơi! Mấy ông khách bỗng chốc tỉnh cả rượu, ngã bổ chửng ra sân vườn...”.
Chuyện của chú Hai không rõ hư thực thế nào, chỉ biết qua điệu bộ hài hước của một nghệ sĩ già, ngôi nhà bớt đi vẻ hiu quạnh.
2. Lại nói về ông bạn văn nghệ, đợt mới vô Nam, tôi được một người bạn giới thiệu, kèm một câu gọn lỏn: “Chơi được!”.
“Ồ, ông bạn thân mến, vậy là tốt rồi, chơi được là giấy thông hành để chúng ta đi tận cùng với nhau. Tôi sợ những phi vụ thoáng chốc và toan tính. Chơi dần dà rồi trở nên thân, gọi nhau là đồng đội, chúng ta đã có những khoảng tách ra khỏi những vặt vãnh của đời sống để dốc hết nỗi niềm”.
Lang thang Đất Mũi, Hòn Đá Bạc, Rừng Tràm, Năm Căn, Sông Đốc..., chỗ nào cũng gặp chất men say ca cổ trong gã. Mà gã ca mùi thật, những “Tình anh bán chiếu” hay “Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà”... nghe hoài không chán. Tôi thì chịu, chỉ biết bó gối ngồi nghe. Những đận “quậy sáng nước” ròng rã bao giờ cũng kết thúc tại tư gia, nơi có bà xã lành hiền và bọn trẻ ngoan. Gã lôi ra đống đĩa than cũ với những bài ca xưa, đặt nhẹ vào chiếc đầu máy già hơn tuổi gã. Chiếc đĩa quay cọt kẹt, rỉ rả thứ âm nhạc đặc sệt miền Tây...
Sáng hôm sau, tinh mơ, cơn mệt mỏi còn chưa tan, gã đã alô: “Dậy đi sở cù thôi!”. “Ô hay, sở cù là gì ta?”. Chú em đồng nghiệp nằm giường bên nhanh nhảu: “Để em xuống hỏi lễ tân khách sạn”. Hỏi rằng: “Ở đây có quán nhậu nào tên là sở cù?”. Lễ tân ngơ ngác, thuở bé đến giờ chưa nghe cái quán nào tên như vậy. Thôi đành mò đến nhà gã. Gã lật đật kéo ra thùng bia uống dở: “Đó, sở cù đi” và giải thích “Sở cù nghĩa là lúa gặt dở dang, để đó, mai gặt tiếp. Cuộc nhậu cũng vậy, còn dở, mai hẹn hò làm tiếp”. À ra vậy, đến chú em đi cùng, trai miền Tây đích thị lại còn là dân viết văn nữa còn chịu, huống hồ gã trai Bắc lơ ngơ như tôi.
Thế rồi cũng “sở cù” chào buổi sáng hết cái đống thâm tình đêm qua. Lại được nghe cái máy quay đĩa kẽo kẹt kéo ký ức trở lại trong dòng âm thanh xé lòng. Chiều hôm đó, chúng tôi theo gã về trong vườn quê nhà gã. Gần thôi, qua mấy cây cầu, mấy con kênh..., khung cảnh quê yên bình như vẫn vậy từ lâu rồi. Người thành phố cứ hùng hục guồng quay, hì hụi toan tính, lo toan này đi, lo toan mới lại tới. Ở đây thì cứ vậy, dìu dịu một dòng chảy riêng.
Chiều về, gió lồng lộng. Mâm rượu được dọn ra ngay hiên nhà, khỏi cần bàn ghế cầu kỳ, ngồi sụp xuống nghiêng vai chụm đầu. Nhưng mà muỗi quá trời. Muỗi rào rào bay thành tảng như tấm lưới đan dày ụp vào tóc, ập vào người. Vừa nhậu vừa đuổi vừa gãi sồn sột. Muỗi vườn miền Tây nhỏ mà chích buốt tận mang tai.
Ông chủ chiều khách cắt cử một đệ tử ngồi bên cạnh cầm theo chiếc vợt diệt muỗi chạy pin. Tay múa dẻo như Quan Công qua ải chém tướng. Muỗi chết nổ lép bép, rụng lả tả đen kịt nền hiên. Nhìn vô nồi lẩu, muỗi rụng xuống tơi bời. Món lẩu muỗi chả đâu có được. Ngồi nơm nớp chỉ sợ cái vợt muỗi va vào người, tê phải biết. Nhưng cả buổi không một lần dính chưởng. Ông “Quan Công vườn” này chắc phải dày thâm niên tiếp khách lắm, tay vợt muỗi thâm hậu mới không làm khách dính đòn...
...Ngà ngà men say, tôi nằm gọn trong chiếc võng ngoài vườn. Lâu lắm rồi tôi mới được nằm võng. Bữa ở nhà chú Hai, tôi cũng bỏ dở cuộc vui tìm đến cái võng nhỏ. Ngủ thiếp đi, mơ mơ màng màng, phía gian ngoài, ông bạn đã bắt đầu ca, lúc nhìu nhịu như máy quay đĩa bị vấp, lúc lại nghèn nghẹn như lời trách móc:
“...Trời ơi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch...Bạch...Bạch...Thu...Hà...
...Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao người con gái năm xưa chẳng thấy ra... chào?”/.