Thừa Thiên Huế đối mặt với nỗi lo sạt lở mùa mưa bão
VOV.VN - Tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng khiến hàng ngàn hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở luôn thấp thỏm lo âu, nhất là vào mùa mưa bão.
Tại huyện miền núi A Lưới, những ngày này, có mưa to đến rất to. Hàng trăm hộ dân sinh sống dưới những ngọn núi đã sạt lở, nguy cơ tái diễn cao lại nơm nớp lo sợ sạt lở có thể đổ sụp xuống lúc nào. Gia đình bà Nguyễn Thị Liễu, sống tại thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới, phía sau lưng là những ngọn đồi cao. Mỗi mùa mưa bão đến, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân ở đây luôn thấp thỏm, lo sợ tình trạng sạt lở. Ngọn đồi phía sau lưng nhà bà Liễu đã xảy ra trình trạng sạt trượt đất hơn 2 năm nay. Các vết trượt lở dưới chân đồi khiến đất đá đổ xuống khu dân cư, nhiều vết nứt gãy xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 30 hộ dân đang sinh sống ở đây.
Bà Nguyễn Thị Liễu cho biết: "Nhà ở sát chân đồi nên cứ nơm nớp lo sợ. Những đợt mưa kéo dài, chúng tôi phải thu dọn những đồ đạc quan trọng, sơ tán đến nơi an toàn. Nghe đài báo mưa gió là không dám ở đây nhưng mình lo cho bản thân mình đã. Trước tiên là phải dồn đồ đạc, tài sản còn nhà đóng lại đi ngủ chỗ khác, chứ không bao giờ dám ngủ trong nhà".
Tại thôn Tru Phỉ, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, người dân cũng lo lắng không kém vì nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ. Hai năm trở lại đây, trên đỉnh núi cao xuất hiện nhiều vết nứt sâu, rộng, kéo dài hàng trăm mét khiến người dân lo lắng. Thôn Tru Phỉ có hơn 170 hộ dân sinh sống, bao quanh là những ngọn núi cao. Ông A Cơ Tiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, huyện A Lưới lo lắng, nguy cơ sạt lở núi là thường trực, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến gần 50 hộ dân ở thôn Tru Phỉ. Mỗi khi có mưa lớn, chính quyền xã vận động bà con di dời đến nơi an toàn.
“Các vết nứt hiện nay trên địa bàn thôn Tru Phỉ đã cảnh báo cho người dân rồi, nhưng mà nó sạt lở khi nào thì mình không thể dự đoán trước được. Vết nứt dài nhất hiện nay khoảng 30m, trước đây là rộng 2m, sâu có chỗ 4m, có chỗ 3m, chỗ 1,5m. Cho nên rất là nguy hiểm”, ông A Cơ Tiến cho hay.
Tình trạng sạt lở đất tại nhiều điểm đồi núi và sông suối ở huyện miền núi A Lưới trở nên nghiêm trọng hơn sau các đợt mưa bão hàng năm, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Các điểm nguy cơ sạt lở tập trung dọc Quốc lộ 49A đoạn qua các xã Hồng Hạ, Phú Vinh, Hồng Thủy; khu vực đèo A Co, dọc đường Hồ Chí Minh... Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Hiện UBND huyện A Lưới chỉ mới bố trí 300 triệu đồng lập dự án san gạt ở khu vực Bốt Đỏ, xã Phú Vinh, các điểm sạt lở khác thì chưa có kinh phí. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trước mắt, huyện chú trọng công tác tuyên truyền và tổ chức di dời dân đến các điểm an toàn khi mưa lớn kéo dài, về lâu dài huyện đang lập khu tái định cư vùng sạt lở.
Ông Hồ Văn Ngưm nói: “Đối với huyện hiện nay đang rà soát lại toàn bộ các điểm xung yếu để có phương án cụ thể cho từng điểm. Tuy nhiên hiện chưa có kinh phí. Mỗi lần mưa bão làm công tác chuẩn bị, truyên tuyền vận động cho bà con biết và phòng tránh, mỗi lần mưa 3-4 ngày là phải di dời ngay".
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện ghi nhận hơn 70 điểm nguy cơ sạt trượt đất, lũ quét, ảnh hưởng 5.000 hộ dân. Để ứng phó với tình trạng sạt lở, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển. Các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố thiên tai trong mùa mưa bão. Trước mùa mưa lũ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát lên phương án di dời, sơ tán các hộ dân tại vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn Phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án di dời tái định cư những hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm: “Đối với địa phương thì tiếp tục theo dõi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở để có cảnh báo, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại cũng như theo dõi khi mưa lũ xảy ra, có phương án sơ tán, di dời dân ở các khu vực phía dưới. Đảm bảo an toàn cao nhất về tài sản và tính mạng của người dân".